Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày lạnh dưới 10 độ, các em bé được đưa đến đây khám phải quấn kín mít để giữ ấm. Trời lạnh nên lượng bệnh nhân đến khám thưa hẳn so với những ngày khác.
Ôm chặt con trên tay ủ ấm chờ khám, chị Bùi Thị Hải (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết: “Đêm qua con tôi ho thành cơn dài, khó thở, sợ cháu bị viêm phổi nên hôm nay tôi phải cho con đi khám vội.
Sáng gần 10 giờ tôi mới dám cho cháu đến viện mà trời vẫn rất lạnh, phải ủ con bằng chăn lông, che kín mặt để tránh gió lùa mà vẫn sợ cháu bị lạnh”.
“Gia đình phải huy động cả hai vợ chồng đưa con đi khám vì rét quá, phải mang theo nhiều đồ như: Quần áo, chăn ủ ấm… cho cháu rất lỉnh kỉnh” anh Trần Huy Toàn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Co ro ngồi chờ khám.
Thời tiết quá lạnh nên những bệnh nhi phải đến bệnh viện khám thường bị nặng, những bệnh không quá nguy hiểm cha mẹ có thể trì hoãn nên lượng bệnh nhân đến viện những ngày này có thưa hơn.
Em bé ngồi chờ khám được mẹ ủ ấm bằng chăn lông dày
Khu vực chờ đăng ký khám bệnh thưa hơn ngày thường
Khu hành lang cũng vắng hơn.
Theo Th.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp.
Đề phòng bệnh cho trẻ, nhất là bệnh về đường hô hấp, trong những ngày giá rét, cha mẹ cần chú ý: Đảm bảo giữ đủ ấm cho trẻ ( lưu ý giữ ấm chân, tay, ngực, cổ, đầu), tuy nhiên cũng cần chú ý không ủ ấm quá mức khiến trẻ toát mồ hôi, dẫn đến nhiễm lạnh, viêm phổi.
Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng (tinh bột, vitamin, muối khoáng, chất béo…), ăn nhiều hoa quả để nâng cao sức đề kháng. Trẻ em được uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Cha mẹ tuyệt đối không đốt củi, sưởi than trong phòng kín để giữ ấm vì dễ gây độc rất nguy hiểm. Để phòng cách bệnh truyền nhiễm, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chuẩn lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, không nên vì thời tiết lạnh giá để trẻ bị trì hoãn tiêm chủng.