Khi để trẻ nhỏ chơi cầu tuột, nhiều người lớn đã ôm trẻ trong lòng và trượt cùng với trẻ, với suy nghĩ bản thân mình có thể bảo vệ trẻ khỏi những mối nguy có thể xảy ra khi chơi. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu của Đại học Y khoa Iowa Carver, Mỹ đã chứng minh điều ngược lại.
Tai nạn trên cầu tuột thường xảy ra khi bàn chân của trẻ vướng vào cạnh cầu tuột hoặc một chi tiết nào đó ở phía dưới cầu tuột. Trẻ thường không khó tự xử lý, hoặc chỉ bị ngã nhẹ nếu chỉ có một mình.
Tuy nhiên, với một động lực và tốc độ di chuyển lớn hơn rất nhiều do trọng lực cộng thêm của một người lớn, cú "mắc kẹt" tưởng chừng vô hại này có thể khiến chân trẻ bị xoắn, uốn cong mạnh, dẫn đến gãy xương và các dạng thương tích khác.
Ngay cả khi không bị mắc lại, việc trượt quá nhanh và chịu thêm trọng lượng của người lớn cũng đã đủ nguy hiểm cho trẻ. Nếu người bị mắc, bị vấp trên cầu tuột là người lớn trượt kèm, nhiều tai nạn khó lường cho trẻ vẫn có thể xảy ra.
Giáo sư – bác sĩ Charles Jennissen, chuyên ngành cấp cứu nhi khoa, người đứng đầu nghiên cứu nói trên, cho biết: "Trong hầu hết các trường hợp chúng tôi ghi nhận, cha mẹ không hề nghĩ điều đó có thể tạo nên một chấn thương đáng kể. Họ nói với chúng tôi rằng nếu họ biết, họ đã không làm thế".
Vì thế, để trẻ chơi một mình và theo dõi sát trẻ là phương án tốt nhất. Nếu con bạn còn quá nhỏ và bạn nghĩ rằng chúng không thể tự chơi cầu tuột, bạn nên chọn một trò chơi khác.
Một thống kê cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2015, đã có 352.698 em bé Mỹ dưới 6 tuổi gặp tai nạn khi chơi cầu tuột. Thương tích phổ biến nhất là một vết nứt xương, chiếm 36% các trường hợp và đa số ở chi dưới.
Nguồn: Independent