Apple tái đẩy mạnh việc chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc
Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin cho biết 3-4 triệu chiếc AirPods, tương đương khoảng 30% tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới, sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong quý 2/2020. Tuy nhiên, việc dịch chuyển sản xuất này chưa bao gồm những chiếc AirPods Pro, phiên bản cao cấp với tính năng khử ồn mà Táo khuyết giới thiệu hồi năm ngoái.
Hiện tại, phần lớn những chiếc AirPods đều có xuất xứ Trung Quốc mặc dù một số thiết bị điện tử đeo Made in China đang bị Chính quyền Tổng thống Trump áp thuế. Một chiếc AirPods thông thường có giá 159 USD trong khi AirPods Pro có giá 249 USD. Tuy nhiên, các sản phẩm chủ chốt của Apple như iPhone và MacBook chưa nằm trong diện bị đánh thuế và vẫn được lắp ráp chủ yếu ở Trung Quốc.
"Việc sản xuất hàng loạt AirPods ở Việt Nam có thể đã bắt đầu từ hồi tháng 3. Các chuyên gia làm việc cho một nhà cung ứng của Apple thậm chí còn được nhà chức trách Việt Nam cho phép nhập cảnh trong thời điểm các biện pháp kiểm soát Covid-19 được áp dụng trên quy mô toàn quốc", Nikkei Asian Review dẫn nguồn thạo tin cho biết.
Động thái mới của Apple cho thấy Táo khuyết đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc. Hồi tháng 1, sau khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Apple đã làm chậm nỗ lực chuyển các nhà máy sản xuất khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 của thế giới. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 như một lời nhắc bổ sung cho Táo khuyết về việc đặt hết trứng vào giỏ Trung Quốc.
"Dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ là xu hướng không thể đảo ngược. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ sẽ cần dần dần tìm kiếm các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Hầu hết các công ty Mỹ, bao gồm Apple, đang tìm kiếm các cơ sở sản xuất ở những quốc gia khác. Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ hay một số nước châu Mỹ và Đông Nam Á đang trở thành những điểm đến ưa chuộng", lãnh đạo một chuỗi cung ứng chia sẻ với Nikkei.
AirPods là mặt hàng tăng trưởng nhanh trong danh mục sản phẩm phần cứng của Apple. Đây cũng là loại tai nghe không dây bán chạy nhất thế giới. Năm ngoái, sản phẩm này chiếm 50% thị trường toàn cầu với 65 triệu cặp tai nghe đã được bán. Một số công ty nghiên cứu nhu cầu với sản phẩm này có thể lên tới 100 triệu cặp trong năm 2020.
Hiện tại, Apple từ chối bình luận về thông tin sản xuất AirPods tại Việt Nam. GoerTek và Luxshare, hai nhà lắp ráp AirPods cho Apple, cũng từ chối lên tiếng.
Mô hình Trung Quốc cộng 1, 2, 3... sẽ lên ngôi
Trước đó, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp đánh giá các kế hoạch chuyển 15-30% sản lượng phần cứng của họ khỏi Trung Quốc ở thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đạt đỉnh trong năm ngoái. GoerTek, nhà cung ứng lắp ráp AirPods cho Apple đã bắt đầu chuyển sản xuất sang Việt Nam từ tháng 10/2018 và bắt đầu thử nghiệm vào mùa hè năm ngoái.
Luxshare Precision Industry, còn được gọi là Luxshare-ICT, đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam năm ngoái và thông qua Apple trong việc sản xuất tai nghe tại các nhà máy ở Việt Nam. Inventec, một nhà lắp ráp AirPods khác, hiện đang xây dựng một nhà máy ở Việt Nam theo yêu cầu của Apple, một nguồn thạo tin cho biết.
Apple đang dần hình thành một chuỗi cung ứng âm thanh hoàn chỉnh hơn ở miền bắc Việt Nam, nơi từ lâu đã sản xuất các loại tai nghe có dây truyền thống cho gã khổng lồ công nghệ xứ Cupertino. Trong khi đó, nhà cung cấp linh kiện âm thanh cho Táo khuyết, Merry Electronics, đang hợp tác với Luxshare để chuẩn bị một cơ sở sản xuất ở Việt Nam. Dự kiến, nó sẽ hoạt động vào mùa hè này.
Trong khi đó, nhiều nhà cung ứng chính của Apple, bao gồm hai nhà sản xuất iPhone lớn là Foxconn và Pegatron và nhà sản xuất iPad Compal Electronics cũng đang mở rộng sản xuất tại các nhà máy ở miền bắc Việt Nam. Tuy nhiên, có thể họ sẽ không nhất thiết phải sản xuất các sản phẩm cho Apple ở các nhà máy này mà có thể phục vụ Google và Amazon trong quá trình đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc.
Willy Shih, giáo sư thực hành quản lý tại Trường Kinh doanh Harvard, nói rằng đại dịch toàn cầu sẽ buộc nhiều công ty công nghệ phải có cái nhìn khác về sự liên tục của chuỗi cung ứng. Việc đặt tất cả trứng vào một giỏ có thể gây ra sự gián đoạn không thể lường trước mà Covid-19 là ví dụ điển hình.
"Cho đến nay, về mặt chuỗi cung ứng công nghệ, Trung Quốc thực sự là nước có hạ tầng tốt nhất, giao thông thuận lợi nhất, công nhân lành nghề cũng như công tác hậu cần hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn sẽ thấy sự đa dạng hóa hơn nữa trong những năm tới. Chắc chắn ngành công nghiệp điện tử sẽ tham gia quá trình này bởi họ nhận ra tầm quan trọng của đa dạng hóa sản xuất", Giáo sư Shih cho hay.
Theo quan điểm của vị Giáo sư trường Kinh doanh Harvard, các công ty lớn sẽ áp dụng mô hình Trung Quốc cộng 1, Trung Quốc cộng 2 hoặc Trung Quốc cộng 3 trong dài hạn. Việc sản xuất ở các quốc gia khác sẽ góp phần đảm bảo sự liên tục trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận tiếp tục thực hiện Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tuy nhiên, với những khác biệt của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương lai mối quan hệ này được xem là rất khó đoán định, nhất là khi Chính quyền Trump vẫn đổ lỗi cho Trung Quốc che giấu đại dịch Covid-19, khiến Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất toàn cầu.