Lệnh Tổng khởi nghĩa được ban bố
Chiến tranh thế giới thứ hai đang tới những ngày cuối. Ở châu Âu, phát xít Đức đã bị đánh bại và buộc phải đầu hàng không điều kiện vào tháng 5-1945. Ở châu Á, quân phiệt Nhật đã đầu hàng Đồng minh không điều kiện (8-1945).
Ngay khi nghe tin Chính phủ Nhật đầu hàng. Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ra Quân lệnh số 1, kêu gọi toàn dân nổi dậy. Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng Sản Đông Dương họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 14 đến ngày 15-8-1945 đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào.
Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa
Tiếp theo, Đại hội Quốc dân được tiến hành ở Tân Trào (16-8) gồm đại biểu ba xứ thuộc đủ các giới, các đoàn thể, các dân tộc, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Lần đầu tiên, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra mắt các đại biểu quốc dân
Đại hội đã nhất trí tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ Lâm thời sau này) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Chiều 16-8, theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, một đội quân giải phóng do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào tiến về bao vây và tấn công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên, mở đường về Hà Nội.
Giành chính quyền ở Hà Nội
Ở Hà Nội, từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp, không khí cách mạng càng thêm sôi động. Các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc, các đội tự vệ chiến đấu. Các đội Tuyên truyền xung phong của Việt Minh thẳng tay trừ khử những tên tay sai đắc lực của Nhật.
Tối 15-8, Đội Tuyên truyền xung phong của Việt Minh tổ chức diễn thuyết công khai ở ba rạp hát lớn trong thành phố. Ngày 16-8, truyền đơn biểu ngữ kêu gọi khởi nghĩa xuất hiện khắp nơi. Chính quyền bù nhìn thân Nhật lung lay đến tận gốc rễ.
Đén sáng 19-8, cả Hà nội tràn ngập khí thế cách mạng. Đồng bào rầm rập kéo tới quảng trường Nhà hát lớn dự cuộc mít tinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Đại biểu Việt Minh đọc Tuyên ngôn, Chương trình của Việt Minh và kêu gọi nhân dân đứng lên giành chính quyền. Bài hát Tiến quân ca lần đầu tiên vang lên.
Cuộc Mít tinh ở Nhà hát lớn đã nhanh chóng trở thành cuộc biểu tình giành chính quyền ở Hà Nội
Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, chia ra nhiều đoàn đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Trước khí thế của quần chúng khởi nghĩa, quân Nhật không dám chống lại. Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn ở Hà Nội,
Giành chính quyền trong cả nước
Ngay từ những ngày đầu tháng 8, một không khí gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa đã sục sôi trong cả nước. Từ ngày 14-8 đến ngày 18-8. Ở nhiều xã, huyện thuộc một số tỉnh đã nối tiếp nhau chớp thời cơ giành chính quyền. Bốn tỉnh giành được chính quyền ở tỉnh lị sớm nhất trong cả nước là Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh và Quảng Nam.
Khi có tin Nhật đầu hàng, lệnh khởi nghĩa truyền xuống và tin Hà Nội giải phóng báo về thì cuộc khởi nghĩa trong cả nước càng lan nhanh như một dây thuốc nổ. Tiếp sau Hà Nội, đến lượt Huế (23-8), rồi Sài Gòn (25-8). Trước tình thế vũ bão của cách mạng, vua Bảo Đại phải thoái vị. Chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến 28-8), cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới rằng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời.
Ý nghĩa lịch sử và nguyên nhân thành công của Cách mạng tháng Tám
Cách mạng tháng Tám là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nó đã phá tan hai tầng xiền xích nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót ngàn năm. Việt Nam từ một nước thuộc địa đã trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ thành người dân độc lập tự do, làm chủ nước nhà.
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, một kỉ nguyên mới của lịch sử dân tộc ta đã mở ra - kỉ nguyên độc lập và tự do.
Về mặt quốc tế, Cách mạng tháng Tám là thắng lợi lớn đầu tiên trong thời đại mới của một dân tộc nhược tiểu đã tự giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân. Thắng lợi đó đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trên thế giới, đặc biệt là nhân dân châu Á và châu Phi.
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam
Cách mạng tháng Tám thành công là do các nguyên nhân sau:
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước sâu sắc, đã đấu tranh kiên cường bất khuất từ ngàn xưa cho độc lập, tự do. Vì vậy, khi Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh phất cao ngọn cờ cứu nước thì mọi người hăng hái hưởng ứng.
Có khối liên minh công nông vững chắc, tập hợp được một lực lượng yêu nước trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, lại biết kết hợp tinh thần đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đấu tranh du kích với với khởi nghĩa từng phần ở nông thôn, tiến lên phát động tổng khởi nghĩa ở cả nông thôn và thành thị, đnáh đổ hoàn toàn bộ máy cai trị của đế quốc và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân
Cách mạng tháng Tám thắng lợi tương đối nhanh chóng và ít đổ máu một phần nhờ hoàn cách quốc tế thuận lợi. Chiến tranh thế giứoi thứ hai đang đi đến hồi kết thúc, Hồng quân Liên Xô và quân Đồng Minh đã đánh bại phát xít Đức-Nhật góp phần quyết định vào thắng lợi chung của các lực lượng hòa bình, dân chủ trên thế giới.
Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 9, tr 92-93-94-95.