"Trên đe dưới búa" ông Netanyahu: Thủ tướng gặp mất mát to lớn, bất đồng ở Israel lên đỉnh điểm

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Trước tình hình một số bộ trưởng rút khỏi “Nội các chiến tranh”, bất đồng trong chính quyền Israel xung quanh cuộc chiến tại Gaza lên đến đỉnh điểm.

Cuộc chiến của Israel tại Dải Gaza đã bước sang tháng thứ 9 mà không đạt được mục tiêu đề ra là tiêu diệt lực lượng Hamas và giải thoát con tin. Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang đứng trước nhiều sức ép trong và ngoài nước yêu cầu chấm dứt chiến tranh.

 Việc một số thành viên trong “Nội các chiến tranh” từ chức đang làm sâu sắc thêm các bất đồng trong nội bô chính quyền Israel xung quanh cuộc chiến tại Dải Gaza và buộc Thủ tướng Netanyahu phải xem xét lại chính sách của mình.

Bất đồng trong nội bộ Israel ngày càng gia tăng

Bất đồng trong “Nội các chiến tranh Israel” - được thành lập sau sự kiện nhóm Hamas tấn công đẫm máu vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023 - ngày càng trở nên sâu sắc: Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant lần đầu tiên đã công kích mạnh mẽ Thủ tướng Netanyahu về những thất bại trong cuộc chiến ở Dải Gaza. Nhiều thành viên Hội đồng chiến tranh ủng hộ quan điểm của ông Gallant đã rút khỏi nội các chiến tranh.

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert kêu gọi "chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến ở Dải Gaza" chứ không chỉ kế hoạch tấn công vào Rafah. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Kan của Israel, ông Olmert nói: “Chiến dịch quân sự ở Rafah phải chấm dứt và cuộc chiến ở Gaza phải kết thúc để đưa những người bị bắt cóc trở về. Cuộc chiến không phục vụ bất kỳ lợi ích nào của quốc gia mà chỉ phục vụ lợi ích riêng của Thủ tướng Netanyahu và một số thành viên cực đoan trong chính phủ của ông."

Gần đây, Toà án Tư pháp Quốc tế (ICJ) ra phán quyết lên án và yêu cầu Israel “chấm dứt ngay lập tức” cuộc chiến và có các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn nạn diệt chủng ở Gaza.

Tổng Công tố Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đề nghị bắt giữ Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Galant với cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh chống lại loài người. Bốn nước châu Âu tuyên bố công nhận nhà nước Palestine.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đưa Israel vào danh sách đen về xâm phạm trẻ em sau khi đã có hơn 15.500 trẻ em thiệt mạng qua 8 tháng Israel phát động cuộc chiến tại Gaza. Những động thái này đã làm sâu sắc thêm các bất đồng trong nội bộ chính quyền Tel Aviv.

Trong khi đó, phong trào biểu tình với sự tham gia của hàng chục nghìn người ngày càng lan rộng tại nhiều thành phố của Israel yêu cầu ký thỏa thuận trao đổi tù nhân với Hamas, ngừng bắn ở Dải Gaza, đòi giải tán liên minh cầm quyền cực hữu của Thủ tướng Netanyahu và tổ chức bầu cử sớm.

Lãnh đạo phe đối lập, cựu Thủ tướng Yair Lapid đã thoả thuận với các đảng đối lập, trong đó có đảng Yisrael Beitenu của ông Avigdor Lieberman và Gideon Sa'ar, thành viên của đảng Thống nhất Quốc gia, về một kế hoạch hành động nhằm thay thế chính phủ hiện tại của Thủ tướng Netanyahu.

Bộ trưởng Benny Gantz và một số thành viên nội các chiến tranh từ chức

Ngày 9/6/2024, thành viên nội các chiến tranh, cựu Bộ trưởng Benny Gantz, đã tuyên bố từ chức. Ông nói, việc rời khỏi chính phủ là một quyết định "phức tạp và đau đớn" mà ông đưa ra với "trái tim nặng trĩu".

Ông cũng thông báo rằng, các thành viên còn lại trong đảng Thống nhất Quốc gia, đảng nắm giữ 5 ghế trong nội các chiến tranh, cũng sẽ rời khỏi chính phủ.

two-e1694442308488.jpg

Bộ trưởng Benny Gantz (trái) và Thủ tướng Benjamin Netanyahu

Bộ trưởng Benny Gantz quyết định từ chức sau khi gửi một tối hậu thư tới Thủ tướng Netanyahu yêu cầu ông phải đưa ra một kế hoạch về việc giải cứu con tin, giải thể phong trào Hamas và thành lập một chính quyền ở Gaza với sự tham gia của các đại diện của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước Ả Rập trước 8/6/2024. Ông Netanyahu đã không đáp ứng các yêu cầu này. Ông Gantz kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 10 tới "để thành lập một chính phủ mới hợp lòng dân".

Sự chỉ trích của quốc tế đối với Israel và yêu cầu ngừng hoạt động quân sự ở Gaza ngày càng tăng, trong bối cảnh số lượng dân thường thiệt mạng ở Gaza ngày càng lớn. Kể từ giữa tháng 10/2023, khi Israel mở chiến dịch quân sự vào Dải Gaza đến nay, số dân thường Palestine bị chết đã lên tới hơn 37,4 nghìn người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, số người bị thương hơn 84,5 nghìn. Trong khi đó, phía Israel cũng đã mất 604 sĩ quan, binh sĩ thiệt mạng và 3.241 người khác bị thương.

Lãnh đạo phe đối lập Israel Yair Lapid khẳng định quyết định từ chức của của ông Benny Gantz và ông Gadi Eisenkot là quan trọng và đúng đắn, đồng thời lưu ý rằng “đã đến lúc phải thay thế chính phủ cực đoan này bằng một chính phủ hợp lý nhằm mang lại an ninh cho người dân Israel, trao trả những người bị bắt cóc và khôi phục nền kinh tế cũng như vị thế quốc tế của Israel."

Bộ trưởng Gantz bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với kế hoạch do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất ngày 31/5/2024 nhằm chấm dứt chiến tranh ở Gaza, cáo buộc ông Netanyahu "cản trở các quyết định chiến lược quan trọng vì những tính toán chính trị của riêng mình.”

Tiếp theo Bộ trưởng Gantz, hai thành viên khác của nội các chiến tranh là Bộ trưởng nội các thời chiến Israel Gadi Eizenkot và ông Healy Tropper cũng tuyên bố từ chức. Tư lệnh Phân khu Gaza trong quân đội Israel, Avi Rosenfeld cũng tuyên bố rời khỏi chức vụ.

"Trên đe dưới búa" ông Netanyahu: Thủ tướng gặp mất mát to lớn, bất đồng ở Israel lên đỉnh điểm- Ảnh 3.

Bộ trưởng nội các thời chiến Israel Gadi Eizenkot. Ảnh: CNN

Tác động của việc ông Gantz và ông Eisenkot từ chức

Việc ông Gantz và ông Eisenkot từ chức sẽ góp phần tập hợp lực lượng của phe đối lập chống lại Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cùng với phong trào biểu tình đang gia tăng áp lực buộc ông chấp nhận thỏa thuận với Hamas và thúc đẩy bầu cử sớm.

Việc ông Gantz và Eisenkot rút khỏi chính phủ là một đòn giáng vào đảng “Quyền lực Do Thái”, do Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir đứng đầu, và đảng “Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái tôn giáo”, do Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich lãnh đạo.

Đây là hai đảng cực hữu nhất, ủng hộ mạnh mẽ nhất việc tiếp tục cuộc chiến tại Dải Gaza và bác bỏ việc ký kết với Hamas thỏa thuận ngừng bắn và trao trả những người bị giam giữ.

Sự ra đi của ông Gantz khiến Thủ tướng Netanyahu mất đi sự ủng hộ của khối trung dung, vốn giúp chính phủ tranh thủ được sự ủng hộ ở trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh áp lực ngoại giao quốc tế và trong nước ngày càng gia tăng sau cuộc chiến kéo dài hơn 8 tháng ở Gaza. Ông Netanyahu sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ chính trị từ các đảng phái cực đoan, những nhân vât thậm chí đã gây căng thẳng với Mỹ và chủ trương chiếm đóng toàn bộ Gaza.

Điều này có khả năng làm trầm trọng thêm sự căng thẳng trong quan hệ với Mỹ và làm gia tăng áp lực của người dân trong nước, khiến các mục tiêu của cuộc chiến kéo dài hơn 8 tháng nay không đạt được.

11_6_2024_quocte_ngungbanogaza-1718154287178.png

Hội đồng Bảo an LHQ đã ủng hộ đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về kế hoạch ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.

Tương lai của Thủ tướng Netanyahu và chính phủ của ông

Việc ông Gantz và ông Eisenkot từ chức có thể sẽ dẫn đến khả năng Netanyahu giải tán nội các chiến tranh, nhưng điều đó không có nghĩa là giải tán chính phủ.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, sự ra đi của ông Gantz và ông Eisenkot sẽ khó có thể gây ra khủng hoảng chính phủ. Hiện nay liên minh cầm quyền do đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu lãnh đạo giữ 64/120 ghế trong Quốc hội (Knesset), trong khi đảng đối lập “State Camp” của Bộ trưởng Gantz chỉ kiểm soát 8 ghế. Bất cứ quyết định nào được thông qua cũng chỉ cần quá bán đơn giản 61/120 phiếu trong Knesset.

Với cán cân so sánh lực lượng hiện nay, ông Netanyahu khó có thể chấp nhận tổ chức bầu cử sớm. Như vậy, chính phủ của ông có thể tiếp tục nắm quyền và trở lại trạng thái ban đầu như trước khi xảy ra chiến tranh.

https://soha.vn/su-kien/cac-bai-viet-cua-dai-su-nguyen-quang-khai-2573.htm

Không loại trừ khả năng sau khi ông Gantz và ông Eisenkot từ chức, các nhà lãnh đạo trung dung sẽ tìm cách thành lập một một liên minh chống chính phủ gồm các đảng đối lập, trước hết là đảng “Ngôi nhà Israel của chúng ta- Yisrael Beitenu” của Avigdor Lieberman, đảng “Hy vọng mới - New Hope” của cựu Phó Thủ tướng Gideon Sa’ar, đảng Sa'ar và một đảng cánh hữu mới của cựu Thủ tướng Naftali Bennett, đảng “Có một tương lai” của cựu Thủ tướng Y. Lapid.

Các cựu Thủ tướng Benny Gantz, Ehud Olmert cũng có thể sẽ gia nhập liên minh này. Đây là ý tưởng của lãnh đạo đảng “Ngôi nhà Israel của chúng ta" Avigdor Lieberman nhằm tập hợp các đảng phái đối lập, khai thác những mâu thuẫn trong chính phủ liên minh nhằm hạ bệ Thủ tướng Netanyahu.

Các chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng trong “nội các chiến tranh” sẽ không dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách của Thủ tướng Netanyahu ở Dải Gaza, bởi vì bất kỳ sự thay đổi chiến thuật nào cũng sẽ dẫn đến sụp đổ chính phủ và ông phải ra đi.

Thủ tướng Netanyahu đang ở trong tình trạng “trên đe, dưới búa”, một bên là sức ép mạnh mẽ của quốc tế và trong nước, môt bên là mục tiêu chính trị muốn duy trì quyền lực. Trong tình hình này, ông sẽ phải lựa chọn giữa 3 phương án: Một là iếp tục cuộc chiến; Hai là chấp nhận ngừng bắn với Hamas để giải thoát con tin; Lựa chọn cuối cùng là chấp nhận giải tán Knesset và đặt cược vào bầu cử. 

Cả ba lựa chọn này đều đặt ông Netanyahu và chính phủ của ông trước một tương lai mờ mịt. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy 3/4 người Israel ủng hộ sự ra đi của ông Netanyahu, nếu không phải ngay bây giờ thì là sau chiến tranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại