Theo báo cáo của Sở Y tế TP HCM, trong những tuần gần đây, trung bình mỗi ngày thành phố có 144 ca mắc mới. TP HCM đang điều trị 44 ca Covid-19 thuộc tầng 2 (triệu chứng nhẹ và vừa); 8 bệnh nhân thở máy, trong đó có 1 ca phải lọc máu. Tất cả đều có bệnh nền và từ 50 tuổi trở lên. Riêng bệnh nhi có 11 ca đang điều trị tại các bệnh viện nhi trên địa bàn.
Bệnh nhi Covid-19 chủ yếu bệnh nhẹ
Bác sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Khoa Điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết trong 1 tháng qua, sau một thời gian Covid-19 ổn định, không có bệnh nhi nhập viện thì trong tháng 7 có xu hướng quay lại.
"Trong tháng 7, tại bệnh viện tiếp nhận 22 ca Covid-19 nhập viện điều trị. Hiện hằng ngày, tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận khoảng 10 ca Covid-19, trong đó có khoảng 3-4 ca nhập viện" - bác sĩ Sơn cho hay.
Theo bác sĩ Sơn, chủ yếu bệnh nhi nhập viện vì ho, sốt cao hoặc có bệnh lý khác như nhiễm trùng huyết, sốt xuất huyết, tiêu hóa… Hiện tại, Khoa Điều trị Covid-19 điều trị 6 ca, chủ yếu những trường hợp nhẹ, không có biến chứng.
Nhận định về nguyên nhân số trẻ mắc Covid-19 tăng, bác sĩ Sơn cho rằng có thể sau thời gian dịch ổn định nên nhiều người có phần lơ là trong việc phòng chống dịch. Bên cạnh đó, biến chủng mới khiến tỉ lệ lây lan nhanh và một số cơ sở y tế có xét nghiệm cho trẻ nên tỉ lệ trẻ được phát hiện mắc Covid-19 nhiều hơn.
Trước băn khoăn sắp tới trẻ trở lại trường tỉ lệ mắc Covid-19 có nguy cơ tăng cao, bác sĩ Sơn nhận định khả năng lây nhiễm ở trẻ trong trường học không quá cao nên trẻ đi học số ca chỉ tăng lên một chút nhưng không thể thành dịch bệnh đáng lo ngại.
Hiện Bệnh viện Nhi Đồng 2 có 2 khoa Covid-19. Trong đó, Khoa Điều trị Covid-19 có công suất 120 giường chủ yếu điều trị bệnh nhi có triệu chứng nhẹ và Khoa Hồi sức tích cực Covid-19 có 15 giường dành cho bệnh nhân nặng.
Bác sĩ Sơn cũng cho biết thời gian qua, khi thành phố triển khai tiêm vắc-xin cho các đối tượng đã thấy hiệu quả rất cao và rõ ràng, đặc biệt là trẻ em. Nếu như năm 2021, nhiều trẻ em mắc Covid-19 tuổi khoảng 12 nhưng từ khi có chủng ngừa Covid-19, hầu như không có lứa tuổi này nhập viện điều trị. Sau đó, khi thành phố tiếp tục bao phủ vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thì số ca nhập viện cũng tiếp tục giảm. "Hiện 6 ca đang điều trị trong khoa chỉ có 1 bệnh nhân trên 5 tuổi còn lại là trẻ dưới 5 tuổi. Rõ ràng chủng ngừa có hiệu quả. Cha mẹ có con nhỏ nên cho trẻ chủng ngừa. Bởi có thể tránh cho trẻ mắc bệnh, tránh trở nặng và khi trẻ không bị bệnh nữa thì cắt nguồn lây, không lây cho người thân" - bác sĩ Sơn khuyên.
PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bệnh viện đang điều trị 2 ca Covid-19. Tuy nhiên, các trường hợp này đều có triệu chứng nhẹ. Các ca bệnh nhập viện chủ yếu ho, sốt nên phải nhập viện theo dõi. Sau 1-2 ngày, các bé sẽ được xuất viện.
Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở quận 5, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tăng tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết với sự xuất hiện của biến thể phụ Omicron BA.4, BA.5, các ca mắc Covid-19 tăng lên. Do đó, nếu không có biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt thì nguy cơ dịch bùng phát trở lại là hiện hữu. Một trong những biện pháp quan trọng hiện nay là tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19.
Thành phố chọn tháng 8 là tháng cao điểm tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho trẻ em. Trong đó, tập trung tiêm mũi 1, 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Thống kê trong tuần đầu tiên của tháng 8 cho thấy tỉ lệ tiêm cho trẻ các mũi có tăng nhưng chưa nhiều như kỳ vọng. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung tiêm mũi 4 cho đối tượng được Bộ Y tế khuyến cáo nhằm tăng tỉ lệ tiêm chủng. "Nói chung, phòng chống Covid-19 hiện nay vẫn là tiêm ngừa, nhất là các đối tượng nguy cơ và mong phụ huynh có sự đồng thuận để đưa các cháu đi tiêm" - bác sĩ Hưng nói.
Để triển khai tháng cao điểm tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ đạt hiệu quả, Sở Y tế TP HCM đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác truyền thông về tiêm vắc-xin đến từng phụ huynh học sinh; đồng thời vận động các bậc phụ huynh đồng thuận và chủ động cho con em đi tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, mở thêm nhiều điểm tiêm tại các trường học, không từ chối tiêm đối với những trẻ không có danh sách đăng ký (nếu đủ điều kiện tiêm), nhập dữ liệu vào phần mềm tiêm chủng của Bộ Y tế ngay sau tiêm.
Sở Y tế cũng đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) công khai kết quả tiêm chủng; triển khai thêm xe tiêm vắc-xin lưu động sẵn sàng hỗ trợ tiêm tại các trường còn số ít học sinh chưa tiêm ở giai đoạn học sinh tập trung đi học lại (dự kiến từ ngày 22-8).
Sở Y tế yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phải quyết liệt hơn trong công tác triển khai, kiểm tra, giám sát sự phối hợp giữa phòng giáo dục, phòng y tế và trung tâm y tế trong tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Phấn đấu tỉ lệ tiêm trên địa bàn không thấp hơn tỉ lệ tiêm trung bình của cả nước vào cuối tháng cao điểm (cuối tháng 8-2022).
Số ca mắc Covid-19 trong tháng 7 tăng hơn 22%
Bộ Y tế cho biết trong gần 1 tháng qua, số ca mắc Covid-19 bất ngờ tăng nhanh. Cao điểm là ngày 9-8, số ca mắc ghi nhận trong ngày lên tới 2.340 ca nhiễm, tương đương với thời điểm dịch gần 3 tháng trước. Đáng chú ý, số ca bệnh nặng cũng gia tăng, có ngày đến hơn 100 ca.
Theo Bộ Y tế, trong 7 tháng năm 2022, cả nước ghi nhận trên 9 triệu ca mắc Covid-19 (chiếm gần 84% tổng số ca mắc). Đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 9,9 triệu người khỏi bệnh và trên 43.000 ca tử vong. Số ca mắc mới đang có nguy cơ tăng trở lại. Vào tháng 5-6, số ca mắc mới trong ngày chỉ hơn 500 ca/ngày nhưng từ tháng 7, số ca mắc mới trong ngày đã lên đến hơn 1.500 ca, đặc biệt đầu tháng 8 đến nay đã lên đến hơn 2.000 ca/ngày. Tính riêng trong tháng 7-2022, cả nước ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong, so với tháng trước, số mắc tăng 22,4%.
Bộ Y tế cho biết dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu; virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong.
N.Dung