Độ tuổi dậy thì của trẻ em gái tại Mỹ đang ngày càng nhỏ hơn, theo một bài viết mới đăng tải trên Daily Mail. Một số chuyên gia lo ngại rằng điều này có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của các bé gái khi trưởng thành.
Độ tuổi dậy thì trung bình của trẻ em gái tại Mỹ giảm từ mức thông thường là 12 xuống 10 tuổi.
Hiện tượng này lần đầu tiên được phát hiện bởi Tiến sĩ Marcia Herman-Giddens, Chuyên gia Y tế Công cộng tại Đại học Bắc Carolina, Mỹ, trong lúc bà bắt đầu thu thập dữ liệu về hơn 17.000 trẻ em gái vào giữa những năm 1990.
Bà phát hiện ra rằng độ tuổi dậy thì trung bình của trẻ em nữ ở Mỹ đang giảm xuống. Các bé gái dậy thì vào lúc 10 tuổi, thậm chí một số bé gái còn dậy thì lúc 6 tuổi.
Những phát hiện của bà đã thúc đẩy tiếp tục nghiên cứu về chủ đề dậy thì sớm, bao gồm cả việc nghiên cứu về nguyên nhân và những ảnh hưởng lâu dài của tình trạng dậy thì sớm.
Tiến sĩ Paula Newton, Chuyên gia Nội tiết tại Trường Y trực thuộc Đại học Maryland, Mỹ giải thích rằng các tế bào mỡ giải phóng ra các hormone gây dậy thì sớm và tình trạng này thường xuất hiện ở những đứa trẻ bị thừa cân.
Theo dữ liệu gần đây nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng 20% trẻ em từ 2 - 19 tuổi ở Mỹ bị thừa cân, béo phì. Đối với lứa tuổi từ 6 đến 11, độ tuổi có nguy cơ dậy thì sớm, tỷ lệ béo phì cũng ở mức 20%.
Tiến sĩ Newton giải thích rằng các tế bào mỡ tiết ra hormone leptin và leptin đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự thèm ăn cũng như chức năng sinh sản của con người. Leptin thúc đẩy quá trình tạo estrogen, estrogen kích hoạt sự phát triển của ngực và những thay đổi về mặt thể chất khác trên cơ thể của các bé gái, có thể gây ra tình trạng dậy thì sớm.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 4 trên Tạp chí Nhi khoa của Ý cho thấy tỷ lệ trẻ dậy thì sớm ở nước này đã tăng gấp 2,5 lần trong giai đoạn 2020 và 2021 - giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát - so với những năm trước.
Tiến sĩ Newton cũng cho biết rằng trong thời kỳ giãn cách do Covid-19, phòng khám của bà cũng đã tiếp nhận rất nhiều trẻ em bị béo phì, tiền tiểu đường và tiểu đường loại 2.
Tiến sĩ Newton cho biết: "Chúng ta đều biết rằng trong khoảng thời gian giãn cách do đại dịch, trẻ phải học online, dẫn đến tình trạng trẻ ít vận động, thường xuyên ăn vặt. Tất cả yếu tố này đều gây ra tình trạng thừa cân béo phì - yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ.”
Ảnh minh hoạ: Chế độ ăn kém lành mạnh gây béo phì - một trong những yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng dậy thì sớm ở trẻ.
Ngoài béo phì, di truyền cũng là một yếu tố nguy cơ khác có thể khiến trẻ dậy thì sớm. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đột biến gen MKRN3 - gen được di truyền từ người cha - cũng có thể dẫn đến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ.
Dậy thì sớm ảnh hưởng tới trẻ thế nào?
Đối với trẻ em, dậy thì sớm có thể gây ra các vấn đề về thể chất và cảm xúc. Cụ thể:
1. Ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
Thông thường, trẻ dậy thì sớm sẽ đột nhiên cao lớn hơn so với bạn đồng trang lứa nhưng sau đó, chiều cao của trẻ sẽ không phát triển thêm nữa.
Dậy thì sớm kích hoạt sự phát triển của xương, khiến thời gian đầu trẻ cao lên rất nhanh, nhưng sau đó các đầu xương nhanh chóng đóng lại, khiến trẻ không tiếp tục cao thêm được. Điều này làm cho giai đoạn phát triển chiều cao của trẻ dậy thì sớm trở nên ngắn hơn so với bạn bè.
Ảnh minh hoạ: Trẻ dậy thì sớm sẽ đột nhiên cao lớn hơn so với bạn đồng trang lứa nhưng sau đó, chiều cao của trẻ sẽ không phát triển thêm nữa.
2. Trẻ có thể quan hệ tình dục sớm
Sự phát triển về mặt tâm sinh lý quá sớm sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục sớm ở trẻ. Lúc này, trẻ còn quá nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn, chưa hiểu biết rõ về vấn đề quan hệ tình dục an toàn. Nếu trẻ dậy thì sớm và quan hệ tình dục vào thời điểm này, trẻ có thể gặp phải các hệ lụy đáng tiếc như mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay mang thai ngoài ý muốn khi còn quá nhỏ, từ đó dẫn đến tình trạng nạo, phá thai và để lại những tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần ở trẻ.
3. Ảnh hưởng đến tâm lý
Những thay đổi trên cơ thể của bé gái dậy thì sớm có thể làm bé thấy ngại ngùng, xấu hổ vì cảm thấy khác biệt so với bạn bè, bị bạn bè trêu chọc. Điều này có thể khiến bé tự ti, trầm cảm hoặc thậm chí để lại di chứng tâm lý cho đến khi trưởng thành. Nếu trẻ gặp tình trạng này, bố mẹ cần trò chuyện, giải thích cho bé hoặc thậm chí có thể cho bé gặp chuyên gia tư vấn tâm lý, từ đó giúp bé vượt qua giai đoạn này một cách thuận lợi.
Cha mẹ cần làm khi con dậy thì sớm?
Dậy thì sớm ngày càng được nhiều bậc phụ huynh quan tâm hơn. Bởi lẽ, tình trạng này có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Tiến sĩ Paula Newton cho rằng điều cha mẹ cần làm đầu tiên để giúp con không dậy thì sớm là thay đổi chế độ ăn uống của trẻ.
- Các thực phẩm giàu chất béo và đường như đồ ăn vặt nên được thay thế bằng các loại thực phẩm lành mạnh như rau, củ, quả hơn. Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp con giảm thiểu nguy cơ béo phì, từ đó phòng tránh được yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ.
- Khi cha mẹ phát hiện con có những dấu hiệu dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa con đến gặp các bác sĩ nhi khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu cảnh báo dậy thì sớm ở trẻ em gái bao gồm:
- Cơ thể phát triển nhanh chóng.
- Mọc lông nách và lông ở vùng kín.
- Mọc mụn.
- Ngực phát triển.
- Có kinh nguyệt.
Dậy thì là quá trình phát triển tất yếu của con người. Tuy nhiên, dậy thì sớm có thể sẽ gây ra những tác động và ảnh hưởng đến tâm lý và thể chất của trẻ. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cần chú ý và hạn chế các yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ.
Nguồn: Healthline, Dailymail