Trao trả hài cốt như đã hứa, Triều Tiên vẫn khiến quân đội Mỹ gặp chuyện khó xử

Tất Đạt |

Mới đây, hài cốt của cựu binh Mỹ đã từ Triều Tiên trở về Hawaii. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, quy trình xác minh danh tính liệt sĩ sẽ tốn ít nhất từ 3 ngày tới 20 năm.

Trao trả hài cốt lính Mỹ

Được phủ bằng cờ trắng và xanh của Liên Hợp Quốc, 55 quan tài gỗ cỡ nhỏ được đánh số và xếp ngay ngắn trong hội trường.

Những quan tài này không chỉ chứa hài cốt của những binh sĩ Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, mà còn gửi đi thông điệp hòa hữu từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un theo như những gì đã cam kết tại cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump vào hồi tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên, theo CNN, Triều Tiên chỉ cung cấp 1 thẻ bài quân nhân (hay còn gọi là "dog tag") cho số quan tài nói trên.

"Ngoài thẻ bài ấy, quân đội Triều Tiên không cung cấp thêm bất kì thông tin nào về nơi họ tìm thấy các hài cốt hoặc thông tin nào khác. Sẽ rất khó để xác minh danh tính nếu thiếu các thông tin thiết yếu," một quan chức Mỹ nói.

Paul Cole - một chuyên gia về thu thập hài cốt liệt sĩ và tù binh chiến tranh, hiện đang làm việc tại Trung tâm thí nghiệm Xác minh Danh tính tại Hawaii - nhận định các hài cốt trong quan tài có thể không phải của một người và có khả năng cao là tập hợp của nhiều mảnh xương vụn.

Trao trả hài cốt như đã hứa, Triều Tiên vẫn khiến quân đội Mỹ gặp chuyện khó xử - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Việc các hài cốt trộn lẫn với nhau phần nào phản ánh mức độ tàn khốc của cuộc chiến.

Tại phòng thí nghiệm, đầu tiên các nhà khoa học sẽ phân tích xem đây có phải là xương người hay không. Sau đó các chuyên gia sẽ tổng hợp và tính toán trong 55 quan tài này có hài cốt của ít nhất bao nhiêu liệt sĩ.

Mỗi phần xương, hay mảnh vỡ, đều mang nhiều thông tin quý giá. Xương đùi giúp ước lượng chiều cao, xương chậu tiết lộ độ tuổi, tạo hình khuôn mặt và hộp sọ cho thấy nguồn gốc và chủng tộc người. Xương đòn và răng giúp xác định danh tính tốt nhất khi đem so sánh với những dữ liệu Bộ Quốc phòng Mỹ đang lưu giữ về cựu binh mất tích và hi sinh.

Sáu thập kỉ chờ đợi

Nếu các phần xương đạt đủ tiêu chuẩn kích thước, phòng thí nghiệm sẽ cắt và gửi một phần tới Phòng Xác minh Danh tính bằng DNA, nơi các chuyên gia sẽ phân tích và so sánh với những mẫu DNA của thân nhân.

Nếu xương quá nhỏ, sẽ không thể thực hiện được xét nghiệm DNA. Theo ông Cole, luật liên bang Mỹ nghiêm cấm phá hủy bằng chứng khi thí nghiệm, trong khi muốn xét nghiệm DNA thì phải làm vỡ các mảnh xương.

Trao trả hài cốt như đã hứa, Triều Tiên vẫn khiến quân đội Mỹ gặp chuyện khó xử - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Những thách thức nói trên có thể khiến quy trình xác minh danh tính kéo dài tới nhiều năm.

"Những vấn đề như không thể lấy được DNA từ xương và thiếu mẫu DNA từ gia đình có thể là trở ngại rất lớn," một đại diện thuộc bộ phận thu thập, xác minh liệt sĩ mất tích cho biết.

Dù sao đi chăng nữa, vẫn có nhiều hi vọng và sức nặng chính trị đằng sau nhiệm vụ này.

Tuần trước, tổng thống Trump đã cảm ơn ông Kim vì giữ lời hứa trong hội nghị thượng đỉnh về phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

"Và tôi khá chắc rằng ông Kim sẽ tiếp tục thực hiện cam kết của mình," ông Trump nói.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ tiếp tục công cuộc tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ. Tổng cộng 5.300 lính Mỹ được cho là đã hi sinh trên lãnh thổ Triều Tiên.

Gail Embery là con gái của một trong những liệt sĩ như vậy. Khi mới 10 tuổi, bà nhận được tin rằng cha mình hi sinh trong chiến tranh Triều Tiên. Bà hi vọng trong số những quan tài kia sẽ có hài cốt của người cha.

"Tôi luôn tin rằng tôi phải tìm lại cha tôi. Từ sâu thẳm trong tim tôi vẫn trông chờ ngày ấy sẽ tới. Bây giờ tôi đã 73 tuổi, nhưng sẽ không bao giờ ngừng tìm kiếm," bà Embery nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại