Tranh cãi về quyết định của chính quyền Mỹ với phong trào Houthi tại Yemen

Phạm Huân, Tuấn Nguyễn |

Chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đưa ra quyết định lật ngược lại chính sách của người tiền nhiệm đối với một trong những điểm nóng hàng đầu tại Trung Đông là Yemen.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: BBC

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: BBC

Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây thu hồi quyết định liệt Houthi vào danh sách khủng bố, Bộ Tài chính Mỹ cũng vừa thông báo đưa phong trào này khỏi danh sách trừng phạt. Động thái này cho thấy nỗ lực của Mỹ nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Yemen. Tuy nhiên, bước đi này lại đang vấp phải những ý kiến trái chiều.

Phản ứng trái chiều

Ngay từ khi tiếp nhận chuyển giao quyền lực, chính quyền tân Tổng thống Joe Biden đã có động thái xem xét lại các chính sách từ thời chính quyền tiền nhiệm, trong đó có vấn đề khủng hoảng Yemen. Ngày 12/2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định hủy bỏ việc chỉ định lực lượng phiến quân Houthi thân Iran vào danh sách các nhóm khủng bố nước ngoài và quyết định này đã chính thức có hiệu lực từ hôm 16/2 vừa qua.

Quyết định của chính quyền Mỹ đã ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân đạo và nhóm Houthi. Liên Hợp Quốc hy vọng động thái tích cực trên sẽ đóng góp cho giải pháp chính trị chấm dứt xung đột dai dẳng tại Yemen. Những người ủng hộ quyết định trên cho rằng việc chính quyền Mỹ loại nhóm Houthi ra khỏi khỏi danh sách các tổ chức khủng bố, để qua đó không làm cản trở các nỗ lực viện trợ nhân đạo tới người dân Yemen, vốn đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới trong vòng 40 năm qua.

Trong năm 2020, Mỹ chính là quốc gia viện trợ nhân đạo lớn nhất cho Yemen với số tiền lên tới 630 triệu USD. Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ nhận thấy đã đến lúc phải chấm dứt xung đột và ngoại giao là giải pháp duy nhất khi giải pháp quân sự tỏ ra bế tắc, không giải quyết được gốc rễ của cuộc xung đột Yemen kéo dài gần 6 năm qua.

Tuy nhiên, quyết định của Mỹ lại không làm hài lòng các đồng minh Arab vốn ủng hộ mạnh mẽ việc đưa nhóm Houthi vào danh sách khủng bố nước ngoài và có quan điểm cứng rắn đối với nhóm này. Chính quyền Yemen lo ngại quyết định của Mỹ sẽ gửi đi những thông điệp sai lầm tới nhóm Houthi và đằng sau đó là Iran để tiếp tục theo đuổi những chính sách gây leo thang, bất ổn trong khu vực mà không chịu bất cứ sự trừng phạt nào. Saudi Arabia và các nước trong liên minh Arab đang cố gắng thuyết phục rằng quyết định của Mỹ sẽ không có tác động thay đổi các hành động khủng bố của nhóm Houthi, ngược lại nhóm này sẽ tiếp tục tấn công gây tổn hại tới lợi ích của các nước trong liên minh Arab.

Để xoa dịu mối lo ngại này, Mỹ một mặt cam kết đảm bảo an ninh và bảo vệ lợi ích của các đối tác khu vực, một mặt tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt đối với các thủ lĩnh của nhóm Houthi, đồng thời tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động của nhóm phiến quân và gia tăng sức ép nếu tiếp tục có các hành vi khiêu khích.

Triển vọng cho cuộc khủng hoảng Yemen

So với chính quyền tiền nhiệm, chính quyền Mỹ dưới thời tân Tổng thống Joe Biden đã có thay đổi lớn trong cách tiếp cận vấn đề Yemen khi đề ra chính sách mang tính cân bằng, bớt gây căng thẳng hơn. Có thể thấy, đây chính là cách tiếp cận truyền thống của đảng Dân chủ đối với các vấn đề ở khu vực Trung Đông mà chính quyền Joe Biden tiếp tục kế thừa.

Với tư cách là một cựu Thượng nghị sỹ Dân chủ và cựu Phó Tổng thống trong chính quyền Obama, ông Joe Biden biết rằng điều quan trọng nhất đối với khu vực là chấm dứt chiến tranh, xây dựng nền hòa bình và ổn định. Quan điểm này được chính quyền Mỹ thể hiện rõ khi nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự tham gia mang tính xây dựng của tất cả các bên, bao gồm các phe phái ở Yemen, các đối tác, đồng minh trong và ngoài khu vực vào tiến trình chính trị do Liên Hợp Quốc lãnh đạo; đồng thời Mỹ đã bổ nhiệm ông Tim Lenderking, một quan chức ngoại giao có kinh nghiệm lâu năm và có quan hệ tốt với giới ngoại giao khu vực làm đặc phái viên tại Yemen để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao.

Với ý nghĩa đó, dư luận khu vực và quốc tế có thể lạc quan hy vọng vào chính sách mới của chính quyền Mỹ có thể làm giảm nhiệt căng thẳng và thúc đẩy các bên ngồi vào bàn đàm phán. Bản chất cuộc xung đột tại Yemen mang tính chất phức tạp và là cuộc chiến ủy nhiệm giữa hai cường quốc lớn nhất trong khu vực là Iran và Saudi Arabia.

Sau gần 6 năm phát động cuộc chiến, liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu không thể khuất phục được nhóm Houthi được Iran hậu thuẫn, ngược lại nhóm này đang mở rộng quyền kiểm soát các khu vực, nơi có tới 70-80% dân số Yemen sinh sống, đồng thời phát động nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình vào sâu trong lãnh thổ Saudi Arabia, gây thiệt hại lớn cho các cơ sở lọc dầu, sân bay và các công trình dân sự. Do vậy, động thái mới của Mỹ sẽ góp phần tạo thêm động lực cho giải pháp ngoại giao, mở ra lối thoát cho các đồng minh Arab tránh sa lầy vào một cuộc chiến tốn kém lâu dài.

Nhìn rộng hơn ra toàn khu vực, cách tiếp cận có phần nhượng bộ của chính quyền Mỹ được các chuyên gia đánh giá như một tín hiệu cho thấy quan điểm sẵn sàng “chìa cành ô liu” đối với Iran để hạ nhiệt căng thẳng, mở đường tiến tới một thỏa thuận lớn hơn với Iran liên quan tới vấn đề hạt nhân và các điểm nóng khác trong khu vực./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại