Chuyện xảy ra trong một tiệc cưới ở Giang Tô (Trung Quốc), chú rể và cô dâu (tạm gọi như vậy) đứng giữa sân khấu để mọi người chụp ảnh và ghi lại khoảnh khắc lãng mạn đẹp đẽ này.
Hai người xấu hổ khi bị nhiều người nhìn đến như vậy, khuôn mặt hiện lên sự non nớt và có phần sợ hãi.
Cặp đôi tuy nhìn còn trẻ nhưng vẫn rất coi trọng lễ đính hôn, chú rể mặc vest, còn cô dâu mặc váy đỏ truyền thống, cả hai đều trông rất trang trọng và nghiêm túc với buổi lễ này.
Lễ đính hôn được trang hoàng rất hoành tráng, hiển nhiên là cha mẹ hai bên đã đồng ý và ủng hộ cuộc hôn nhân này.
Điều thú vị là chú rể và cô dâu có vẻ rất ngại ngùng, chú rể chắp tay phía trước, không dám nắm tay cô dâu mặc cho nhiều người xung quanh đang hô hào.
Cô dâu nhỏ nhắn nhút nhát, núp sau lưng chú rể, lúc này hai người đều không biết phải làm sao. Cả hai người đều đứng rất nghiêm túc như thể mình đã phạm sai lầm.
“Thể hiện tình cảm!”, mọi người không khỏi nhắc nhở, nhưng cô dâu chú rể lại không biết phải làm sao mới đúng, họ không hiểu được điều này.
Được biết, cô dâu chú rể còn rất trẻ, chú rể mới 18 tuổi, cô dâu còn trẻ hơn, chỉ mới 17 tuổi và là trẻ vị thành niên.
Nhiều người không khỏi cảm thán, ở tuổi 17-18, đáng lẽ phải trong giai đoạn chạy nước rút để thi đại học, tại sao lại tổ chức lễ đính hôn vào lúc này.
Thật ra, xét theo pháp luật Trung Quốc, cô dâu và chú rể không thể kết hôn ở độ tuổi này, chưa đủ tuổi hợp pháp và không thể đăng ký kết hôn. Song, bọn họ chỉ mới đính hôn, chưa kết hôn, người ngoài có bất bình cũng không thể nói gì.
Đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội bởi người cô của cặp đôi trẻ vốn khoe hạnh phúc của cháu mình nhưng không ngờ lại gây tranh cãi không hề nhỏ.
Từ biểu hiện của cô dâu chú rể mới đính hôn, nhiều cư dân mạng cho rằng cặp đôi này được mai mối hoặc là kết quả từ lời cam kết nào đó của bậc trưởng bối, giống như đính ước từ trong bụng mẹ. Buổi đính hôn này suy cho cùng cũng chỉ là mong muốn của cha mẹ đôi bên mà thôi, vốn không hề xuất phát từ tình yêu.
“Hai bạn trẻ đang tuổi ăn tuổi học mà lại bắt chúng đính hôn, trói buộc nhau bởi cái gọi là hôn nhân. Vậy thì làm sao chúng biết theo đuổi sự tự do và tình yêu riêng?”.
“Đây chắc chắn là sự sắp đặt của bố mẹ. Họ thật ích kỷ, chỉ biết đến bản thân, nghĩ rằng làm như vậy là đúng, là mang đến hạnh phúc cho con, nhưng ở góc độ nào đó thì đang bắt con phải đi trên con đường chưa chắc chúng đã muốn”.
“Đây có thể là hệ lụy của tình trạng coi trọng sính lễ, cảm thấy đôi bên môn đăng hộ đối nên quyết định cho hai đứa con cùng tiến tới hôn nhân, định đoạt thay chúng”.
Song nhiều người cho rằng người ngoài cuộc không nên phán xét hay chỉ trích vì vốn chưa biết tường tận câu chuyện phía sau.
“Có thể hai em được sắp đặt về chung một nhà, nhưng chưa chắc kết hôn liền, đây chỉ mới đính hôn mà thôi. Có lẽ đợi cả hai học hành và có sự nghiệp rồi mới tiến tới hôn nhân. Mà đính hôn rồi hủy hôn cũng là chuyện thường thấy”.
“Cũng có thể hai em là thanh mai trúc mã, quen biết nhau từ nhỏ, bố mẹ thấy đẹp đôi nên cho hai con đính hôn sớm”.
Bạn nghĩ sao về buổi đính hôn này?
Nguồn: 163