Trẻ em mắc tiêu chảy cấp tăng từ khi đi học, vì sao?

THU HIẾN |

Sau thời gian quay trở lại trường học, vì nhiều nguyên nhân, tình trạng trẻ em mắc tiêu chảy cấp gia tăng ở TP.HCM.

Trẻ em mắc tiêu chảy cấp tăng từ khi đi học, vì sao? - Ảnh 1.

Trẻ mắc tiêu chảy cấp đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: THU HIẾN

Theo báo cáo của một số bệnh viện tại TP.HCM, trong tháng 9 tỉ lệ trẻ mắc tiêu chảy cấp có xu hướng tăng, nhiều trẻ bị nặng nếu không nhập viện, điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Chủ quan với thức ăn đường phố

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa đưa ra cảnh báo về số ca nhiễm tiêu chảy cấp đang tăng. Cụ thể, tỉ lệ trẻ bị tiêu chảy cấp cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn so với mức trung bình trong 5 năm vừa qua. Dự đoán trong tháng tới, tỉ lệ trẻ mắc tiêu chảy cấp sẽ tiếp tục tăng.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) sáng 21-9, rất nhiều phụ huynh đang chăm sóc và điều trị cho trẻ mắc các bệnh lý về tiêu hóa như: tiêu chảy cấp, nuốt dị vật... đa số là trẻ đi học. Hiện khoa tiêu hóa của bệnh viện có khoảng 134 trẻ đang điều trị, mỗi ngày tiếp nhận từ 20-30 trẻ nhập viện trong đó có 2/3 là tiêu chảy cấp.

Chị P.T.Q. (33 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM), có con trai học lớp 3 đang truyền dịch, cho biết sau khi đi học được một tuần con chị bị tiêu chảy, mỗi ngày phải đi tiêu đến 10 lần. Ngày 17-9, bé có biểu hiện tiêu chảy, tuy nhiên chị nghĩ rằng chỉ là triệu chứng nhẹ và mua thuốc để uống. Bé uống thuốc mãi không hết, đến ngày 19-9, thấy chân tay con lạnh mới đưa bé đi cấp cứu.

"Sáng hôm bé bị tiêu chảy vì không kịp dậy sớm nấu cơm cho bé đi học, tôi có mua một phần cháo lòng ở lề đường để con ăn sáng. Nhưng sáng đó bé không ăn, tôi có cất đi và đến chiều bé đi học về tôi có lấy cháo cho bé ăn, đến tối bé liền bị tiêu chảy nặng", chị Q. cho biết.

Còn bà H.T.K. (52 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết thấy cháu mình 24 tháng tuổi có các biểu hiện nôn ói liên tục, tiêu chảy liền đưa đến phòng khám tư để điều trị. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, tình trạng tiêu chảy của cháu không hết, phải đi tiêu đến 15 lần/ngày, kèm theo các biểu hiện lừ đừ, nôn ói, bà liền đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu.

"Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị tiêu chảy cấp, ở giai đoạn muộn, nhiễm trùng, mất nước có thể nguy kịch đến tính mạng. Thường ngày tôi hay mua cháo dinh dưỡng ở các tiệm ngoài chợ cho cháu ăn vì không có thời gian nấu, không biết được nguyên nhân vì sao cháu lại bị như vậy", bà K. nói.

Nguyên nhân chính là vi rút Rota

TS.BS Hà Văn Thiệu - quyền điều hành khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết trong những tháng gần đây tỉ lệ trẻ mắc tiêu chảy cấp tăng, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non.

Tiêu chảy cấp do vi rút Rota là nguyên nhân chính, bệnh ghi nhận quanh năm, tuy nhiên vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là tháng 9, khiến nhiều trẻ mắc phải.

Nguyên nhân nữa là sau thời gian quay trở lại trường học, cách chăm sóc, vệ sinh ăn uống, thức ăn không được phụ huynh chú ý dẫn đến nhiều trẻ bị tiêu chảy cấp nặng.

"Có đến 90% phụ huynh bàng hoàng không biết vì sao con mình bị tiêu chảy cấp, nhiều người thắc mắc con chỉ ăn cơm bình thường với: thịt, cá, rau... nhưng vẫn mắc tiêu chảy. Lý do chính là do các dụng cụ đựng thức ăn không được vô trùng bị ruồi, gián bò khi để qua đêm, vệ sinh tay chân không kỹ khi nấu ăn...

Mặc dù tiêu chảy cấp không nghiêm trọng, nhưng nhiều trẻ bị nặng do nhập viện muộn bị mất nước, sốc, nhiễm trùng, tổn thương thận dẫn đến nguy kịch đến tính mạng", bác sĩ Thiệu nói.

Bác sĩ Thiệu cho biết thêm những dấu hiệu của tiêu chảy cấp cần đưa trẻ đi khám như: tiêu chảy hai ngày không thuyên giảm, nôn ói nhiều, mệt mỏi, thay đổi sắc mặt, tiểu ít, môi khô...

"Phụ huynh và trẻ cần rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước trước khi ăn, sử dụng các dụng cụ che chắn kỹ chén, đũa, thậm chí rửa lại dụng cụ đựng thức ăn, nước uống bằng nước sôi trước khi cho trẻ ăn, uống.

Phụ huynh có điều kiện nên cho trẻ uống vắc xin Rota hai liều, liều thứ hai cách liều thứ nhất 1 tháng và uống trước 6 tháng tuổi. Bên cạnh đó, trẻ đi học phải uống đủ nước, ăn thức ăn rõ nguồn gốc, hạn chế các thức ăn lề đường. Đối với trường nội trú nhà trường phải chú ý, nghiêm ngặt về nguồn gốc thức ăn, nấu chín, dụng cụ chén, bát phải sạch sẽ", bác sĩ Thiệu nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các bác sĩ, việc sớm đưa vắc xin vào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ giảm được gánh nặng về bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ, khi mắc tỉ lệ trẻ bị nặng sẽ rất thấp.

Đưa vắc xin Rota vào tiêm chủng mở rộng

Mới đây, ngày 15-8, Chính phủ ban hành nghị quyết về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể sẽ đưa vắc xin phòng bệnh do vi rút Rota trong năm 2022 vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hiện nay, theo giá tiêm chủng dịch vụ, vắc xin Rota của Việt Nam (Rotavin-M1) có giá khoảng 490.000 đồng/liều. Đến nay, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia của Việt Nam có 11 loại vắc xin, vắc xin ngừa vi rút Rota là loại vắc xin thứ 12.

Đại diện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết đang xây dựng dự án triển khai vắc xin ngừa vi rút Rota dự kiến từ quý 4-2022, với sự hỗ trợ của Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI).

Trong năm 2022, dự kiến sẽ triển khai vắc xin này ở bốn tỉnh (ưu tiên các tỉnh miền núi, điều kiện khó khăn), đến 2023 sẽ mở rộng dần. Hiện Việt Nam đã sản xuất được vắc xin này, đảm bảo nguồn vắc xin sử dụng là do gánh nặng bệnh tiêu chảy do vi rút Rota ở Việt Nam.

Liên tục nhiều trường hợp nuốt dị vật

Bác sĩ Hà Văn Thiệu cho biết thêm, những tháng gần đây, bệnh viện trung bình mỗi tháng tiếp nhận từ 1-2 ca mắc dị vật. Trước đó, các trường hợp mắc dị vật rất ít và hiếm. Nhiều trẻ nuốt các dị vật như: nhiệt kế thủy ngân, trang sức, đồ chơi, pin... nhiều trẻ nguy kịch đến tính mạng. Bác sĩ Thiệu khuyến cáo các bậc phụ huynh đối với trẻ nhỏ khi chơi phải có sự giám sát của phụ huynh, các nhà sản xuất đồ chơi phải ghi chú rõ độ tuổi thích hợp để trẻ chơi đồ chơi đó, không cho trẻ ngậm các vật tròn, trơn nhẵn...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại