Trao quyền thừa kế cho con gái

Vũ Thị Huế |

Phụ huynh Ấn Độ thiên vị con trai nhưng gần đây, trong giới tài phiệt, bắt đầu xuất hiện người thừa kế là phụ nữ.

Trao quyền thừa kế cho con gái - Ảnh 1.

84% tài phiệt Ấn Độ quan tâm chỉ định người thừa kế.

Ngay cả trong tầng lớp trung lưu và người nghèo, con gái cũng có quyền thừa kế ngang con trai, thậm chí được ưu tiên trong trường hợp cha mẹ không để lại di chúc.

Nữ thừa kế tiên phong

Thời gian gần đây, truyền thông và báo chí Ấn Độ rộn ràng đưa tin Isha Ambani (1991), con gái tỷ phú Mukesh Ambani (1957) được trao quyền lãnh đạo và thừa kế tài sản ngang bằng với anh trai song sinh, Akash.

Trong cuộc họp đại cổ đông thường niên được tổ chức vào tháng 8, "ông trùm dầu mỏ" Ambani đã tuyên bố để Isha và Akash lần lượt điều hành các doanh nghiệp viễn thông và bán lẻ của Reliance Industries - RI.

RI là công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên thăm dò, sản xuất, tinh chế, tiếp thị dầu mỏ, bán lẻ và viễn thông khổng lồ nhất Ấn Độ. Thu nhập ròng của công ty này lên đến 678,4 tỷ rupee. Ước tính, giá trị của RI đang trong khoảng 220 tỷ USD.

Từ lâu, Ambani đã khét tiếng "người đàn ông giàu nhất Ấn Độ". Isha sinh ra và trưởng thành trong nhung lụa. Cô nổi danh xinh đẹp và tài giỏi, từng được Tạp chí Forbes tiên đoán là "một trong những nữ doanh nhân quyền lực ở châu Á trong tương lai".

Quyết định của Ambani khiến lời đoán trước của Forbes trở thành hiện thực. Trong đất nước mà 8/10 các gia đình vẫn "trọng nam khinh nữ" khi phân chia tài sản, Isha được kỳ vọng sẽ lan tỏa thông điệp mới và mang tới sự thay đổi lớn.

Trao quyền thừa kế cho con gái - Ảnh 2.

Isha Ambani, "ái nữ" nhà Ambani được kỳ vọng mở màn hiện tượng trao quyền thừa kế cho con gái.


Thay đổi sau đại dịch

Nguyên nhân Ambani sớm trao quyền và phân chia tài sản cho con cái là "tránh lịch sử lặp lại". RI là tài phiệt 3 thế hệ. Trước khi qua đời, cha của Ambani đã không để lại di chúc, dẫn đến cuộc tranh giành kịch liệt giữa ông và em trai, Anil Ambani (1959).

Trong khi Ambani sợ "dẫm chân vào vết xe đổ", các cá nhân có tài sản ròng cực cao ở Ấn Độ cũng lo lên kế hoạch phân chia tài sản và quyền thừa kế sớm. Theo báo cáo từ công ty tư vấn bất động sản quốc tế Knight Frank, vào năm 2021, 84% giới giàu Ấn Độ cực kỳ quan tâm vấn đề này. Trong đó, 30% xem "chuyển giao tài sản cho con cái là nỗi lo hàng đầu", 48% "đánh giá lại đối tượng thừa kế".

Mặc dù thiên vị con trai, Ấn Độ đang cho thấy đã có sự thay đổi trong 2 thập kỷ vừa qua. Nhiều gia đình tài phiệt tích cực đầu tư học vấn, khả năng lãnh đạo cho con gái và để họ vào công ty làm việc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale (Mỹ) và lấy bằng thạc sĩ kinh doanh, Isha xin việc tại công ty tư vấn quản lý toàn cầu, McKinsey (Mỹ). Cô xem những năm làm việc tại đây như "tập huấn trước khi vào Reliance".

Ngoài Isha, trong giới tài phiệt Ấn Độ còn nhiều "ái nữ" tài giỏi khác. Ví dụ như Nisaba Godrej - chủ tịch công ty hàng tiêu dùng Godrej Consumer, Nadia Chauhan - giám đốc thương hiệu đồ uống Parle Agro… Họ đại diện cho thế hệ phụ nữ mới, trẻ trung, năng động, trình độ học vấn và khả năng lãnh đạo cao.

"Càng ngày càng có nhiều phụ nữ tài năng. Họ dám lên tiếng về nhân quyền, bộc lộ năng lực xuất chúng và sẵn sàng trở thành người nổi tiếng", giám đốc điều hành Công ty Welspun India, Dipali Goenka cho biết.

Trao quyền thừa kế cho con gái - Ảnh 3.

Kể từ năm 2022, phụ nữ Hindu được ưu tiên thừa kế tài sản cha để lại.


Vẫn còn chặng đường dài

Theo các chuyên gia, những thay đổi và bổ sung về luật thừa kế đang giúp ích lớn cho phụ nữ. Cộng với sự tiên phong trao quyền thừa kế tài sản khổng lồ cho con gái ở giới tài phiệt, Ấn Độ có khả năng sẽ diễn ra sự thay đổi lớn, dần dần xóa bỏ quan niệm thiên vị con trai.

Đầu năm 2022, Tòa án Tối cao Ấn Độ đưa ra phán quyết mới: Con gái được ưu tiên thừa kế tài sản của cha. Phán quyết này áp dụng trong trường hợp nam giới theo đạo Hindu qua đời không để lại di chúc. Nó bổ sung và làm rõ Đạo luật Kế vị Ấn Độ giáo (1956), nâng vị trí thừa kế của phụ nữ lên tầm cao nhất.

"Mục tiêu của đạo luật bổ sung là thiết lập sự bình đẳng hoàn toàn giữa nam và nữ về quyền thừa kế, xóa bỏ sự thiên vị đối với con trai", tòa án giải thích. Kể từ thời điểm này trở đi, phụ nữ Hindu có quyền thừa kế ngang nam giới. Nếu cha mẹ qua đời không để lại di chúc, họ còn được xét là người thừa kế số 1.

Đánh giá về năng lực của các con, Ambani tuyên bố "họ là những lãnh đạo bình đẳng trong đội ngũ chuyên gia trẻ của Reliance". Sandeep Nerlekar, người sáng lập và điều hành công ty tư vấn thừa kế Terentia cho rằng, chuyển giao quyền lãnh đạo và thừa kế cho con gái là "động thái quan trọng, gây tiếng vang lớn".

Thế hệ trẻ, không phân biệt nam – nữ, đều được trang bị tư duy tiến bộ và nền tảng kiến thức chuyên môn, hiểu biết công nghệ cao. Đối với giới tài phiệt, họ là nhân tố chính "đưa sự giàu có lên tầm cao mới". Đối với đất nước, họ quyết định đà kinh tế nay mai.

Có điều, thực tế tại Ấn Độ vẫn chỉ ra, hầu hết các gia đình chưa thay đổi quan niệm "người kế thừa phải là con trai". Ngay cả trong các con trai, sự phân chia tài sản thừa kế cũng bất đồng đều.

Nội bộ các tập đoàn lớn như Murugappa, Tata… vẫn đấu đá, giành giật quyền thừa kế khốc liệt. Kết quả, các vụ kiện gia tăng, cuộc tố tụng kéo dài, gây tổn thất đến hầu hết cổ đông.

Về RI, tuy Ambani tuyên bố trao quyền thừa kế và lãnh đạo bình đẳng cho các con, để đến khi Isha chính thức nhận được toàn bộ vẫn còn chặng đường dài. Trên mọi lĩnh vực và ngành nghề Ấn Độ, phụ nữ vẫn chưa bình đẳng với nam giới. Xét ra, quyền thừa kế mới chỉ là bước đầu tiên của "cuộc chiến chống lại chế độ gia trưởng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại