Trẻ em sợ điều gì nhất? Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ: Con sợ bóng tối; sợ thiếu thốn; sợ xa cách cha mẹ... Trẻ nhỏ cũng có thể sợ những tiếng động lớn như tiếng sấm sét hoặc pháo hoa. Những đứa trẻ lớn hơn thường hay sợ những nguy hiểm trong cuộc sống.
Điều nào nghe chừng cũng có lý. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát từ 3.000 đứa trẻ đã cho câu trả lời khác.
Một Viện nghiên cứu tâm lý đã tiến hành khảo sát hơn 3.000 trẻ em trong độ tuổi đi học, một trong những mục đó là "Con sợ điều gì nhất ở bố mẹ?". Câu trả lời được ghi nhận nhiều nhất: "Con sợ nhất là bố mẹ giận hờn, cãi vã". Một đáp án thậm chí còn được viết chi tiết: "Con sợ nhất là bố nổi giận. Nhìn bố dữ lắm! Mẹ thì tức giận đến phát khóc. Con sợ đến mức như con chuột nhỏ. Tim đập thình thịch và không thể ăn...".
Tạp chí "The Scientist" của Mỹ từng công bố danh sách 10 phương pháp nuôi dạy con khoa học nhất, và phương pháp đầu tiên chính là dành nhiều tình yêu thương và sự quan tâm cho con cái. Vị trí thứ hai là cha mẹ yêu thương nhau, tránh cãi vã trước mặt con cái. Đối với một đứa trẻ, điều này quan trọng hơn điều kiện kinh tế, việc tham gia các khóa đào tạo, giáo dục sớm,...
Cha mẹ bất hòa ảnh hưởng con cái ra sao?
Cho dù mối quan hệ vợ chồng có yên bình đến đâu thì cũng khó tránh khỏi những lúc cãi vã. Tuy nhiên, nếu bất đồng thường xuyên xảy ra thì đây thực sự là vấn đề lớn, đặc biệt với những gia đình có trẻ con.
Cha mẹ cho rằng con còn nhỏ, nói gì, làm gì không liên quan đến con. Trên thực tế, đôi mắt của trẻ ghi lại tất cả những lời nói và việc làm của cha mẹ. Một số cặp vợ chồng cãi vã không dứt, không khí gia đình thường xuyên trong tình trạng căng thẳng, tạo áp lực tâm lý rất lớn cho con cái; lâu dần chắc chắn sẽ tổn hại đến sức khỏe tinh thần của trẻ, và sẽ khiến tính cách của trẻ trở nên thờ ơ, cô độc, bướng bỉnh, thô bạo...
Ông Lu Chun, nhà giáo dục Montessori người Trung Quốc cho biết: Cha mẹ là người gần gũi và ảnh hưởng nhất của trẻ. Hành vi sống của cha mẹ có tác động trực tiếp nhất đến sự trưởng thành con cái. Nói cách khác, cách ứng xử của cha mẹ trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là tình cảm của con cái là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí lực của trẻ.
Cha mẹ thân thiện và ôn hòa trong nhà, khiêm tốn và lịch sự khi đối xử với người khác, điều này có lợi cho sự phát triển lành mạnh của sức khỏe tinh thần trẻ em và ngược lại. Cha mẹ bất hòa khiến trẻ cảm giác thiếu an toàn ngay trong chính căn nhà của mình. Chúng phải đối mặt với những câu hỏi rằng khi nào thì cha mẹ mình sẽ ly hôn, bao giờ thì những "cuộc chiến" như này sẽ kết thúc, và luôn lo sợ trước những trận ẩu đả "không được báo trước".
Khoa học cũng đã chứng minh, học sinh mẫu giáo có cha mẹ thường xuyên cãi nhau nhiều khả năng bị trầm cảm, lo lắng quá độ và gặp các vấn đề về hành vi khi chúng lên lớp 7. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề duy nhất mà trẻ em có thể gặp phải khi thấy cha mẹ bất hòa. Một nghiên cứu khác cho thấy, những đứa trẻ thường xuyên phải chứng kiến cha mẹ cãi vã thường có lòng tự trọng thấp, hay bi quan và chán nản về cuộc sống xung quanh.
Một vài hành động khác của cha mẹ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ:
Phàn nàn về cuộc sống
Cha mẹ thường xuyên phàn nàn về cuộc sống trước mặt con cái, hoặc thường bộc lộ cảm xúc tồi tệ, khiến trẻ có tâm lý bất an, nghi ngờ. Trong quá trình trưởng thành, thể chất và tinh thần của trẻ sẽ sớm phải chịu những áp lực không đáng có.
La mắng hoặc chỉ trích người khác trước mặt trẻ
Cha mẹ cho rằng trẻ còn nhỏ và chưa biết gì, mắng mỏ hay chỉ trích người khác trước mặt trẻ không sao cả. Trên thực tế, đây là một cách giáo dục có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Hành vi như vậy sẽ khiến trẻ nghi ngờ sự rao giảng đạo đức hàng ngày của cha mẹ, đồng thời cũng sẽ khiến trẻ học theo lối sống tiêu cực này, tâm lý bị bóp méo và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần.
Không tuân theo các quy tắc
Dưới sự giáo dục của giáo viên, trẻ chấp hành rất tốt một số quy định của pháp luật như không vượt đèn đỏ khi sang đường. Nhưng nếu người lớn ra đường vượt đèn đỏ bừa bãi, đi không đúng vạch kẻ đường, trèo qua lan can, băng qua đường... sẽ khiến trẻ cảm thấy rằng luật pháp và các quy định có thể bị xâm phạm, và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Nói dối trẻ
Người lớn nghĩ rằng một số lời nói dối với trẻ em có thể là có ý tốt, nhưng bất kể đó là thiện ý hay ác ý, thì tất cả đều là lời nói dối với trẻ em. Nếu cứ tiếp tục như vậy, trẻ sẽ cảm thấy nói dối có thể không bị la mắng, đó là một hành vi bình thường.
Cha mẹ bảo vệ quá mức
Cha mẹ bảo bọc con cái quá mức, làm hộ con nhiều việc mà lẽ ra chúng phải tự làm, điều này hầu như tước đi cơ hội phát huy năng lực của trẻ, đồng thời làm suy giảm tính tự lập, tự tin của trẻ. Loại tình yêu này hạn chế sự phát triển bản thân trẻ và ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội độc lập của trẻ sau này.
Cha mẹ là giáo viên dạy trẻ không bao giờ nghỉ hưu, họ chịu trách nhiệm lâu dài với cuộc sống con cái mình. Nhưng, như một người nông dân không thể chỉ yêu thương cây cối mà có mùa màng bội thu, họ còn cần hiểu biết về cây trồng, phân bón, kỹ thuật. Trong việc giáo dục con cái cũng vậy, chỉ yêu thương thôi chưa đủ, phải hiểu được quy luật sinh trưởng của trẻ mới giúp con có tương lai tốt đẹp.
Vì vậy, cha mẹ cần không ngừng học hỏi, cập nhật những phương pháp nuôi dạy con, chú ý đến lời nói và việc làm của mình. Đồng thời, cần ngăn chặn kịp thời những hành vi ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của con cái.