Theo Avia-pro, các căn cứ quân sự của Nga ở Syria đang nằm dưới tầm ngắm từ hệ thống phòng thủ của các nước NATO.
Các chuyên gia cho rằng trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn giữa Nga và NATO, căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria sẽ là mục tiêu tiềm năng cho các hệ thống phòng không của các nước NATO.
Nếu như cho đến hôm nay không có gì đe dọa máy bay chiến đấu Nga do tầm bắn của hệ thống phòng không Patriot là tương đối hạn chế, thì giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ có hệ thống phòng không tầm xa nhất thế giới là S-400 Triumf, điều này tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng, đặc biệt khi Ankara là đồng minh Mỹ, mặc dù mối quan hệ xấu đi giữa đôi bên.
Theo các chuyên gia, do việc triển khai hệ thống phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria, tất cả các máy bay và trực thăng Nga triển khai tại căn cứ không quân Hmeimim cũng như căn cứ hải quân Tartus, hoặc ở căn cứ không quân mới tại El Kamyshli, đều có thể bị bắn trúng.
"Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, trong khi liên minh này là đối thủ tiềm năng của Nga. Nếu cần thiết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắt đầu kiểm soát tất cả các căn cứ không quân của quân đội Nga trên lãnh thổ Syria, hoặc thậm chí chặn quyền sử dụng không phận đối với máy bay Nga ở Trung Đông.
Đây là những rủi ro nghiêm trọng đòi hỏi phải xem xét cẩn thận", các nhà phân tích lưu ý.
Trong số những lưu ý khác, các chuyên gia không loại trừ khả năng sau khi hoàn thành việc triển khai tất cả các hệ thống phòng không S-400, Thổ Nhĩ Kỳ sau này sẽ giành quyền kiểm soát Biển Đen, cũng như các căn cứ quân sự của Nga ở Crimea và trên bờ biển phía Đông Bắc.
Nga đã và tiếp tục chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ
Hồi tháng 7, Nga đã chuyển lô S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ theo hợp đồng 2,5 tỷ USD được ký năm 2017.
"Tổng cộng hơn 30 chuyến bay đặc biệt được thực hiện đến Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 12/7 để mang theo lô thiết bị đầu tiên của hệ thống tên lửa S-400", truyền thông Nga ngày 25/7 dẫn nguồn tin quân sự cho biết.
"Các tổ hợp S-400 không chỉ giúp củng cố mạng lưới phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước", Tổng giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport Alexander Mikheev tuyên bố khi đó.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận mua tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017. Mỹ liên tục phản đối hợp đồng này, cho rằng Nga có thể đưa chuyên gia tới Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp cận mạng lưới phòng không cũng như các vũ khí tối tân khác của NATO.
Nga cũng hy vọng sẽ ký một thỏa thuận mới cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm nhiều tên lửa S-400, theo quan chức tập đoàn Rosoboronexport.
"Chúng tôi hy vọng sẽ ký các hợp đồng mới trong nửa đầu năm 2020. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc hợp tác kỹ thuật quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ giới hạn ở việc cung cấp S-400. Chúng tôi có kế hoạch lớn hơn phía trước", Alexander Mikheev, Tổng giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, trả lời phỏng vấn RIA hôm nay.
Theo quan chức này, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang tích cực thảo luận về khả năng Ankara mua thêm tên lửa S-400 ngoài hợp đồng đã ký, trong đó nội dung đàm phán chủ yếu tập trung vào vấn đề tài chính.
Ông Mikheev cho biết nếu thỏa thuận này được ký, nó sẽ bao gồm một lô S-400 mới và một số thành phần của hệ thống tên lửa này có thể được sản xuất ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga nói thêm những nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn các quốc gia khác mua thiết bị quân sự của Moskva đã không hiệu quả như Washington kỳ vọng.
"Mọi người có thể thấy Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác tự tin như thế nào trên trường quốc tế. Nhiều nước đang phẫn nộ vì chính sách trừng phạt của Mỹ, điều ngăn họ phát triển lực lượng vũ trang riêng và hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga", Mikheev nói thêm.