Trẻ mắc sởi bị biến chứng nguy kịch do chưa tiêm phòng

Thy Hạt |

Hầu hết các trường hợp mắc sởi đều bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp. Đáng lưu ý, trẻ mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đẩy đủ.

Bé Đào Minh Phong (9 tháng tuổi, ở quận Long Biên, HN) mắc sởi đang phải điều trị ở phòng hồi sức cấp cứu, Khoa Nhi tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Do chưa được tiêm phòng nên khi gia đình phát hiện bé bị sởi, bé đã bị biến chứng viêm phổi nặng, dẫn đến suy hô hấp phải thở máy.

Theo Ths. Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân, Phụ trách Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện tiếp nhận điều trị 120 ca mắc sởi, trong đó hầu hết các trường hợp mắc sởi đều bị biến chứng nặng phải thở ô xy, thở máy.

Đáng lưu ý, trẻ mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ, đúng lịch.

Trẻ mắc sởi bị biến chứng nguy kịch do chưa tiêm phòng - Ảnh 1.

Bệnh nhi mắc sởi bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.


“Trường hợp bệnh nhi Phong vào viện đã bị viêm phổi nặng, chúng tôi đã cho điều trị kháng sinh nặng và dùng thuốc ức chế virus, điều trị viêm phổi.

Trường hợp này chúng tôi phải cách ly và cho thở máy ngay. Đến nay, tình trạng sức khỏe của cháu bé đỡ dần, các chỉ số trong máu tăng dần. Tuy nhiên, bệnh nhi này vẫn phải thở máy khoảng 5 ngày nữa”- Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân cho biết.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến hết ngày 31/7/2018, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 284 trường hợp bệnh nhân mắc sởi, chưa có bệnh nhân tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, xu hướng tăng trong các tháng gần đây (5-6-7).

Bệnh nhân phân bố rải rác tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 168 xã, phường, thị trấn. Các quận có số mắc cao là: Nam Từ Liêm 27, Hoàng Mai 26, Bắc Từ Liêm 23, Hà Đông 20, Đống Đa 19, Tây Hồ 14…

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trên 90% trường hợp mắc sởi là do chưa được tiêm, hoặc chưa được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi.

Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị ốm nên hoãn tiêm và bị tiêm muộn, cha mẹ không đưa trẻ đi tiêm hoặc đi tiêm không đúng lịch.

Ông Cảm cũng cho rằng, hiện nay các bậc phụ huynh dễ nhầm lẫn triệu chứng sởi với bệnh Rubella (sởi Đức).

Hơn nữa, các phát ban của sởi có thể nhầm với các phát ban dạng dị ứng, vì vậy các cha mẹ thường chủ quan, dẫn đến bệnh nặng hơn, điều trị khó khăn.

Cũng theo TS Nguyễn Nhật Cảm, hiện các ca mắc sởi mới rải rác, chưa ghi nhận có ổ dịch lớn, chưa có ổ dịch tập trung nhiều người mắc. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch là hoàn toàn có thể.

Để phòng chống bệnh sởi bùng phát, tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất. Hiện nay, các trung tâm y tế đang rà soát số trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi theo đúng quy định.

“Với 584 điểm tiêm chủng tại xã, phương, thị trấn, Hà Nội hiện có thể đảm bảo trẻ được tiêm phòng sởi vào hàng tuần. Nếu tuần này trẻ ốm không tiêm được, sang tuần có thể tiêm, thay vì phải đợi một tháng như trước đây.

Phụ nữ trước khi có ý định mang thai cũng nên đi tiêm phòng để đảm bảo miễn dịch truyền cho con" - ông Nguyễn Nhật Cảm nói.

Trước tình trạng 1/3 số trẻ mắc sởi thời gian qua dưới 9 tháng tuổi, tức là mắc trước khi đến tuổi tiêm vaccine sởi, Bộ Y tế đề xuất, từ cuối năm nay, 17 tỉnh thành có nguy cơ dịch sởi bùng phát sẽ tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi thay vì tiêm lúc 9 tháng tuổi như thông thường./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại