Nhờ sự phát triển của y học với nhiều kỹ thuật cao đã được áp dụng nên nhiều bệnh lý đã được phát hiện sớm để điều trị và dinh dưỡng hợp lý, mang lại kết quả tốt. Sỏi túi mật hiện nay được phát hiện sớm qua siêu âm một cách hoàn toàn ngẫu nhiên mà người có sỏi mật không có dấu hiệu gì trên lâm sàng.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trường đại học Kentucky (Mỹ) về yếu tố nguy cơ gây bệnh sỏi túi mật thì béo phì là một nguy cơ chính. Người có vòng eo trên 91,5cm nguy cơ phải mổ lấy sỏi mật cao gấp 2 lần người có vòng eo dưới 66cm. Chỉ số eo/hông từ 0,86 trở lên tăng 40% nguy cơ bị sỏi mật so với người có chỉ số dưới 0,7.
Nguyên nhân gây ra sỏi mật được nhiều tác giả cho rằng trong bệnh viêm túi mật mạn tính, sỏi mật phát sinh ra là do cholesterol, ngoài ra còn do ứ đọng mật và nhiễm khuẩn túi mật, trong đó yếu tố chủ yếu là do giun.
Hiện tượng táo bón đã tạo ra cơ hội cho vi khuẩn đường ruột phát triển dẫn đến viêm tá tràng, túi mật và ống mật, do đó làm cho mật dễ lắng xuống thành sỏi.
Người bị sỏi mật cần chế độ ăn giàu đạm, ít mỡ, nhiều rau quả.
Sỏi mật được chia làm hai loại
Sỏi sắc tố mật (chủ yếu là bilirubinat canxi): ít gặp.
Sỏi cholesterol: Hay đi đôi với việc có cholesterol cao trong máu. Nhưng cholesterol dễ gây sỏi nếu nó có các chất béo khác kèm theo và nó thường gắn liền với tình trạng béo phì. Thống kê tại một bệnh viện Trung ương cho thấy có 20/48 trường hợp sỏi mật là do béo phì (41,67%).
Dinh dưỡng cho người sỏi mật
Trước hết phải điều trị các nguyên nhân gây bệnh: nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
Chế độ ăn phải giảm mỡ: các chất mỡ ảnh hưởng tới chức năng gan, mật. Nhiều mỡ làm cho mật xuống ruột không điều hòa, kích thích túi mật co bóp quá mạnh. Cần hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol như phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng...
Chế độ ăn tăng đạm: để chống thoái hóa mỡ tế bào gan. Chất cholin có thể chống lại sự xâm nhập mỡ vào gan gây ra bởi chế độ thiếu đạm. Methionin là một axit amin thiết yếu có nhiều trong các chất đạm (casein) của sữa giúp cho sự tổng hợp cholin. Cholin và methionin được gọi là các chất tiền mỡ (lipotrope) vì nó có tác dụng chuyển các chất béo từ gan đến các kho dự trữ mỡ ở dưới da.
Tăng glucid: Bình thường một phần glucid của chế độ ăn được dự trữ trong gan dưới dạng glycogen, chức năng chuyển hóa và dự trữ glycogen giúp gan phát huy được vai trò giải độc. Khi gan bị tổn thương thì glycogen bị giảm đi. Phải tăng glucid trong chế độ ăn để tăng dự trữ glycogen, giảm sự xâm nhập mỡ vào gan.
Tăng các loại vitamin, nhất là các vitamin tan trong dầu A, D, E, K.
Uống đủ nước và hạn chế muối dưới 6g/ngày.
Thực phẩm nên dùng
Thức ăn giàu đạm: thịt nạc, cá nước ngọt, sữa tách bơ (rất giàu cholin), đậu đỗ cần nấu nhừ, đậu phụ, trứng gà tươi 1-2 quả/tuần. Nên chế biến các món luộc, hấp, hạn chế xào, rán. Không ăn phủ tạng động vật như gan, tim, bầu dục...
Thức ăn giàu glucid, dễ tiêu lại không ảnh hưởng đến mật như ngũ cốc, khoai củ...
Thức ăn giàu vitamin và muối khoáng: rau tươi hàng ngày khoảng 400-500g và các loại rau quả tươi có nhiều đường fructose dễ hấp thu.
Bánh mỳ: 100g
Sữa tách bơ: 200ml
Gạo tẻ: 300g
Thịt nạc: 120g
Dầu: 20g
Su hào: 200g
Cải bắp: 200g
Đậu phụ: 100g
Chuối: 150g
Giá trị dinh dưỡng: đạm (protid): 70g, mỡ (lipid) 36g, đường bột (glucid) 350g, năng lượng 2.200 kcalo.