Cách rèn con ngủ của cha mẹ Pháp rất đơn giản, có thể tóm gọn vào 2 từ chìa khóa là "tạm dừng".
Nói chung, các bậc cha mẹ người Pháp không chạy ngay vào phòng của bé khi nghe bất kì âm thanh nào của con.
Thay vào đó, họ chờ đợi một vài phút để xem liệu bé sẽ có thể tự xoa dịu hay không, một kỹ thuật còn được gọi là “tạm dừng”.
“Tạm dừng” không có nghĩa là phớt lờ con khi con khóc mà những phụ huynh Pháp thường sẽ lắng nghe thật kỹ những âm thanh của bé, điều này giúp họ phân biệt được đâu là khi khi trẻ thực sự cần sự chú ý và đâu là khi chỉ là những tiếng ồn vô tình được gây ra trong giấc ngủ của trẻ.
Trẻ em Pháp thường được rèn ngủ từ rất sớm (Ảnh minh họa).
Nói cách khác, "Đôi khi bạn can thiệp nếu bé khóc dai dẳng, nhưng bạn không bắt buộc phải đến với con ngay nếu chỉ nghe những âm thanh nhỏ nhất", Janet Kennedy, một nhà tâm lý học lâm sàng, người sáng lập NYC Sleep Doctor - một dịch vụ tư vấn về giấc ngủ và cũng là tác giả của cuốn sách “The Good Sleeper: Hướng dẫn cần thiết để có giấc ngủ ngon cho trẻ (và cả bạn)” cho biết.
Các chuyên gia đã lý giải về kỹ thuật "tạm dừng" khi rèn con ngủ của cha mẹ Pháp như sau:
Thứ nhất, trong quá trình ngủ, trẻ sơ sinh sẽ có nhiều chuyển động. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Nếu cha mẹ vội vã vào giường và bế bé lên mỗi khi bé cựa mình hay phát ra những tiếng e e, đôi khi chính bố mẹ sẽ đánh thức bé dậy.
Thứ hai, trẻ sơ sinh sẽ thức dậy giữa các chu kỳ giấc ngủ của chúng, thường kéo dài khoảng hai giờ. Việc các bé khóc một chút khi chúng đang học cách kết nối các chu kỳ đó là điều bình thường.
Nếu cha mẹ cho rằng tiếng khóc ấy là báo hiệu bé đói hay bé buồn, bé muốn bế và tìm cách xoa dịu trẻ, em bé sẽ có một thời gian khó khăn để học cách kết nối các chu kỳ giấc ngủ của riêng mình.
Từ đó, bé sẽ quen với việc cần một người lớn vào xoa dịu bé trở lại với giấc ngủ vào cuối mỗi chu kỳ và khó có thể ngủ xuyên đêm .
Phương pháp “tạm dừng” thiên về việc dần dần kéo dài khoảng thời gian đợi trước khi vào vỗ về và xoa dịu trẻ khi trẻ khóc (Ảnh minh họa).
Trẻ đến 6 tháng tuổi mà không thể tự nín khóc và ngủ lại là điều bất thường ở Pháp vì trên thực tế, ngay từ khi mới được 2 tháng tuổi, một số trẻ ở Pháp đã có thể tự ngủ rất ngoan và ngủ xuyên đêm.
Đây là thực tế chưa từng thấy ở Mỹ, nơi mà cha mẹ được cho biết rằng nói chung, trẻ sơ sinh không có khả năng tự nín khóc và ngủ lại cho đến khi chúng được ít nhất 3 tháng tuổi.
Nhưng ngay cả ở giai đoạn 4 tháng tuổi và hơn nữa - giai đoạn mà nhiều chuyên gia nói là hoàn toàn có thể để bắt đầu rèn ngủ cho trẻ nếu bố mẹ muốn thì nhiều bậc cha mẹ Mỹ vẫn sợ hãi rằng họ sẽ gây tổn thương tình cảm cho con họ nếu họ không vỗ về và xoa dịu con ngay lập tức khi nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự khó chịu của con khi ngủ.
Khác với phương pháp “cry-it-out” (để mặc kệ trẻ khóc) – phương pháp vẫn còn gây nên nhiều tranh cãi, phương pháp “tạm dừng” thiên về việc dần dần kéo dài khoảng thời gian đợi trước khi vào vỗ về và xoa dịu trẻ khi trẻ khóc.
Điều này sẽ dễ dàng hơn về mặt tình cảm cho bố mẹ vì sẽ không phải cầm lòng mặc kệ con gào khóc, đồng thời vẫn sẽ có thời gian để con tự nín khóc và tự xoa dịu, từ đó có thể kiên định và gắn bó với phương pháp này hơn.
Sự thống nhất và đều đặn là một yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình rèn ngủ cho trẻ.
Sự kiên trì và thống nhất là một trong những yếu tố quan trọng nhất dù bố mẹ có chọn áp dụng phương pháp nào đi chăng nữa (Ảnh minh họa).
Ngoài hiệu quả rõ ràng của nó, một khía cạnh hấp dẫn khác của phương pháp rèn ngủ của cha mẹ Pháp là dễ nhớ cách thực hiện: Về cơ bản, bạn can thiệp càng ít càng tốt với giấc ngủ của bé và tin vào bản năng của bạn.
Với phương pháp của Pháp, bé sẽ có thể học cách tự xoa dịu và tự ngủ lại mà không cần bố mẹ, đó là điều cần thiết cho một giấc ngủ dài hơn.
Nhưng thực tế là không có phương pháp rèn ngủ nào có hiệu quả cho mọi đứa trẻ. Mỗi ông bố bà mẹ đều khác nhau, và những điều họ có thể xử lý về mặt tình cảm là khác nhau.
Phương pháp tốt nhất là phương pháp phù hợp cho cả bố mẹ và con. Và điều quan trọng cần nhớ chính là bất kì phương pháp nào cũng chỉ phát huy hiệu quả khi bạn kiên trì với nó.
Nguồn: father, parenting