'Tứ kiệt trời Âu' và các kỷ lục đấu giá
Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu là bốn trong số những họa sĩ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương. Họ là những học trò xuất sắc nhất của trường.
Danh họa Mai Trung Thứ được coi là người vẽ giỏi nhất khóa I (1925-1930). Danh họa Lê Phổ là học trò “cưng” của giáo sư Tardieu - Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Đông Dương, thường tháp tùng ông sang Pháp. Danh họa Vũ Cao Đàm đỗ thủ khoa điêu khắc khóa II (1926-1931) còn danh họa Lê Thị Lựu là thủ khoa hội họa khóa III (1927-1932).
Bộ tứ danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm (từ trái qua phải).
Dấu ấn của những bức tranh Việt được gõ búa triệu USD gắn liền với tên tuổi của bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm. Lê Phổ là họa sĩ Việt đầu tiên có tranh cán mốc 1 triệu USD. Cho tới thời điểm này, Lê Phổ vẫn nắm giữ kỷ lục có nhiều tác phẩm triệu USD trên sàn đấu giá công khai .
Những sinh viên đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương.
Ba năm trở lại đây tranh của danh họa Việt được bán với giá cao trên các sàn đấu giá uy tín, tầm cỡ quốc tế. Đây là tin vui đối với nền mỹ thuật Việt Nam. Cuối tháng 10 vừa qua, phiên đấu giá của Sotheby's Paris mang tên Tráng lệ và vương giả đã giới thiệu 16 tác phẩm nghệ thuật và cổ vật của Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc - cháu 5 đời của vua Minh Mạng.
Kết quả, tranh lụa Uyên ương hý liên vẽ đôi vịt dưới hồ sen của danh họa Lê Phổ dẫn đầu phiên với mức giá gõ búa 1,2 triệu euro (tương đương 31 tỷ đồng). Con số này vượt xa ước tính ban đầu (300-500 nghìn euro).
Chân dung cô Phương của danh họa Mai Trung Thứ được bán với giá 3,1 triệu USD (hơn 72,7 tỷ đồng).
Kỷ lục đấu giá của tranh Việt thuộc về bức Chân dung cô Phương của danh họa Mai Trung Thứ, với giá gõ búa 3,1 triệu USD (hơn 72,7 tỷ đồng). Trong phiên đấu giá diễn ra đầu năm 2023 của Sotheby's Hong Kong (Trung Quốc), bức Gia đình trong vườn của danh họa Lê Phổ được gõ búa với giá 2,37 triệu USD (hơn 55 tỷ đồng).
Một bức tranh khác của Lê Phổ cũng nằm trong danh mục triệu USD là Dáng hình trong vườn - tác phẩm sơn dầu trên toan bồi trên gỗ. Dáng hình trong vườn có giá 2,29 triệu USD (hơn 53 tỷ đồng), được đấu giá năm 2022.
Chờ vượt ngưỡng 10 triệu USD
Bất chấp những biến động của thị trường kinh tế, tranh Đông Dương vẫn có sức hút mạnh mẽ, được gõ búa ở những mức giá cao. Nhà nghiên cứu - giám tuyển mỹ thuật Lý Đợi nhận định rằng với những người có thú chơi tranh nhiều tiền, biến động kinh tế trước mắt không ảnh hưởng nhiều đến họ.
"Tranh Đông Dương hay tranh Việt Nam nói riêng sẽ còn tăng giá dài dài. Những bức tranh vượt qua cột mốc 5 triệu USD sẽ thấy trong tương lai gần, chỉ cần 5-7 năm nữa. Nhìn xa hơn, khi Việt Nam có đến thế hệ sưu tập thứ 10 (hiện nay đang là thứ 6), sẽ có vài tranh Việt vượt ngưỡng 10 triệu USD và hơn thế nữa", ông Lý Đợi nói với Tiền Phong .
Hai bức tranh được đấu giá trên 2 triệu USD của danh họa Lê Phổ.
Nhà giám tuyển Ace Lê - Giám đốc Điều hành của Sotheby's tại thị trường Việt Nam - cho biết sau một thời gian dài tăng trưởng mạnh mẽ, đây là giai đoạn cần thiết để thị trường điều chỉnh và ổn định lại, tạo cơ hội phân biệt rõ các tác phẩm nào có giá trị lâu dài, các tác phẩm nào chỉ là sản phẩm của làn sóng nhất thời.
"Chắc chắn sẽ vẫn có những kỷ lục triệu USD xuất hiện trong tương lai gần, với điều kiện chúng phải hội tụ đủ các yếu tố: tầm quan trọng về mỹ thuật, về lịch sử, hiện trạng tốt, lai lịch mạnh...", ông Ace Lê nói.
Trong tương lai gần ông Ace Lê nhận định nhóm danh họa Đông Dương sẽ vẫn nằm trong nhóm tạo kỷ lục giá. Chừng 10, 20 năm nữa khi đã có đủ khoảng lùi, việc xuất hiện những tên tuổi mới là xu thế tất nhiên. Có rất nhiều danh họa quan trọng không kém lứa Phổ - Thứ - Lựu - Đàm nhưng chưa được chú ý xứng đáng, sẽ dần dần lộ diện trong thời gian tới.
Lý giải sức hút của tranh Đông Dương ở các phiên đấu giá quốc tế, nhà phê bình Lý Đợi khẳng định tranh Đông Dương có giá cao vì ngày càng khan hiếm. Giá trị thanh khoản và lợi nhuận luôn tăng cao. Bên cạnh tính phổ quát, các tác phẩm mỹ thuật Đông Dương cũng có mặt rất sớm ở các hội chợ, nhà đấu giá, sớm được sưu tập, mua đi bán lại, nên càng hấp dẫn.
Tranh Đông Dương có giá cao vì ngày càng khan hiếm.
"Cuối cùng, sức hút nằm ở tính lịch sử, vì nó gắn với thời kỳ đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, để lại dấu ấn, sức ảnh hưởng lên nhiều thế hệ họa sĩ, giảng viên, nhà nghiên cứu, phê bình... Nói chung họ đặt nền móng cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam", ông Lý Đợi phân tích.