Những ngày gần đây, cuộc đối đầu giữa Nga và NATO ở khu vực Bắc Cực đang tạo ra một điểm nóng mới khiến thế giới vốn đã căng thẳng, càng căng thẳng hơn.
Vùng tiềm năng to lớn
Không chỉ chiếm giữ vị thế địa chính trị quan trọng, Bắc Băng Dương là vùng biển đầy tiềm năng về kinh tế. Năm 1991, Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) được mở cho vận chuyển quốc tế. Tuy nhiên, chỉ 15 năm sau, do băng tan ở Bắc Cực, tuyến đường này bắt đầu thu hút hàng loạt các công ty nước ngoài.
Lợi ích của việc sử dụng NSR cho vận chuyển hàng hóa quá cảnh là tiết kiệm nhiên liệu; Giảm thời gian của chuyến đi giúp chi phí của nhân viên và giá vận chuyển hàng hóa giảm theo; Không có khoản thanh toán nào cho việc đi lại của tàu (không giống như Kênh đào Suez); Không có hàng đợi (như trường hợp của Kênh Suez); Không có nguy cơ bị cướp biển tấn công.
Vào năm 2012, các chuyên gia cho rằng lưu lượng vận chuyển hàng hóa qua NSR từ 2012 - 2019 có thể tăng lên 10 lần, và 20 lần trong tương lai (lên 50 triệu tấn mỗi năm). Số phận của NSR phần lớn phụ thuộc vào khả năng khai thác tài nguyên khoáng sản trong khu vực của nó.
Khu vực Bắc Cực của Nga là nơi có các mỏ giàu niken, đồng, than, vàng, uranium, vonfram và kim cương. Dự trữ khí khá lớn đã được tìm thấy và đang được khai thác ở khu vực gần Bắc Cực.
Theo ước tính của Tổng thống Nga V. Putin, tổng giá trị khoáng sản tập trung ở khu vực Bắc Cực của Nga là khoảng 30 nghìn tỷ USD. Điều này giải thích lý do tại sao Nga coi Bắc Cực là của riêng mình và đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng độc quyền NSR.
Kể từ năm 2019, các nhân viên quân sự nước ngoài phải thông báo cho Nga về kế hoạch đi qua Tuyến đường biển phía Bắc trước 45 ngày, đưa thanh sát viên của Nga lên tàu và báo tên, thông số chính của tàu cũng như cấp bậc quân sự và họ tên của thuyền trưởng.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Băng tan, Biển Bắc trở thành con đường vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Ảnh: Pixabay.com
Theo trang mạng Sohu, một trong những nguyên tắc của Hoa Kỳ và các nước NATO ở Bắc Băng Dương là phản đối luật pháp của nhà nước Nga. Theo các nước này, chiểu theo điều 234 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển thì quyết định của Nga ở vùng biển Bắc Cực là quá tiêu cực.
Tuy nhiên, Nga cho rằng NSR chạy trong vùng lãnh hải của mình, vì vậy quyền tự do hàng hải truyền thống không được áp dụng ở đây. Ngược lại, nước này đã áp dụng một số luật thực tế để loại trừ quyền tự do hàng hải, hạn chế công việc xây dựng, điều hướng hàng hải và yêu cầu cấp phép.
Cần lưu ý rằng những luật này rất giống với luật của Canada - dựa vào Điều 234 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, Canada đã thiết lập luật hạn chế quá cảnh tàu thuyền trong vùng biển Bắc Cực.
Tất cả những yếu tố trên quyết định sự khởi đầu của một cuộc cạnh tranh mới ở Bắc Cực giữa Nga và Mỹ. Thời gian gần đây, Tổng thống Trump liên tục thu hút sự chú ý về tầm quan trọng của phần hành tinh này đối với Mỹ, đôi khi có những tuyên bố gây sốc.
Còn nhớ, vào tháng 8/2019, ông Donald Trump tuyên bố rằng Mỹ đã sẵn sàng mua đảo Greenland từ Đan Mạch vì "Copenhagen rất tốn kém trong việc duy trì lãnh thổ này". Mỹ đã nối lại tuần tra Biển Barents. Những hành động này được xem như một bằng chứng chưa từng thấy về biểu dương sức mạnh của Mỹ và đồng minh NATO kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Thực tế là hải quân Mỹ đang chuẩn bị tiến hành một chiến dịch để bảo đảm tự do hàng hải ở Bắc Cực, điều này sẽ đe dọa đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Nga.
Tuy nhiên, Matxcơva coi phần lớn Biển Barents là một phần của lãnh hải của mình, họ tuyên bố thẳng với người Mỹ và cộng đồng quốc tế rằng Nga sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia. Với những rủi ro liên quan, nếu Mỹ tìm cách tích cực hơn để mở rộng các vị trí quân sự ở Bắc Cực, có khả năng xảy ra xung đột giữa Washington và Matxcơva.
Kể từ năm 1983, Hải quân Mỹ đã tiến hành hơn 400 hoạt động để bảo đảm tự do hàng hải, nhằm thách thức các yêu sách quá mức của Nga. Những người ủng hộ việc mở rộng tự do hàng hải ở Bắc Cực tin rằng các cuộc tập trận như vậy là điều kiện tiên quyết để đối đầu với sự thống trị của Nga trong khu vực.
Theo tờ Nezavisimaya Gazeta, ngày 9/6, ông Donald Trump đã ký một bản ghi nhớ về việc thành lập hạm đội tàu phá băng siêu mạnh của Mỹ. Tài liệu này nêu rõ:
"Để bảo vệ lợi ích của chính mình và các đồng minh, Mỹ cần một hạm đội phá băng siêu mạnh, có thể hoạt động vào năm tài chính 2029. Bản ghi nhớ quy định về việc tạo ra ít nhất một số căn cứ địa cực vĩnh viễn (2 ở trong nước và 2 ở nước ngoài)."
Từ năm 2012, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Hải quân Mỹ đã khởi động chương trình Polar Security Cutter (tạm dịch là "Dao an toàn cực"), dự kiến sẽ chế tạo 6 tàu phá băng hạng nặng.
Chỉ trong tháng 1/2019, Cảnh sát biển Hoa Kỳ đã ký hợp đồng với VT Halter Marine để chế tạo chiếc đầu tiên trong số 6 tàu dự án - tàu phá băng chạy bằng diesel. Theo các nguồn tin, số tiền của hợp đồng này lên tới 745 triệu USD, dự kiến khởi công vào năm 2021 và kết thúc vào năm 2024.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương của Liên minh quân sự chuyên nghiệp toàn Nga Oleg Shvedkov, người đã phục vụ lâu năm trên các tàu ngầm của Hạm đội phương Bắc:
"Thế giới đang trở lại thời Chiến tranh Lạnh. Cuộc đối đầu giữa NATO và Nga đang gia tăng, kể cả ở khu vực Bắc Cực. Rõ ràng, liên minh đã quyết định sự hiện diện quân sự thường trực gần biên giới Bắc Cực của Nga. Điều này khiến Hạm đội phương Bắc của Nga luôn căng thẳng".
Cũng theo lời Oleg Shverkov, trong tương lai gần, theo sau tàu khu trục Pháp, tàu chiến của các quốc gia NATO khác sẽ thường xuyên xuất hiện gần NSR. Để đáp trả, Nga sẽ tiếp tục tăng cường khả năng quân sự của mình nhằm bảo đảm an ninh cho khu vực Bắc Cực.
Nghị định ngày 5/6 của Tổng thống Nga V. Putin về thành lập bộ phận hành chính - quân sự mới của Nga ở miền Bắc mà nòng cốt là Hạm đội phương Bắc là một bước đi theo hướng này.
Từ đây, Hạm đội phương Bắc sẽ chịu trách nhiệm không chỉ về phòng thủ trên biển mà còn trên đất liền tại các lãnh thổ của Cộng hòa Komi, vùng Arkhangelsk và Murmansk, cũng như Nrets Autonomous Okrug- Oleg Shverkov nhấn mạnh.
Trao đổi với Nezavisimaya Gazeta, Trung tướng Yuri Netkachev khẳng định: "Trao cho Hạm đội phương Bắc vị thế của một đơn vị hành chính quân sự riêng biệt sẽ góp phần giải quyết các vấn đề quốc phòng theo hướng chiến lược Bắc Cực".
Khí hậu nóng lên, cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát ở Biển Bắc cũng nóng lên.