Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đội ngũ nghệ sĩ Việt Nam nói chung, nghệ sĩ Hà Nội nói riêng gần như không có bất kỳ hoạt động nghệ thuật biểu diễn nào trong thời gian qua khiến cuộc sống gặp không ít khó khăn.
Ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong đó, có hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Mới đây, sở VH,TT Hà Nội đã công bố danh sách 99 viên chức hạng IV là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ của 6 Nhà hát trực thuộc Sở: Ca múa nhạc Thăng Long, Kịch Hà Nội, Chèo Hà Nội, Cải lương Hà Nội, Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long được hưởng khoản trợ cấp trong gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các viên chức hoạt động nghệ thuật gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Điều đáng nói là trong danh sách này, dàn diễn viên đình đám như: Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh. Đông Hùng... được hưởng gói hỗ trợ. Việc dàn diễn viên được cho là có thu nhập tốt vì thường xuyên "lên sóng" phim giờ vàng ngay sau đó đã vấp phải phản ứng của nhiều đồng nghiệp và khán giả.
Có người cho rằng, danh sách các nghệ sĩ được hỗ trợ khó khăn bị nhiều người băn khoăn vì trên thực tế thì họ không phải là những người gặp khó khăn tới mức phải nhận hỗ trợ. Vì nhiều người trong số họ vẫn kiếm được nguồn thu khá lớn từ việc đóng phim, quảng cáo, đại sứ thương hiệu và kinh doanh.
Diễn viên Thanh Hương.
Thậm chí, nhiều người còn chỉ ra rằng, khối tài sản mà các nghệ sĩ có tên trong danh sách được nhận hỗ trợ còn là mơ ước của nhiều người và họ xứng đáng được xếp vào hàng ngũ "người giàu" chứ không phải người nghèo.
Trong khi đó, nhiều nhân viên hậu đài như: âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật, đạo cụ, hành chính… thu nhập thấp hơn các nghệ sĩ có tên tuổi thì lại không nằm trong diện được nhận gói hỗ trợ này. Điều này khiến nhiều người cảm giác quy định bị cứng nhắc, thiếu sự linh hoạt và chưa thực sự công bằng.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, diễn viên Thanh Hương (nhà hát Kịch Hà Nội) cho hay: "Khi mới biết tin mình nằm trong danh sách được hỗ trợ do Covid-19, tôi cũng bất ngờ. Tôi có hỏi lại Nhà hát mới biết đây là gói hỗ trợ theo quy định của Chính phủ cho diễn viên hạng IV là diễn viên có bậc lương rất thấp, tôi thấy rất nhân văn.
Thật ra nghệ sĩ nhà hát lương rất thấp, đa số đều nghèo, nếu không làm thêm ở ngoài nên lúc này được hỗ trợ, quá là hạnh phúc. Tôi cũng biết có nhiều anh chị em khác khó khăn hơn, tôi sẵn sàng gửi lại nhà hát để dành cho các nghệ sĩ khó khăn hơn. Dù số tiền không quá lớn nhưng cũng làm ấm lòng nghệ sĩ".
Thanh Hương cho biết thêm: "Nhà hát Kịch Hà Nội có quỹ hỗ trợ nghệ sĩ, trong thời gian qua, công đoàn Nhà hát cũng có những hỗ trợ cho anh em nghệ sĩ khó khăn. Tôi hiếu mình nhận được sự giúp đỡ kia là quyền lợi của mình được hưởng, nhưng tôi sẽ nhường lại cho cho những người khó khăn hơn".
Diễn viên Ngọc Quỳnh cho chia sẻ: "Tôi đang là quân số của nhà hát Kịch Hà Nội, tôi có được nhận gói hỗ trợ 3.710.000 triệu đồng. Thực tế, tôi là một số diễn viên hạng IV là những người có mức lương thấp nhất cơ quan nên sự hỗ trợ này là đáng quý.
Hiện tại, tôi đang nhận mức lương là hơn 4 triệu đồng/tháng thì tôi không đủ lo cho hai con ăn học và lo cho bố mẹ.
Hai vợ chồng tôi phải bươn chải kinh doanh bên ngoài, nhưng do dịch bệnh mấy tháng nay, mọi thứ đều đóng băng. Và cũng may mắn, trong quá trình làm nghề cũng tiết kiệm nên bây giờ cuộc sống khôn quá khó khăn như những người khác".
Hồng Đăng đã nhường phần hỗ trợ của mình cho các nghệ sĩ khó khăn hơn.
"Soái ca" Hồng Đăng cũng có nhiều tâm tư về việc được hỗ trợ này. Anh cho hay, mình trân trọng các chính sách mà được hưởng nhưng anh đã gửi lại khoản tiền cho Nhà hát nơi anh công tác để chia sẻ với các nhân viên hậu đài.
Còn ca sĩ Đông Hùng - Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - cho biết: "Mấy tháng qua hoạt động nghệ thuật đóng băng, thu nhập của tôi bằng 0, gia đình có con nhỏ nên cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn. Số tiền nhận được rất đáng quý trong giai đoạn này".
Nói về danh sách nghệ sĩ được nhận hỗ trợ khó khăn, NSND Trung Hiếu - Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội cho hay: "Những nghệ sĩ được nhận tiền hỗ trợ lần này đều là những diễn viên hạng IV - hạng thấp nhất của Nhà hát.
Đúng là nhiều người chưa đến nỗi khó khăn quá để phải nhận hỗ trợ. Trong khi đó, nhiều anh em là các công tác hậu đài như: thiết kế, âm thanh, ánh sáng, phục trang, bảo vệ, hành chính… có đời sống khó khăn hơn thì lại không thuộc diện được nhận hỗ trợ.
Nhà hát cũng có những giúp đỡ riêng cho anh em làm hậu đài, đồng thời tôi đã gửi đơn lên Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để xem xét lại việc hỗ trợ cho đúng đối tượng. Hy vọng sự phân bổ sẽ được công bằng hơn, các nghệ sĩ khó khăn thật sự sẽ nhận được sự giúp đỡ xứng đáng".
Đạo diễn Quang Minh cho hay: "Tranh cãi làm gì, Hồng Đăng, Thanh Hương nhận trợ cấp đâu có sai? Họ nhận được tiền trợ cấp khó khăn là do quy định cụ thể của Chính phủ đối với các nghệ sĩ hạng IV. Mùa dịch, họ cũng không có show diễn, không có thu nhập và suốt gần 3 tháng nay không được lên sân khấu biểu diễn.
Có nên chăng là quy định nên "mềm dẻo" hơn một chút, để những người làm "hậu trường" của sân khấu như âm thanh, ánh sáng... cũng được những sự hỗ trợ nhất định. Nếu các nghệ sĩ có tên trong danh sách hỗ trợ thấy mình đã đủ đầy, nhường hỗ trợ cho đồng nghiệp khác thì tốt quá. Nhưng không nên chỉ trích, bỉ bai họ, vì đó là quyền lợi họ đáng được hưởng".
Theo Ngọc Quỳnh, một số diễn viên hạng IV là những người có mức lương thấp nhất cơ quan nên sợ hỗ trợ này là đáng quý.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Phạm Thị Mỹ Hoa - Phó Giám đốc sở VH,TT Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã làm đúng quy định của Nhà nước về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các nghệ sĩ trong danh sách được hưởng không sai, đó là quyền lợi của họ.
Mới đây, lãnh đạo các Nhà hát cũng làm đơn đề nghị ưu tiên giúp nghệ sĩ, nhân viên hậu đài như: thiết kế, âm thanh, ánh sáng, phục trang... có đời sống khó khăn hơn. Chúng tôi đang bàn bạc để tìm giải pháp nhằm hỗ trợ sát đối tượng nhất.
Trong dịch Covid-19 , nhiều nghệ sĩ đã không có thu nhập, nhiều người đã chuyển sang một số nghề khác để đảm bảo cuộc sống trong mùa dịch, chúng tôi thấu hiểu và đang lên phương án để có những quyết định đúng đắn nhất để hỗ trợ họ".