Bệnh nhi 8 tháng tuổi mắc bệnh hiếm gặp
Vừa qua, tại khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã tiếp nhận một bé trai 8 tháng tuổi, quê ở Quỳ Châu, Nghệ An, nhập viện với tình trạng sốt, ho dai dẳng gần 1 tháng, đã được điều trị ở tuyến dưới nhưng không cắt sốt hẳn.
Tình trạng bé sau khi điều trị chỉ giảm sốt, ra viện về 5 - 6 ngày bị sốt lại. Khi vào Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, bệnh nhi có biểu hiện sốt 38 -38,5 độ, không nôn, không co giật, bú tốt, không có ban xuất huyết hay ban nhiễm trùng trên da.
Qua quá trình thăm khám, bác sỹ phát hiện bệnh nhi có dấu hiệu cổ cứng VMN (-), thóp không rõ phồng, xét nghiệm bạch cầu 11.000; trung tính 56%; Dịch não tủy (DNT) áp lực tăng vọt, màu ám khói tế bào dày đặc vi trường, 70% là bạch cầu đa nhân trung tính; protein 4,03g/l; cấy dịch não tủy có Whitmore (không hề có viêm da).
Theo Ts.Bs.Trung Trinh Thành - Chuyên nghiên cứu bệnh Whitmore tại Viện vi sinh học và công nghệ Hà Nội: "Tính đến thời điểm này, đây là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ở Việt Nam mắc bệnh Melioidosis (còn được gọi là bệnh Whitmore), một loại bệnh nặng và rất khó điều trị"
Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, trong 5 ngày đầu điều trị, tình trạng bệnh có biến chuyển nhưng chậm. Bệnh nhi được các bác sỹ khoa Bệnh nhiệt đới theo dõi, đánh giá diễn biến bệnh liên tục, hội chẩn, sử dụng thuốc rất chi tiết theo khuyến cáo của các chuyên gia Hội Nghiên cứu bệnh Melioidosic tại Việt Nam.
Các bác sỹ Khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Sản nhi Nghệ An và Bệnh viện nhiệt đới Việt Nga đang nghiên cứu hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.
Nay trẻ đã cắt sốt được 10 ngày, bú tốt, xét nghiệm DNT Protein 1,7 g/l ; 80 tb. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi điều trị tại bệnh viện và đến ngày 27/9/2017 tình trạng sức khỏe đã ổn định và được xuất viện. Đây là thành tựu y khoa đáng ghi nhận đối với đội ngũ y bác sĩ tại Khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.
Bệnh nhi sau khi điều trị ổn định đã được xuất viện.
Cần hiểu thêm về căn bệnh hiếm nhưng nguy hiểm này
Melioidosis (còn được gọi là bệnh Whitmore) là một bệnh nhiễm khuẩn ở người hoặc động vật, gây ra bởi trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei. Bệnh đặc trưng bởi viêm phổi và áp xe đa ổ, với tỷ lệ tử vong cao, lên tới 40% . B. pseudomallei là căn nguyên quan trọng gây nhiễm khuẩn cộng đồng ở các nước Đông Nam Á và miền bắc Australia.
Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) xếp trực khuẩn này vào nhóm vũ khí sinh học tiềm năng. Việt Nam tuy nằm trong vùng dịch tễ của bệnh nhưng các báo cáo về bệnh Melioidosis còn hạn chế.
Con người có thể mắc bệnh Melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da.
Sự nhiễm trùng này thường xảy ra khá phổ biến trong mùa mưa. Bệnh có khả năng lây từ người sang người. Biểu hiện lâm sàng của bệnh Melioidosis rất đa dạng. Mỗi thể bệnh có các triệu chứng lâm sàng khác nhau và do vậy có thể bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh Lao và các bệnh lý viêm phổi thông thường.
Các thể bệnh thường gặp của Melioidosis là: Viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng tản mạn, nhiễm trung khu trú (áp xe cơ, áp xe phần mềm, viêm hạch, viêm xương, …).
Điều trị Melioidosis là rất khó khăn do vi khuẩn B. pseudomallei kháng với hầu hết các kháng sinh thông thường như penicillin, ampicillin, kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 và 2, gentamicin, tobramycin, streptomycin, polymyxin.
Các kháng sinh mới hơn như ertapenem, tigecycline và moxifloxacin tác dụng hạn chế trên invitro với các chủng B. pseudomallei, và nồng độ ức chế tối thiểu của doripenem là tương tự meropenem.
Để phòng ngừa bệnh Melioidosis, ở những vùng có bệnh Melioidosis lưu hành, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch như nhiễm HIV/AIDS, ung thư, những bệnh nhân đang sử dụng hóa trị liệu ... nên tránh tiếp xúc với nguồn đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực có trang trại.
Về tiên lượng, nếu người bệnh không điều trị, bệnh có thể dẫn đến dẫn đến tử vong. Khi điều trị bằng kháng sinh, các tình trạng nghiêm trọng của bệnh có cơ hội được phục hồi khoảng 50%, nhưng tỷ lệ tử vong chung vẫn còn chiếm cao khoảng 40%.
Vì vậy, các cơ sở y tế cần cảnh báo, quan tâm đến bệnh Melioidosis, một loại bệnh nhiễm trùng ít gặp nhưng đã xuất hiện trong thời gian gần đây để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời cho người bệnh.
Hiện nay, xét nghiệm cấy DNT để chẩn đoán và đánh giá trong điều trị bệnh này đã được làm tại Khoa Huyết học - Vi sinh Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và Viện vi sinh nhiệt đới, TT nhiệt đới Việt Nga.
Xem thêm: