Năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà chức trách ở Trung Quốc đã tăng cường giám sát cũng như mạnh tay phạt tiền những siêu thị hay cửa hàng tăng giá rau củ và các mặt hàng thiết yếu khác để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Theo cơ quan Giám sát thị trường của thành phố Thượng Hải, tại siêu thị Carrefour, giá rau diếp tăng gấp 8 lần trong khi giá bắp cải tăng gấp 5 lần so với giá thông thường.
Sau khi bị người tiêu dùng phản ánh, một trong 22 cửa hàng thuộc chuỗi này đã bị phạt 2 triệu nhân dân tệ (tương đương 6,5 tỷ đồng) và được yêu cầu hạ giá rau xuống mức bình thường. Một số cửa hàng tạp hóa ở các thành phố khác của Trung Quốc cũng bị phạt vì hành vi tăng giá để trục lợi.
Về phần mình, Carrefour nói rằng việc tăng giá ở một trong những cửa hàng của họ là "do một nhân viên gây ra, hoàn toàn là hành vi cá nhân và vi phạm chính sách giá của siêu thị".
Công ty cho biết họ đã ngay lập tức sửa sai khi sự việc bị phát hiện và cam kết sẽ không để việc này tái diễn. Sau đó, rau diếp của Carrefour đã được điều chỉnh giá xuống còn 1,99 tệ (0,28 USD)/0,5 kg – tương đương với giá chung trên thị trường.
Thời gian đầu khi đại dịch bùng phát, các thành phố của Trung Quốc bỗng chốc biến thành "thành phố ma" do chính quyền áp lệnh phong tỏa.
Ngay cả những vùng có ít ca mắc và tử vong, chính quyền địa phương cũng yêu cầu mọi người ở nhà để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tại một số khu vực, mỗi hộ gia đình chỉ được ra ngoài 2 ngày/lần để mua thực phẩm và đồ thiết yếu.
Lo ngại việc các biện pháp hạn chế ngày càng thắt chặt, nhiều người dân đã tích trữ một số mặt hàng thiết yếu, bao gồm rau củ và khẩu trang. Ở một số thành phố, nhiều siêu thị đã hết sạch rau, gạo, đồ tươi sống, dẫn đến rất nhiều lời phàn nàn về việc tăng giá những mặt hàng này.
Tuy nhiên, chính quyền đã kêu gọi mọi người bình tĩnh và không tích trữ bởi các thành phố có đủ nguồn cung về cả thực phẩm, hàng tạp hóa cũng như sản phẩm bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch.
Chuyên gia kinh tế Iris Pang cho biết giá thực phẩm tăng cao là hiện tượng tạm thời, một phần do người dân hoảng loạn nên tích trữ cũng như do mọi người nấu ăn tại nhà nhiều hơn.
Tại một thành phố 12 triệu dân ở phía bắc Trung Quốc, chính quyền địa phương đã cử một nhóm đến từng siêu thị lớn để giám sát giá cả cũng như có biện pháp xử lý kịp thời với hành vi tăng giá.
Trong khi đó, tại tỉnh Sơn Đông, chính quyền cho biết việc tăng giá vật tư y tế và nhu yếu phẩm quá 35% sẽ là bất hợp pháp. "Bất cứ ai tích trữ để bán lại, làm rối loạn thị trường, tăng giá để kiếm lời trong đại dịch sẽ bị phạt cho đến khi phá sản", đại diện tỉnh cho biết trong một cuộc họp báo.
Trên thực tế, tình trạng "tranh thủ" tăng giá trong đại dịch đã diễn ra ở không ít nơi trên thế giới. Tháng 3 năm ngoái, siêu thị Food Fair La Gran Marqueta ở thành phố Paterson (bang New Jersey, Mỹ) đã bị phạt 5.250 USD vì hành vi tăng giá.
Cụ thể, một hộp ngũ cốc Cheerios ở siêu thị này có giá từ 7,5 USD – 9,2 USD, cao hơn 10% so với mức giá trước khi bang New Jersey ban bố tình trạng khẩn cấp.