Tại Hoa Kỳ, có hơn 10.000 trẻ em sống trong cảnh cha mẹ không đủ tiền mua thức ăn, nhưng những gia đình đó không đủ tiêu chuẩn để được thụ hưởng Chương trình trợ cấp dinh dưỡng bổ sung (SNAP) của Hoa Kỳ.
Những đứa trẻ này là đối tượng của công trình nghiên cứu về trải nghiệm cuộc sống trong giai đoạn sớm của trẻ em, tập trung vào 3.700 hộ gia đình có thu nhập thấp - đang sống ở mức 185 điểm phần trăm theo thang điểm Mức giới hạn nghèo khổ liên bang của Hoa Kỳ (FPL).
Ở Hoa Kỳ, gia đình bất kỳ phải có mức sống thấp hơn mức nói trên thì mới được thụ hưởng SNAP, tùy theo mức thu nhập được FPL quy định, lần lượt là: 16.240 USD ở một gia đình có 2 đứa trẻ; 20.420 USD ở một gia đình có 3 đứa trẻ; 24.600 USD ở một gia đình có 4 đứa trẻ.
Nghiên cứu cho thấy, thiếu thức ăn trong giai đoạn dưới 5 tuổi là nguyên nhân của việc trẻ em chậm phát triển nhận thức. Chúng phải chật vật để thực hiện các kỹ năng cơ bản ngay từ khi ở trường mẫu giáo.
Bên cạnh đó, trẻ em bị đói cũng dễ nổi cáu hơn, điều này có thể dẫn đến sự tiêu cực trong tương tác giữa cha mẹ học sinh và giáo viên và làm nảy sinh các hệ lụy khác.
Từ 1-5 tuổi, trẻ em thiếu ăn thì bộ não của chúng bị "nghẹt" - chậm phát triển, trẻ bị giảm chỉ số IQ và không thể bắt kịp mọi thứ, bị nghèo nàn về kỹ năng nhận thức và kém kỹ năng xã hội ở trường học so với bạn bè. Ảnh hưởng xấu này kéo dài nhiều năm, trong toàn bộ quá trình học tập trường lớp.
Nghiên cứu cũng tìm hiểu về mối liên quan giữa thời gian và mức độ thiếu thực phẩm. Ở đây được gọi là "mất an ninh lương thực trong thời thơ ấu" - và điểm số môn đọc, toán, kỹ năng xã hội cũng như khả năng cảm xúc của trẻ em ở vườn trẻ cũng bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia đã phỏng vấn cha mẹ và đánh giá con cái của các gia đình trong diện không được hưởng SNAP khi đứa trẻ ở 9 tháng tuổi, 2, 4 và 5 năm tuổi.
Trao đổi với tờ Daily Mail Online, nhà nghiên cứu - nữ tiến sĩ Anna Johnson (Đại học Georgetown, Mỹ) nói: "Có hai con đường tác động là trực tiếp và gián tiếp. Tác động trực tiếp là những đứa trẻ này đang bị thiếu dinh dưỡng, não của chúng không phát triển đúng cách do không nhận được các chất dinh dưỡng thích hợp".
"Còn tác động gián tiếp có thể do các bậc cha mẹ bị căng thẳng, chán nản, lo lắng, điều tệ hại đối với tương tác giữa họ vài con cái." Tiến sĩ Johnson còn lưu ý về "một con đường gián tiếp khác" là tiền – thứ có thể dùng để mua sách, đồ chơi hoặc trò chơi, mua thực phẩm… tất cả để thúc đẩy giáo dục trẻ em.
Chỉ riêng trong năm 2014, gần 20% tổng số hộ gia đình Hoa Kỳ, với khoảng 15 triệu trẻ em trong đó, đã bị "mất an ninh lương thực". Nghiên cứu còn khẳng định không chỉ thời điểm trẻ con thiếu thức ăn, mà số lần thiếu thức ăn cũng tạo ra sự khác biệt ở những đứa trẻ đó.
Tiến sĩ Johnson khẳng định: "Nếu có thể làm mọi thứ để con cái không bị đói trong 5 năm đầu đời, thì chúng ta đã xóa bỏ được mọi trở ngại dẫn đến thành công của chúng trong tương lai".
Thiếu ngủ gây rối loạn nhận thức
Nghiên cứu còn khẳng định giấc ngủ tồi lúc tấm bé cũng có thể dẫn tới rối loạn nhận thức, đặc biệt là khi trẻ em ở trường học. Trẻ em từ 3 - 7 tuổi không được ngủ đủ giấc sẽ gặp nhiều vấn đề về khả năng chú ý, kiểm soát cảm xúc... Từng có kết quả thống kê về sự sụt giảm số giờ ngủ trung bình mỗi ngày ở trẻ em Hoa Kỳ trong 20 năm qua là trong khoảng 30 - 60 phút/ngày.
Báo cáo của giáo viên gây lo ngại hơn báo cáo của các bậc cha mẹ, dù đều khẳng định mối liên quan giữa chức năng kém và giấc ngủ không đủ, các vấn đề liên quan đến giáo dục thần kinh dưới hình thức sao nhãng hoặc hiếu động thái quá, các triệu chứng cảm xúc như lo lắng và trầm cảm hoặc hung hăng và phá vỡ quy tắc.
* Theo Daily Mail