Tranh cãi nảy lửa vụ tàu vỏ thép mới ra khơi đã hỏng

TẤN LỘC |

Đại diện hãng cung cấp máy tàu cá thừa nhận máy bị lỗi dẫn đến hư hỏng nhưng không chịu đổi máy mới cho ngư dân.

Sáng 26-5, Chi cục Thủy sản Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định tổ chức buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đại diện hãng máy tàu Doosan (Hàn Quốc), Công ty TNHH Ô tô Đông Hải - nhà phân phối chính thức của hãng máy Doosan tại Việt Nam để hướng dẫn các ngư dân chủ tàu vỏ thép sử dụng máy tàu.

Tuy nhiên, buổi gặp mặt trở thành cuộc tranh cãi nảy lửa kéo dài và không có kết quả.

Cuộc gặp gỡ kết thúc bằng tuyên bố của ngư dân Trần Đình Sơn (ngụ xã Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS, rằng: “Nếu không thay máy mới, tôi sẽ báo cáo các cơ quan chức năng, niêm phong tàu rồi trả lại cho công ty đóng tàu”.

Và sau đó ông Trần Đình Sơn cùng các ngư dân khác đồng loạt đứng lên rời khỏi phòng họp.

Thừa nhận máy bị lỗi nhưng không đổi máy mới

Ông Sơn cho biết chiếc tàu vỏ thép của ông do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng với giá gần 20 tỉ đồng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/2015 về một số chính sách phát triển thủy sản.

Riêng máy tàu được trang bị là loại máy chính hãng Doosan nhập khẩu nguyên thùng được mua với giá 2,7 tỉ đồng.

Thế nhưng từ khi Công ty TNHH MTV Nam Triệu bàn giao đến nay, tàu ông trong hai chuyến ra khơi gần đây liên tục bị hỏng máy khiến ông Sơn bị lỗ gần 200 triệu đồng.

Riêng chuyến thứ tư, máy tàu bị gãy trục chính khiến ông Sơn phải thuê hai tàu khác kéo về tốn hơn 100 triệu đồng.

Nhiều tháng qua tàu ông phải nằm bờ, không thể ra khơi. Khi trực tiếp kiểm tra tàu ông Sơn vào ngày 25-5, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đại diện hãng máy tàu Doosan (Hàn Quốc), Công ty TNHH Ô tô Đông Hải đều xác nhận tình trạng hư hỏng của máy tàu.

Ông Chulhe Jeong, trợ lý tổng giám đốc phụ trách sau bán hàng khu vực châu Á của hãng Doosan, thừa nhận máy tàu của ông Sơn bị lỗi.

Còn ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đông Hải, cho rằng đây là máy duy nhất bị lỗi trong 200 máy do công ty của ông nhập về để đóng tàu theo Nghị định 67.

Tranh cãi nảy lửa vụ tàu vỏ thép mới ra khơi đã hỏng - Ảnh 1.

Ngư dân và đơn vị cung cấp máy tàu tranh cãi nảy lửa. Ảnh: TẤN LỘC

Tuy nhiên, khi ông Sơn yêu cầu phải thay máy mới thì đại diện hãng Doosan không đồng ý. Ông Chulhe Jeong cho rằng chưa biết lỗi này do của hãng hay do… ngư dân nên chỉ thay phụ tùng.

Ông Hải dịch lại lời ông Chulhe Jeong nói rằng đây là “chính sách toàn cầu” của hãng Doosan và không thể đáp ứng yêu cầu “có tính chất địa phương” này.

Ông Sơn bất bình: “Máy mua mới 2,7 tỉ đồng, mới đi 15 ngày mà đã hỏng mấy lần, gãy cả trục chính thì ai dám đưa tàu này ra khơi lần nữa. Các ông thừa nhận máy bị lỗi nhưng sao chỉ thay phụ tùng?

Chất lượng máy như vậy ai dám giao sinh mạng 12 ngư dân cho con tàu!”. Trước sự bức xúc cao độ của nhiều chủ tàu, ông Hải nói không thể dịch để chuyển các yêu cầu của ngư dân đến đại diện hãng Doosan!

“Các ông đừng đổ lỗi cho ngư dân nữa”

Theo ông Nguyễn Đức Hưng (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định), chủ tàu BĐ 99479 TS, tại tỉnh này có gần 10 tàu vỏ thép sử dụng máy tàu của hãng Doosan thì có hai máy bị hỏng nặng.

“Công ty đóng tàu nói máy mới nhập nguyên thùng mà mới hai tháng ra khơi đã bị hỏng nặng. Công ty bảo cứ hư hỏng gì thì gọi cho họ chứ nếu ngư dân sửa chữa họ sẽ không chịu trách nhiệm.

Máy tàu bị hỏng giữa biển thì sóng điện thoại đâu mà gọi, gọi cho ai? Chẳng lẽ chúng tôi thả trôi tàu giữa biển chờ các ông ra khắc phục? Các ông có đảm bảo sinh mạng cho chúng tôi? Ai sẽ chịu những thiệt hại cả một chuyến biển, chi phí lai dắt tàu vào bờ cho chúng tôi?” - ông Hưng chất vấn các đơn vị cung cấp máy.

Trong khi đó, ông Bùi Thanh Hải cho rằng ngư dân đã tự cải tạo một số máy tàu nên nhà cung cấp không chịu trách nhiệm. Mặt khác, một số máy tàu hỏng là do bị… ngập nước.

Ông Lê Văn Minh (ngụ xã Cát Khánh), chủ tàu BĐ 99569 TS, nói: “Công ty đóng tàu bàn giao sao chúng tôi sử dụng vậy. Chúng tôi không hề cải tạo gì như mấy ông nói”.

Đáp lại, ông Hải cho rằng ông chưa biết việc cải tạo đó là do công ty đóng tàu lắp đặt hay do ngư dân hay do… vận chuyển. Ông Hải yêu cầu phải khắc phục, hoàn trả lại máy như ban đầu thì mới chịu trách nhiệm (?).

Ông Hải nói trước mắt công ty đóng tàu và bên cung cấp máy sẽ chịu chi phí sửa chữa các lỗi hư hỏng máy cho ngư dân. Tuy nhiên, các chủ tàu vẫn không chấp nhận.

“Các ông tìm hết cớ này đến cớ khác để đổ lỗi cho ngư dân. Các ông đổ thừa chúng tôi không biết sử dụng rồi lại đổ lỗi là do xăng dầu.

Các ông dựa vào tiêu chuẩn nào mà yêu cầu chúng tôi phải thay nhớt máy theo phẩm cấp Hàn Quốc? Máy mới nhập nguyên thùng mà không bằng máy mua ở Sài Gòn là sao? Các ông đừng đổ lỗi cho ngư dân nữa!” - ông Lê Ngô Hát (ngụ xã Cát Khánh), chủ tàu 99168 TS, uất ức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại