Bước đột phá ở Libya
Bị chiến tranh tàn phá trong gần 10 năm kể từ cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn lật đổ chính quyền Muammar Gadhafi vào năm 2011, Libya chìm sâu vào tương lai u tối không lối thoát.
Nhưng giờ đây, nhờ vào các bước đi ngoại giao do Liên Hợp Quốc làm trung gian, Diễn đàn Đối thoại Chính trị Libya với 75 đại diện từ các phe phái chính trị của Libya vào tuần trước đã nhất trí về một "cơ quan hành pháp thống nhất" với tổng thống và thủ tướng lâm thời mới.
Các thế lực chính trong cuộc xung đột là Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở Tripoli và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở phía Tây - được lãnh đạo bởi tướng Khalifa Haftar - đều đồng ý với thỏa thuận trên.
Tướng Haftar đã đồng ý với thỏa thuận trung gian mới ở Libya.
Một tuyên bố chung của Pháp, Đức, Ý, Anh và Mỹ ca ngợi thỏa thuận này là một "bước đi quan trọng", đồng thời lưu ý "con đường dài vẫn còn ở phía trước".
Cơ quan hành pháp thống nhất giờ đây sẽ phải "thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho người dân Libya, khởi xướng một chương trình hòa giải có ý nghĩa, giải quyết các nhu cầu ngân sách quốc gia quan trọng và tổ chức cuộc bầu cử quốc gia" dự kiến vào tháng 12.
Nhưng, thành công của tiến trình mới ở Libya có được hay không sẽ phụ thuộc vào hành động của những cường quốc bên ngoài, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, tờ Al-Monitor nhận định.
Chính phủ GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hậu thuẫn, trong khi LNA có sự hỗ trợ của Ai Cập, Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và được cho là có sự ủng hộ ngầm của Nga.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được coi là đứng hai bên bờ chiến tuyến, ủng hộ các phe đối lập trong cuộc chiến và muốn duy trì ảnh hưởng không chỉ trong tiến trình lâm thời mà còn trong cả chính phủ được thành lập sau cuộc bầu cử vào tháng 12. Sau cùng, cả hai đều muốn có căn cứ lâu dài ở Libya.
Câu hỏi đặt ra là liệu Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có chấp nhận từ bỏ ảnh hưởng của mình ở Libya hay không, bao gồm cả các lực lượng ủy nhiệm và những yếu tố không công khai khác.
Nga-Thổ không rời đi?
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh đồng thời là kẻ thù - đã tận dụng sự “vắng mặt” của Mỹ ở Trung Đông và Bắc Phi để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, bao gồm cả thỏa thuận ranh giới trên biển, đều hướng tới mục đích đa dạng hóa nguồn năng lượng, cho phép Ankara khai thác khí đốt tự nhiên trực tiếp từ Địa Trung Hải, thay vì mua từ Nga.
Nhưng cũng chính tại Libya, Ankara và Moscow đối đầu nhau trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược - và Diễn đàn Đối thoại Chính trị Libya của Liên Hợp Quốc được cho là sẽ không thay đổi bất cứ điều gì, tờ Asia Times nhận định.
Trong vài năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã đảm bảo sự hiện diện quân sự-chính trị lâu dài ở Libya, nơi có trữ lượng dầu mỏ được cho là lớn nhất ở châu Phi và lớn thứ chín trên thế giới.
Nhưng để đảm bảo nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tiềm năng, Thổ Nhĩ Kỳ phải thiết lập quyền kiểm soát đối với tỉnh Sirte giàu năng lượng.
Những kế hoạch đó đang gặp rắc rối trong lúc này. Nỗ lực của Ankara trong việc sử dụng các lực lượng ủy nhiệm để tiến qua thị trấn Sirte tới các mỏ dầu của Cyrenaica vào năm ngoái đã không thành công. Hiện tại, với việc một chính phủ lâm thời được các bên đồng ý, các hành động quân sự tiếp theo là khó có thể xảy ra.
Điều này khiến LNA sẽ nắm quyền kiểm soát phần lớn ngành công nghiệp dầu mỏ và các cơ sở cảng trên bờ biển.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiểm soát một phần các mỏ dầu ở phía Tây Tripolitania, nhưng nước này chỉ coi đây là một giải thưởng an ủi. Tỉnh Sirte mới là chìa khóa cho các tính toán của Ankara. Đó là lý do tại sao Ankara sẽ tiếp tục củng cố vị thế của mình ở khu vực phía Đông và tìm cách thiết lập quyền kiểm soát ít nhất một phần đối với tài sản ở khu vực đó.
Để đạt được mục tiêu này, Thổ Nhĩ Kỳ có sự hỗ trợ của Abdul Hamid Dbeibah, thủ tướng được chỉ định của chính quyền mới ở phía Tây, vốn nằm trong sự kiểm soát của chính quyền GNA do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.
Thế nhưng, ở phía bên kia đất nước, Mohamed al-Manfi, người đứng đầu Hội đồng Tổng thống mới đã trấn an Moscow rằng ông sẽ thúc đẩy và tăng cường hợp tác Nga-Libya.
Tựu chung lại, mặc dù có một chính phủ lâm thời Đông-Tây mới, song sự cạnh tranh địa chính trị Nga-Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục ở Libya. Cả hai sẽ tham gia nhiều vào các tiến trình hòa bình và chính trị đang diễn ra, cũng như việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 12.