Định mệnh đẩy cuộc đời Mahmood Mattan và gia đình sang ngã rẽ đau khổ vào tháng 3-1952. Khi đó, ông bố 3 con người Anh gốc Somalia bị buộc tội giết hại bà Lily Volpert, chủ cửa hàng quần áo ở TP Cardiff.
Dù bản thân kêu oan, phản đối bản án đến cùng nhưng vào tháng 9 năm đó ông Mattan vẫn bị hành quyết bằng cách treo cổ, lúc mới 28 tuổi.
Suốt 46 năm sau, vợ và 3 con của ông Mattan vẫn miệt mài kêu oan đòi công lý cho người đã khuất. Cuối cùng, vào năm 1998, tòa phúc thẩm Anh đã vào cuộc và hủy bản án trước đó để điều tra lại.
Theo tờ Guardian ngày 4-9 năm nay, cảnh sát Nam Wales - Anh đã chính thức lên tiếng xin lỗi gia đình của ông Mattan vì vụ án oan 70 năm về trước đã gây "nỗi đau khủng khiếp". Nỗi oan này có sự sai sót của cảnh sát TP Cardiff, hiện thuộc cơ quan cảnh sát Nam Wales. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sự phân biệt chủng tộc đối với những người da màu nhập cư vào Anh.
"Vụ việc rất phổ biến trong thời đại đó - phân biệt chủng tộc, thành kiến phổ biến trong toàn xã hội, bao gồm cả hệ thống tư pháp hình sự" - cảnh sát trưởng Nam Wales Jeremy Vaughan thừa nhận.
Mahmood Mattan được xin lỗi khi bị hành quyết oan từ 70 năm trước. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Anh.
Tờ Guardian còn tiết lộ, do tiếng Anh hạn chế nên ông Mattan không biện minh được nhiều cho bản thân tại phiên tòa vốn do những người da trắng giữ quyền xét xử. Thậm chí, luật sư được chỉ định bào chữa cho Mattan cũng gọi ông là "kẻ man rợ" do có nguồn gốc Somalia.
Ông Mattan bị kết án sau phiên tòa kéo dài 3 ngày ở Swansea, dù không có bằng chứng pháp y chứng minh ông giết người, trong khi đó còn có chứng cứ ngoại phạm.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, Mahmood Mattan là nạn nhân của vụ án oan. Đó là kết quả của một vụ truy tố sai sót, trong đó cảnh sát cũng có một phần trách nhiệm" - cảnh sát trưởng Vaughan nhấn mạnh, đồng thời thay mặt cơ quan cảnh sát xin lỗi nạn nhân cũng như gia đình ông Mattan.
Buồn thay, ngày nhà chức trách thừa nhận gây oan sai và xin lỗi thì cả vợ và 3 con của ông Mattan đều đã qua đời.
"Lời xin lỗi đã quá muộn đối với những người bị ảnh hưởng trực tiếp vì họ không còn ở bên chúng tôi nữa" - Tanya Mattan, cháu gái của ông Mattan, nói.
Thực tế, năm 2001, gia đình ông Mattan đã nhận được tiền bồi thường từ Bộ Nội vụ Anh nhưng đến nay họ mới nhận được lời xin lỗi, tức sau 70 năm ngày bị treo cổ trong vụ án oai sai.