Nội tôi thích cây lắm, thú vui của nội là chăm sóc cái vườn cây trên sân thượng, cây gì cũng có, từ mấy cây kiểng, cho tới mấy cây ăn trái, ăn lá, đi đâu cũng thấy.
Có lần, tôi thắc mắc hỏi nội, "Nội ra hàng mua hết mấy cây này đấy hở nội?", "Tao già rồi, còn sức đâu mà đi, sáng sáng, có mấy bà bán cây, bán hoa đi tới nhà, tao thấy tao ra mua thôi".
Vậy đó, những lúc ngồi xem cái vườn của nội, xem mấy "bà bán cây, bán hoa" đã góp phần tạo nên một người bạn thật yên bình cho nội như thế, tôi lại thích thú và tò mò về cái nghề này.
Nếu Hà Nội có những gánh hoa rong trên chiếc xe đạp cũ thì ở Sài Gòn, người ta chở cả một chợ cây xanh sau yên xe máy.
Một lần, đi trên đường sau cơn mưa bất chợt, tôi bắt gặp một xe chở đầy màu xanh, nhìn xa cứ như một cái vườn biết đi vậy, tôi lân la tấp vào xem thử.
Người ta đôi khi lại có những điều vui thật giản đơn, và tôi lại đang đứng trước một trong những điều vui giản đơn đó, lướt mắt nhanh nhìn khắp xe, thấy nhiều cây lắm, từ cây cảnh, cây kiểng như hương thảo, cây trang leo đến mấy cây ăn trái cỡ nhỏ như cóc, ổi, chanh,… cả một khu vườn!
Bắt gặp một xe chở đầy màu xanh, nhìn xa cứ như một cái vườn biết đi vậy!
Cô bán cây là một cô khá đứng tuổi, gương mặt hơi vẻ mệt nhọc. Tôi bắt chuyện với cô thì được biết, cô tên là Tâm ở tận Thủ Đức, mỗi ngày cô dậy sớm, bắt đầu đi từ 6h sáng, đi qua nhiều con đường, cái quận, cho đến khi trời mập mù tối, thì cô mới bắt đầu trở về nhà.
Cô Tâm nói, cô đi bán đến nay cũng được hơn 10 năm rồi, có cô kìa còn bán hơn 15 năm, mọi người làm cái nghề này đều có một sự gắn kết cả, người này đi đây đi đó bán, có lúc còn giúp nhau khi khách cần cây mà lại không có.
"Coi vậy chứ nhanh ghê, hồi xưa đi xe đạp đi bán cực lắm, bây giờ có cái xe máy, đi bán cũng đỡ, mà mùa mưa này ế lắm, mùa nắng đã ế, mùa mưa thì ế hơn", cô Tâm cười.
Những chiếc giỏ xe chở đầy cây cảnh, họ đã chở mùa hè đi khắp nẻo đường Sài Gòn như thế.
Trong lúc trò chuyện, tôi chợt thấy có thêm vài xe cây cảnh nữa lại tới, dựng xe gần với "quầy" của cô, cùng nhau lại ngồi một chỗ, khi có khách tới thì lại tiếp khách.
"Chiều chiều, mấy người tụi cô hay tập trung lại đây, chỗ này đông người qua lại, với lại nó thành "đặc sản" chỗ này rồi, nên cứ đi ngang là thấy à!". Cái chỗ hình thành "đặc sản" chợ cây sau yên xe chính là khu vực siêu thị Phú Lâm, quận 6.
Những người gắn bó với nghề này đều chọn tập trung về một chỗ. Khách không ưng cây của người này thì có thể sang "chợ" của người khác để lựa mua.
Lựa cho mình một cây ưng ý, mang mảnh xanh về nhà, mang theo điều vui giản đơn nữa.
Một lần khác, tôi đi trên đường Bắc Hải ở Tân Bình, khu vực nổi tiếng với những vườn bán cây cảnh, tôi lại bắt gặp những chiếc xe xanh, nhưng lần này có chút khác, có nhiều hoa hơn, nên cũng nhiều màu hơn.
Tôi ghé vào xem, và lại được một cuộc trò chuyện với "những con người mang chợ vườn sau lưng".
Con đường hoa và cây kiểng ở Bắc Hải cũng là nơi "tập kết" nhiều người bán cây hoa di động.
"Cô từ Bắc vào đây, cũng được hai chục năm rồi, mà đa số các cô, các chú từ Bắc vào đây, không làm công nhân thì cũng làm nghề này à, giờ cô già rồi, đi làm công nhân thì không ai nhận, nên cứ đi theo cái nghề này thôi", một cô "chủ chợ" tên Hưng tâm sự với tôi.
Có khách đến, cô vui vẻ ra tiếp, cô rất tận tình, từ cây gì, làm gì, cách chăm sóc ra sao, cô đều nói, nhưng họ hỏi rồi đi, nét vui của cô cũng từ đó mà tắt.
"Một ngày cô bán được nhiều không cô?" - Tôi hỏi cô sau khi người khách đi mất.
"Cũng không nhiều đâu, coi vậy thôi chứ cực lắm, hồi trước bán còn có người mua, giờ thì người bán ngày càng nhiều, còn người mua lại ít, họ lo đi làm, hay có mua họ đi lên vựa mua, trong khi vựa nó bán mắc hơn cô nhiều, gấp mấy lần lận, tụi cô mua đi bán lại kiếm đồng lời, có ngày không bán được nữa kìa!" - Cô Hưng nói, rồi mỉm cười, chắc tại vì cô cũng quen rồi?
Làm cái nghề cũng có nhiều thứ hay, lúc tôi hỏi cô có thấy vui khi làm nghề này không, tôi nhận được câu trả lời tỉnh veo: "Vui hả, vui thì nhiều lắm, lúc bán ế hay mắc mưa uớt nhẹp cũng vui nữa!".
Ngắt lời, cô lại cười tít mắt, cứ như cái nghề này lại là nguồn sống của cô, không chỉ cả về vật chất, mà còn cả tinh thần.
Cái nghề này cũng được nhiều người mong nó sống hoài lắm chứ, nó tiện, cứ chạy ngoài đường, thấy chỗ nào xanh xanh trên xe thì tấp vào, xem tí thì mang về được một chậu cây ưa thích, còn không thì ngồi trong nhà, nghe tiếng rao của mấy "bà bán cây, bán hoa" thì ra mua, như nội tôi chẳng hạn.
Khi được hỏi một người khách, tôi được chia sẻ: "Mấy bữa nay tính mua mấy cái cây kiểng để trưng trong nhà cho đẹp, mà lại không có thời gian đi ra vườn mua, nay đi ngoài đường gặp, ghé vô mua luôn, cũng tiện lắm".
Những chợ cây xanh sau yên xe máy thế này mang đến sự tiện lợi cho người mua.
Bởi vì họ có thể mua được những chiếc chậu nhỏ xinh xinh với giá rẻ mà không phải cất công đến chợ hay cửa hàng hoa để mua.
Tôi may mắn được dịp trò chuyện với "những con người mang chợ vườn sau lưng", và từ đó tôi cảm nhận được, nghề nào cũng là nghề, những con người làm nghề mang đến giá trị vô giá.
Những con người mang chợ vườn sau lưng, mang những mầm xanh đi khắp phố, rong ruổi trên những con đường đầy nắng, đầy mưa, nhưng cũng mang theo đầy hy vọng.