Câu chuyện tranh cãi giữa Android và iOS – đâu là hệ điều hành tốt hơn đã không còn quá mới. Nhưng với tư cách là nhà báo chuyên viết về công nghệ, đồng thời sử dụng cả iPhone lẫn điện thoại Android, cây bút David Nield của LifeHacker tin rằng mình sẽ có đánh giá công tâm nhất. Dưới đây là quan điểm của anh.
Cuộc tranh cãi không hồi kết
Chiếc iPhone đầu tiên được ra mắt vào ngày 9/1/2007, trong khi mẫu điện thoại Android đầu tiên (HTC Dream) xuất hiện vào ngày 23/9/2008. Kể từ đó, tranh cãi giữa Android và iOS đã trở thành chủ đề xuyên suốt trong thế giới điện thoại thông minh.
Đó là cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ, giống như Windows với macOS hay Coca-Cola với Pepsi. Cả hai hệ điều hành di động cũng được nâng cấp hàng năm, nên công chúng cũng luôn có những chuyện mới để nói.
Là nhà báo công nghệ, tôi không giống như người dùng điện thoại bình thường. Tôi dành nhiều thời gian để sử dụng cả Android (cụ thể là vào thời điểm hiện tại là Google Pixel 8) và iOS (iPhone 15 Pro Max). Tôi không chuyển từ nền tảng này sang nền tảng khác mà sử dụng cả hai thường xuyên và đều nhau.
Do đó, tôi có đủ kinh nghiệm về cả hai nền tảng khi sử dụng trong các hoạt động hàng ngày và chiếc điện thoại tôi sử dụng nhiều nhất — để nhắn tin cá nhân, mạng xã hội, duyệt web, âm nhạc, podcast và mọi thứ khác liên quan đến công việc — đều là Pixel 8.
Cần lưu ý rằng tôi không ghét iOS hay iPhone - tôi thực sự khá ngưỡng mộ sự kết hợp khéo léo giữa phần cứng và phần mềm mà Apple đã làm. Không phải bàn, iPhone 15 Pro Max là chiếc điện thoại thông minh tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi thích sử dụng Android hơn và đây là những lý do tại sao.
Android cung cấp nhiều tùy chỉnh hơn
Bạn sẽ thấy điều này được đề cập trong mọi so sánh giữa Android và iOS và đến hiện tại nó vẫn đúng. Bạn làm được nhiều việc hơn với Màn hình chính, Màn hình khóa và các biểu tượng ứng dụng trên Android, thậm chí thay đổi toàn bộ giao diện bằng một công cụ như Nova Launcher.
Ở mức độ nhất định, iOS đã bắt kịp nhưng các tùy chỉnh trên iPhone vẫn chưa toàn diện hoặc dễ sử dụng.
Màn hình chính trên Android còn có thể sử dụng ở chế độ ngang. Tôi thích kiểm soát từng pixel đối với giao diện điện thoại, cho dù đó là trên ứng dụng hay kéo dài các tiện ích (widget) theo mọi hướng.
Có tin đồn là iOS 18 sẽ cho phép tùy chỉnh màn hình chính theo hướng tự do hơn. Apple rõ ràng thừa nhận họ đang tụt hậu so với Google trong lĩnh vực này.
Tôi thấy màn hình chính iOS hiện tại và thư viện ứng dụng được thiết lập khá vụng về. Tại sao tôi không thể xem danh sách gồm tất cả các ứng dụng đã cài đặt?
Để tìm một ứng dụng không được ghim vào Màn hình chính, tôi phải vuốt đến tận màn hình cuối cùng, sau đó tìm ra danh mục nào Apple đặt vào trong đó.
Ứng dụng Google hoạt động ở mọi nơi
Tôi thấy bộ ứng dụng của Google hấp dẫn hơn nhiều so với của Apple. Khi nói đến Gmail so với Apple Mail, Google Docs so với Pages, Google Maps so với Apple Maps và Google Photos so với Apple Photos, tôi luôn chọn Google (mặc dù tôi rất yêu thích Apple Music).
Lý do riêng lẻ thì có rất nhiều nhưng về cơ bản các ứng dụng của Google rất nhanh, đáng tin cậy và quan trọng là tích hợp ở mọi nơi. Nếu tôi thuê một bộ phim từ Google, tôi biết phim đó sẽ phát trên hầu hết mọi thiết bị hiện có, khá dễ dàng - nhưng bạn đã thử để Apple TV chạy trên Android chưa? Đó sẽ là trải nghiệm khá lộn xộn.
Phải thừa nhận rằng đây là các ứng dụng, dịch vụ mà Google và Apple cung cấp riêng biệt cho từng nền tảng Android và iOS. Nhưng nếu dùng thử cả hai, bạn sẽ thấy cuộc sống dễ dàng hơn nhiều khi chọn Google. Chúng cũng hoạt động tốt nhất và được cập nhật nhanh hơn trên Android.
Ứng dụng có nhiều quyền kiểm soát hơn trên Android
Nói về ứng dụng, Android cho phép các nhà phát triển thâm nhập sâu vào hệ điều hành hơn so với iOS - điều mà Apple cho rằng khiến Android kém an toàn hơn.
Ví dụ như Tasker, cho phép bạn tạo tất cả các quy trình tự động trên điện thoại. Android là lựa chọn tốt hơn cho những người thích mày mò.
Do đó, có nhiều ứng dụng bạn có thể tìm thấy trên Android nhưng không tồn tại trên iOS, như ứng dụng kiểm tra tình trạng và mức sử dụng pin, chạy chẩn đoán mạng Wi-Fi, quản lý tệp trên điện thoại. Công bằng mà nói, nhiều người dùng cơ bản sẽ không cần đến thứ này nhưng tôi thì có.
Ngoài các ứng dụng riêng lẻ, trên Android, bạn có thể cài đặt nhiều phiên bản của cùng một ứng dụng, chạy hai ứng dụng cạnh nhau trên màn hình và thay đổi nhiều ứng dụng mặc định. Bạn thậm chí có thể cài đặt một ứng dụng khác để quản lý tin nhắn văn bản, điều mà tôi nghĩ sẽ không thể có trên iOS trong một thời gian dài.
Android cho cảm giác trực quan hơn
Điều này có thể một phần là do tại thời điểm hiện tại tôi đã quen với Android hơn, nhưng có một số tiện ích giúp việc sử dụng điện thoại Google dễ dàng hơn so với trên điện thoại Apple.
Cử chỉ quay lại một trường hợp điển hình. Chỉ cần vuốt một lần là quay lại màn hình trước đó. Tính năng này hoạt động trong một số ứng dụng trên iOS, nhưng không phải mọi ứng dụng và không nhất quán trên toàn bộ hệ thống.
Trên iPhone, tôi thường chạm vào nút quay lại cỡ nhỏ hoặc trình chuyển đổi ứng dụng, đôi khi là nhìn chằm chằm vào màn hình và bối rối.
Bên cạnh đó là thông báo. Đây một phần là sở thích cá nhân, nhưng tôi thích hệ thống Android hơn — bao gồm cả cách các thông báo chưa đọc xuất hiện trên thanh trạng thái và trên Màn hình khóa trên Android, thay vì biến mất khỏi Trung tâm thông báo trong iOS.
Việc mở rộng và loại bỏ thông báo cũng nhanh hơn trên Android.
Tất nhiên, nếu bạn đã sử dụng mọi chiếc iPhone kể từ chiếc iPhone đầu tiên và chưa bao giờ dùng thử Android, việc chuyển đổi có thể gây mất phương hướng và khiến bạn lại tìm về iOS.
Dẫu vậy, khi sử dụng cả hai, tôi cho rằng Android tốt hơn ở một số khía cạnh, đơn giản như việc bạn có thể thấy được báo thức trên Màn hình khóa mà không cần thêm tiện ích như trên iOS.