Mỗi lần đưa con ra ngoài đi chơi cùng, không ít bố mẹ phải đau đầu vì những biểu hiện quá khích của trẻ. Rất nhiều người trẻ không chịu ngồi yên một chỗ mà chạy nhảy, làm ồn ào nơi công cộng.
Thậm chí có trẻ gào khóc rồi ném vỡ đồ đạc khiến bố mẹ xấu hổ.
Tuy nhiên, trẻ em Nhật Bản hiếm khi cư xử như vậy. Ở Nhật, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh các em bé đi tàu điện với mẹ. Trong khi mẹ ngồi làm việc riêng thì các bé ngồi ngoan ngoãn bên cạnh.
Điều này là nhờ vào cách kỷ luật con vô cùng hiệu quả và tích cực của bố mẹ Nhật.
Mọi đứa trẻ đều trải qua "Độ tuổi quái quỷ"
Với mọi ông bố bà mẹ khác, nếu con cái khóc lóc, ăn vạ, họ sẽ ngay lập tức chạy đến ôm ấp và dỗ dành. Nhưng bố mẹ Nhật thì không bao giờ làm như vậy.
Nếu một đứa trẻ ngồi trên mặt đất, khóc lóc, la hét ở sân chơi trong công viên, bố mẹ Nhật sẽ tỏ ra không quan tâm.
Theo người Nhật, độ tuổi lên hai là quãng thời gian mà mọi đứa trẻ trở nên cáu kỉnh và có những hành vi cư xử không tốt.
Người Nhật gọi độ tuổi đó là "Ma no nisai" – "Độ tuổi quái quỷ", và để đối phó với quãng thời gian dở dở ương ương của con trẻ, họ đã nghĩ ra một biện pháp kỷ luật tuyệt vời.
Nghệ thuật Shitsuke
Nếu để ý, bạn sẽ thấy trẻ em Nhật rất ít khi bị phạt ở nơi công cộng. Nếu một đứa trẻ la hét trên tàu điện, bố mẹ Nhật sẽ nhanh chóng kéo con ra khỏi tàu, đi đến nơi sân ga vắng vẻ rồi mới trách mắng.
Đây chính là mấu chốt khác biệt trong cách kỷ luật con của người Nhật và các nước khác trên thế giới.
Nếu nhiều bố mẹ vội vàng ngăn chặn hành vi xấu, thậm chí quát mắng con ầm ĩ ở nơi công cộng thì người Nhật sẽ chờ đến khoảnh khắc riêng tư mới thảo luận với con, có thể là ở rìa công viên, ở các cột trụ tại ga tàu hoặc khi lên ô tô riêng.
Bên cạnh việc giữ thể diện cho trẻ thì dạy con chốn riêng tư cũng là cách phụ huynh giữ thể diện cho chính mình. Ở Nhật, "kỷ luật" được gọi là "shitsuke", và cũng mang cả nghĩa huấn luyện, nuôi dạy.
Trẻ em noi theo mọi hành vi của bố mẹ. Nếu bố mẹ cũng mất bình tĩnh như con cái mà quát mắng ở nơi công cộng thì trẻ cũng bắt chước theo và không sửa đổi được hành vi xấu. Về điều này, người Nhật hoàn toàn hiểu rõ.
Trừng phạt hành vi, không phạt trẻ
Năm 2016, một gia đình Nhật Bản từng gây xôn xao dư luận quốc tế khi khiến con trai 7 tuổi mất tích ở Hokkaido sau khi đuổi bé xuống ô tô vì cư xử thiếu chừng mực.
Khi họ lái xe quay lại, cậu bé đã biến mất. May mắn là họ tìm lại được con sau đó. Câu chuyện này sau đó đã bị chỉ trích rất nhiều.
Theo các nhà tâm lý trẻ em trên toàn thế giới, nếu muốn kỷ luật, bố mẹ chỉ nên trừng phạt hành vi chứ không nên trừng phạt trẻ.
Nếu đến thăm 1 trường mẫu giáo Nhật Bản, bạn sẽ thấy học sinh được áp dụng lịch trình nghiêm ngặt, lặp đi lặp lại các bài hát, trò chơi, hành vi lịch sự như xếp giày gọn gàng và ngồi ngay ngắn.
Khi thực hiện trong một thời gian dài, những điều này sẽ trở thành thói quen của trẻ.