Trẻ nhỏ đã mắc gan nhiễm mỡ, dấu hiệu phát hiện sớm bệnh này

Gia Hân |

Nhiều người vẫn nghĩ gan nhiễm mỡ là căn bệnh ở người lớn song thực tế không ít trẻ nhỏ cũng mắc bệnh này. TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai cho biết, gan nhiễm mỡ không phải bệnh ác tính nhưng để lâu có nguy cơ tiến triển thành viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan.

Tá hỏa vì con còn nhỏ đã mắc gan nhiễm mỡ

Chị Lưu Thị Nhị (Xa La, Hà Đông, Hà Nội) có cậu con trai 11 tuổi nhưng cân nặng đã lên tới 55kg. Tuy nhiên, thấy con vui chơi, ăn uống, sinh hoạt khỏe mạnh bình thường nên chị không để tâm đến chuyện cho con đi khám sức khỏe.

Gần đây, nhà trường có tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh thì chị tá hỏa khi nhìn vào kết quả con mình mắc bệnh gan nhiễm mỡ do béo phì.

Chị Nhị chia sẻ, chị hết sức ngạc nhiên khi thấy con mới ít tuổi mà đã mắc bệnh này. Từ trước đến giờ, chị nghĩ chỉ có người lớn mới mắc gan nhiễm mỡ mà thôi.

Tuy nhiên, trên thực tế, các bác sĩ cho biết, trường hợp như con trai chị là một trong số nhiều trường hợp trẻ mắc gan nhiễm mỡ xảy ra trong thời gian gần đây.

Trẻ nhỏ đã mắc gan nhiễm mỡ, dấu hiệu phát hiện sớm bệnh này - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Các bác sĩ cho biết, gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ ứ đọng trong gan, chiếm 3 – 5% trọng lượng của gan. Khi lượng mỡ chiếm 5 – 10% là mức độ nhẹ, 10 – 25% là mức độ vừa, trên 30% là bệnh ở mức độ nặng.

Khoảng 15-20% dân số Việt Nam mắc các bệnh về gan, trong đó có tới 10%-25% bệnh nhân gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến xơ gan và tử vong.

Theo TS. Khanh, điều đáng nói hầu hết các trường gợp gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng điển hình nên phát hiện muộn, nhất là ở trẻ nhỏ.

Đa phần được phát hiện mắc gan nhiễm mỡ qua siêu âm khi kiểm tra sức khỏe.

Ở mức độ nhẹ, trẻ dường như không cảm nhận được sự thay đổi gì đang diễn ra trong cơ thể mình. Trẻ có thể bị đau sườn phải phải nhưng dấu hiệu này hay bị bỏ qua do trẻ mải chơi và còn ít hiểu biết về bệnh.

Ở mức độ nặng, trẻ có một số triệu chứng mệt mỏi, ăn không ngon, sưng bụng, buồn nôn hoặc ói mửa, giảm hoặc khó tăng cân… Trẻ cũng gặp phải những cơn đau bụng quằn quại, gan có dấu hiệu bị phù.

Trẻ nhỏ đã mắc gan nhiễm mỡ, dấu hiệu phát hiện sớm bệnh này - Ảnh 2.

Béo phì là nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em. Ảnh minh họa.

Trẻ béo phì – coi chừng mắc gan nhiễm mỡ

Các chuyên gia tiêu hóa cho rằng, nguyên nhân dẫn tới gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ chủ yếu do chế độ ăn uống, béo phì.

Ngoài ra một số trẻ bị bệnh về chuyển hóa, bệnh wilson hoặc thừa đồng, đái đường do sử dụng một số thuốc tetracylline, thuốc điều trị ung thư.

Tuy nhiên, nguyên nhân cần nhấn mạnh đó là có rất nhiều bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ là do bệnh béo phì. Do đó, nếu bị béo phì thì nên nghĩ tới nguy cơ gan nhiễm mỡ.

Ở trẻ béo phì cha mẹ cần quan tâm cho trẻ đi kiểm tra, xét nghiệm gan nhằm phát hiện tình trạng gan nhiễm mỡ để theo dõi điều trị sớm.

Những trẻ trong tình trạng béo phì thường có chế độ ăn nhiều chất béo, đồ ngọt trong khi lười vận động khiến gan hoạt động quá công suất, không kịp chuyển hóa hết chất béo.

Tình trạng này tích tụ mỗi ngày khiến mô mỡ không được đốt cháy nên mỡ càng tích tụ trong gan, gây ra gan nhiễm mỡ.

Giúp con tránh khỏi bệnh gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ không có loại thuốc đặc hiệu nào có thể chữa khỏi nếu không điều trị nguyên nhân gây ra như béo phì, tăng mỡ máu...

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, cần chú ý phòng ngừa gan nhiễm mỡ cho trẻ em thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học.

Trẻ bị bệnh gan nhiễm mỡ rất nguy hiểm do tuổi còn nhỏ chưa ý thức được chế độ sinh hoạt của mình.

Trẻ nhỏ đã mắc gan nhiễm mỡ, dấu hiệu phát hiện sớm bệnh này - Ảnh 3.

Dinh dưỡng hợp lý phòng bệnh béo phì. Ảnh minh họa.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý không cho trẻ bị béo phì, cha mẹ cần lưu ý cho con đi khám sức khỏe định kỳ.

Để biết có mắc bệnh hay không và mức độ tổn thương gan thế nào, các xét nghiệm có thể được thực hiện như xét nghiệm máu, men gan AST, ALT cùng một số xét nghiệm khác như siêu âm gan để xác định các bất thường khác ở gan.

Trường hợp trẻ bị béo phì, thừa cân nên cho trẻ giảm ăn nhiều chất béo, giàu cholesterol và triglycerid (phủ tạng, lòng đỏ trứng, thịt đỏ), da (gà, vịt, ngỗng, ngan), thực phẩm có nhiều chất bột đường, nước ngọt…

Cần tăng cường ăn cá, các loại thực phẩm có tác dụng giảm mỡ máu như tỏi ta, giá đỗ, cà chua chín và ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính… Đồng thời cho trẻ tăng cường hoạt động thể lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại