Iran thiếu sẵn sàng cho sự cố?
Kênh truyền hình Iran International dẫn lời một đội tìm kiếm cứu nạn trong vụ máy bay chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi rơi tiết lộ mảnh vỡ của chiếc trực thăng "đã phát nổ hoàn toàn và mọi thứ đều bị đốt cháy".
Họ cũng cho biết thi thể của ông Raisi và ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian ở gần nhau nhưng không được công khai vì "lý do an ninh".
Cũng theo kênh truyền hình này, hoạt động tìm kiếm kéo dài hơn 15 giờ và thành công nhờ sự hỗ trợ của máy bay không người lái có khả năng quan sát trong đêm do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh nguyên nhân của vụ tai nạn.
Mohammad Javad Zarif, cựu ngoại trưởng Iran, đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng vụ tai nạn là do lệnh trừng phạt của Mỹ đã hạn chế khả năng tiếp cận các bộ phận hàng không thiết yếu của Iran. Ông Zarif tuyên bố: "Một trong những thủ phạm đằng sau thảm kịch là Mỹ".
Chiếc trực thăng chở Tổng thống Raisin là trực thăng Bell của Mỹ từ những năm 1970.
Các quan chức Mỹ nhanh chóng bác bỏ cáo buộc này là "vô căn cứ".
Bộ trưởng Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ Abdulkadir Uraloglu cho biết còn quá sớm để bình luận về nguyên nhân vụ tai nạn, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy đây là một vụ tai nạn do thời tiết sương mù.
Tuy nhiên, truyền thông phương Tây đặt ra câu hỏi về các vấn đề liên quan đến vụ tai nạn này. CNN bình luận rằng vụ tai nạn cho thấy Iran thiếu sẵn sàng đối phó với thảm họa kiểu này.
Tranh cãi về việc nước nào phát hiện ra máy bay gặp nạn đầu tiên
Một trong số đó là thiếu công nghệ phù hợp. CNN lập luận rằng vào giữa đêm, trong khi hàng trăm binh lính, cảnh sát và thậm chí cả Quân đoàn Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ, lùng sục các đỉnh núi dốc và khe núi sâu nhưng chính là chiếc máy bay không người lái AKINCI của Thổ Nhĩ Kỳ, xác định được dấu vết của chiếc trực thăng gặp nạn đầu tiên.
Đối với một quốc gia sản xuất, sử dụng và xuất khẩu máy bay không người lái tầm xa nhưng dường như không có máy bay không người lái giám sát đơn giản có khả năng thực hiện công việc này.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cũng đã yêu cầu Nga cung cấp trực thăng có khả năng nhìn đêm.
Phản bác lại các lập luận này, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Iran đã chính thức bác bỏ tuyên bố rằng máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định được vị trí vụ tai nạn của chiếc trực thăng chở cố Tổng thống Ebrahim Raisi.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư 22/5, giới chức Iran khẳng định rằng "vị trí chính xác của vụ tai nạn máy bay trực thăng được xác định bởi các đội cứu hộ mặt đất và máy bay không người lái của lực lượng vũ trang Iran".
Iran khẳng định rằng do thiếu khả năng "phát hiện và kiểm soát điểm dưới đám mây", máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã không xác định chính xác địa điểm rơi và sau đó quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước các chỉ trích về điều kiện an toàn Nournews - một trang web từng liên kết với Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran - nhấn mạnh rằng chiếc trực thăng cũ do phi hành đoàn giàu kinh nghiệm chỉ huy và đã trải qua tất cả các cuộc kiểm tra. Đồng thời, các biện pháp an toàn cần thiết đã được thực hiện.
Tuy nhiên, "điều kiện thời tiết bất ngờ đã lấn át các dự báo dựa trên các giao thức kỹ thuật và an ninh", Nournews nói thêm.
Trong khi đó, Đại tá Steve Ganyard, một cựu phi công chiến đấu và cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, trả lời trên ABC News rằng đây dường như là một tai nạn khá kinh điển xảy ra khi phi công trực thăng cố gắng tránh thời tiết ở địa hình đồi núi. Các phi công trực thăng có xu hướng hạ độ cao và cố gắng bay thấp hơn, luồn xuống bên dưới sương mù hoặc lớp mây khi đang bay trên núi và có tầm nhìn rất thấp.
Nhưng nhiều khi điều này lại dẫn tới bi kịch. Vào đầu năm nay, một chiếc trực thăng của Thủy quân lục chiến Mỹ đã bị rơi khi đang cố gắng làm điều này. Và thật không may, tất cả Thủy quân lục chiến trên máy bay đều thiệt mạng.