Chiều 22/1 tại TAND TP Hòa Bình tiếp tục diễn ra phần tranh tụng, trong vụ án tai biến chạy thận xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình năm 2017, khiến 9 người thiệt mạng.
"VKS vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội"
Luật sự Hoàng Ngọc Biên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Hoàng Công Lương, mạnh mẽ bác bỏ bản luận tội với thân chủ của ông với tội danh "Vô ý làm chết người", cho rằng Viện kiểm sát vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội.
LS Biên nhận định đây là vụ án phức tạp mà nguyên nhân trực tiếp là do việc sửa chữa hệ thống RO, theo kết luận của Viện KHHS Bộ CA thì nguyên nhân là do các nạn nhân ngộ độc hoá chất HF. Nhưng VKS lại cho rằng nguyên nhân chết là do y lệnh, quy bị cáo là nguyên nhân trực tiếp gây nên sự cố.
Cùng một hành vi ra y lệnh nhưng 3 lần thay đổi tội danh mà trong quá trình điều tra không có chứng cứ, tình tiết mới, điều này chứng tỏ rằng VKS đã không tuân thủ quy định pháp luật khi xem xét tài liệu chứng cứ hồ sơ vụ án, ý kiến chuyên gia tại phiên toà.
"Vì vậy VKS đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, những chứng cứ vô tội của bị cáo Hoàng Công Lương đã không được VKS xem xét", luật sư Biên nhấn mạnh.
Cụ thể, kết luận của Hội đồng chuyên môn đánh giá việc thực hiện điều trị là đúng quy trình, quá trình cấp cứu phù hợp với tình trạng cấp cứu của bệnh nhân, phù hợp với quy trình chuyên môn kỹ thuật.
Các chuyên gia của BV Bạch Mai cũng khẳng định xét nghiệm AAMI là xét nghiệm định kỳ, không phải là xét nghiệm sau sửa chữa, việc sau khi điều dưỡng thông báo hệ thống đã sửa xong thì bác sĩ có quyền ra y lệnh.
Việc bản luận án truy tố bị cáo tội danh Vô ý làm chết người cho bị cáo Hoàng Công Lương đã cho thấy sự không công tâm của cơ quan truy tố, vi phạm Điều 10 Bộ luật TTHS 2003 về việc xác định sự thật vụ án.
Luật sư Hoàng Ngọc Biên.
Theo luật sư Biên, cơ quan truy tố tỉnh Hòa Bình đã không chứng minh được ý thức chủ quan của BS Lương khi ra y lệnh thì không đủ dấu hiệu pháp lý đối với tội phạm Vô ý được quy định tại điều 10 BLHS 1999 trong các trường hợp sau đây:
- Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó không thể xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa, trong khoa học pháp lý gọi đây là trường hợp vô ý phạm tội vì quá tự tin.
- Người phạm tội không thấy trước được hành vi có thể gây ra hậu quả cho xã hội mặc dù lẽ ra phải thấy trước hậu quả. Trong khoa học pháp lý gọi đây là trường hợp vô ý phạm tội vì cẩu thả.
"Không có chứng cứ về ý thức chủ quan của Hoàng Công Lương"
"Trong hơn 13.000 bút lục có trong hồ sơ vụ án, chúng tôi đã nghiên cứu tài liệu điều tra không thấy có chứng cứ về ý thức chủ quan bị cáo Hoàng Công Lương đã được Quốc, Sơn hay bất cứ điều dưỡng viên nào cảnh báo để ngăn ngừa việc ra y lệnh lọc máu. Do đó, nên không có cơ sở quy buộc BS Lương về việc Vô ý làm chết người do cẩu thả hoặc quá tự tin.
Việc quy cho BS Lương với trình độ vai trò trách nhiệm phải biết chất lượng nguồn nước là 1 sự suy diễn, quy chụp, thiếu căn cứ pháp luật. Đây là trách nhiệm của trưởng khoa".
Luật sư Biên cũng trích quy chế bệnh viện để thấy trách nhiệm của bác sĩ lọc máu có 7 nội dung cụ thể, trong đó không có quy định nào quy định bác sĩ lọc máu phải biết về chất lượng nguồn nước.
LS Biên khẳng định, chỉ khi nào VKS bác bỏ được ý kiến của chuyên gia về chuyên môn lọc máu thì HĐXX mới có thể xem xét kết luận, vì y tế là một ngành đặc thù, chuyên biệt, có tính khoa học chuyên sâu, cần coi ý kiến chuyên môn làm căn cứ kết luận.
"Nếu không chứng minh được hành vi của BS Lương có mối quan hệ với việc tồn dư hoá chất trong nước RO thì không đủ căn cứ để buộc tội BS Lương. Chúng tôi đề nghị với HĐXX tuyên hành vi của BS Lương không cấu thành tội phạm và đình chỉ vụ án với BS Lương".
Luật sư Biên cũng cho biết ông có 8 câu hỏi quan trọng muốn tranh luận với VKS. Cụ thể:
1. Trong phần luận tội cho rằng Lương là cánh cửa cuối cùng, đề nghị VKS giải thích cánh cửa cuối cùng là cánh cửa gì?
2. VKS dẫn trách nhiệm của kỹ sư, kỹ thuật viên lọc máu để cáo buộc BS Lương có trách nhiệm về chất lượng nguồn nước RO2 trước khi ra y lệnh có khách quan không? Có phải quý Viện đang đánh tráo trách nhiệm giữa kỹ sư, kỹ thuật viên lọc máu cho bác sĩ lọc máu không?
3. Căn cứ vào quy định pháp luật nào VKS cho rằng phải có kết quả xét nghiệm AAMI thì bác sĩ Lương mới được ra y lệnh?
4. Theo kết luận giám định của Viện pháp y, nguyên nhân là do ngộ độc Florua, đề nghị VKS cho biết BS Hoàng Công Lương có hay không mối quan hệ nhân quả đối với việc tồn dư Florua trong hệ thống RO 2?
5. Việc BS Lương ra y lệnh, sát nhập y lệnh cho các BS khác có phải là hành vi nguy hại cho xã hội không?
6. Đến thời điểm này đã có văn bản hiệu lực pháp luật nào bác bỏ kết luận của hội đồng chuyên môn với sự cố y khoa tại BVĐK Hòa Bình chưa. Đây là chứng cứ gỡ tội cho bị cáo Hoàng Công Lương tại sao VKS không xem xét yếu tố này?
7. Đến thời điểm này các nhà chuyên môn đều cho rằng AAMI là xét nghiệm định kỳ, căn cứ vào đâu để VKS cho rằng đó là xét nghiệm bắt buộc?
8. Việc cùng một vụ việc thay đổi đến 3 lần tội danh có phải sự non yếu của cơ quan điều tra?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Chứng cứ vật chất là các chuyên gia BV Bạch Mai bị để ngoài cáo trạng
Trong vụ án này nguyên nhân là do Florua bằng đường truyền, VKS hiện nay chỉ dựa vào hậu quả của những bệnh nhân đã chết buộc tội bị cáo Lương trên cơ sở trách nhiệm nghề nghiệp và quản lý.
Trong khi chứng cứ vật chất là lời khai của các bác sĩ, thông tin của các chuyên gia BV Bạch Mai thể hiện rõ trách nhiệm của từng khâu, thì lại bị để ngoài cáo trạng.
Về hợp đồng 315, chứng cứ này không có ý nghĩa buộc tội với các bị cáo trong đó có Hoàng Công Lương. Hợp đồng 315 có thể chỉ là hợp đồng bán phụ tùng. Trong Hợp đồng 315 không bắt buộc phải có nội dung bàn giao. Hợp đồng 315 không có quy định hóa chất sử dụng. Lời khai Sơn và Quốc lấy mẫu nước đi xét nghiệm là khiêm cưỡng.
"Quan điểm của tôi là buộc Hoàng Công Lương tội Vô ý làm chết người là hoàn toàn khiên cưỡng. Bị cáo Hoàng Công Lương là bác sĩ cấp cứu, sử dụng RO là không sai. Bị cáo Lương không phải biết chất lượng RO. VKS cần rút lại lời buộc tội và HĐXX tuyên bố HCL vô tội".