Tranh cãi chuyện "cho con học tiếng Anh sớm dẫn tới tiếng Việt kém", thầy giáo 9.0 IELTS nói gì?

Hiểu Đan |

Bà mẹ này đặt câu hỏi: Liệu có phải việc cho con tiếp xúc tiếng Anh từ nhỏ đã dẫn đến học tiếng Việt bị kém không?

Liệu trẻ em học tiếng Anh sớm có ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu tiếng Việt? Mới đây, một bà mẹ ở TP.HCM mang thắc mắc này lên một diễn đàn dành cho phụ huynh nhờ tư vấn. Được biết chị có con năm nay lên lớp 4 nhưng khả năng đọc viết tiếng Việt rất kém. Bé giao tiếp cũng không nhanh và hoạt ngôn như các bạn đồng trang lứa. Tiếng Anh thì lại nhanh nhạy hơn. Vì vậy, bà mẹ này đã đặt câu hỏi như trên.

Tranh cãi chuyện cho con học tiếng Anh sớm dẫn tới tiếng Việt kém, thầy giáo 9.0 IELTS nói gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ở phần bình luận, nhiều phụ huynh chia sẻ, họ cũng từng chứng kiến nhiều học sinh học tiếng Anh sớm dẫn tới gặp khó với chính ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhiều em phải giao tiếp với người thân, bạn bè thầy cô bằng tiếng Việt, học tập bằng tiếng Việt nhưng vốn từ khá ít, rất khó khăn khi diễn đạt. Điều này làm các em căng thẳng, nhút nhát, ít nói và học kém.

Không ít em gặp tình trạng rối loạn ngôn ngữ, tiếng Việt cũng không rành, tiếng Anh cũng không trôi và ngay trong gia đình, bố mẹ cũng không thể giao tiếp được với con cái.

Tuy nhiên, cũng có phụ huynh phản biện bằng chính trường hợp của con mình. Họ cho rằng, học tiếng Anh sớm không ảnh hưởng đến việc học tiếng Việt, bởi con họ học và nói tiếng Anh trước cả tiếng Việt mà đến 2,5 tuổi đã đọc tiếng Việt thành thạo.

Ở trường hợp này, bé đã học lớp 4, tức 10 tuổi nhưng vẫn không giao tiếp tiếng Việt trôi chảy không phải do học tiếng Anh mà do bé không được học và không có môi trường thực hành tiếng Việt đúng cách.

"Con tôi học tiếng Anh từ 2 tuổi, giờ cháu nói song ngữ Anh - Việt. Và cháu vẫn là học sinh giỏi môn Ngữ Văn ở trường, còn được đề nghị đi thi học sinh môn Văn thành phố. Vì vậy không thể đổ tại học tiếng Anh sớm được.

Cha mẹ phải đồng hành và bồi đắp cho con cái bằng vốn tiếng Việt phong phú qua các câu chuyện kể, qua việc đọc sách, tra từ điển học cách dùng từ. Nên dành thời gian hướng dẫn con thường xuyên tập chép, đọc sách và đọc cho con mình viết một đoạn văn. Chỉ có đọc nhiều mới có kết quả cho việc rèn luyện kĩ năng viết và viết đúng chính tả", một phụ huynh chia sẻ.

Học tiếng Anh sớm có ảnh hưởng tiếng Việt?

Nói về vấn đề gây tranh cãi này, thầy giáo Đặng Trần Tùng, người đạt được 9.0 cả 4 kỹ năng IELTS cho biết: Đầu tiên phải định nghĩa được thế nào là sớm?

20 năm trước đa phần học sinh bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh từ cấp 2, vậy bạn nào được học từ cấp 1 có thể gọi là học sớm. Bây giờ đa phần chương trình mẫu giáo đã có tiếng Anh, nên bạn nào tiếp xúc từ giai đoạn tiền mẫu giáo (từ 1 - 18 tháng tuổi hoặc thai giáo) sẽ được coi là sớm.

Tranh cãi chuyện cho con học tiếng Anh sớm dẫn tới tiếng Việt kém, thầy giáo 9.0 IELTS nói gì? - Ảnh 2.

Thầy giáo Đặng Trần Tùng

"Theo kinh nghiệm của mình, dù trẻ nhỏ tiếp xúc sớm tới đâu, nếu tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ và các bạn trẻ không sống trong một môi trường nơi tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng nhất, thì ảnh hưởng tiêu cực lên khả năng sử dụng tiếng Việt hầu như không có.

Đúng là có những bạn lựa chọn suy nghĩ bằng tiếng Anh và việc đó ảnh hưởng tới phản xạ/tốc độ xử lý tiếng Việt, nhưng vì dành quá nhiều thời gian bên cạnh gia đình, bạn bè là người nói tiếng Việt 100% nên xét về dài hạn vẫn không ảnh hưởng gì".

Độ tuổi nên cho con học tiếng Anh

Trước câu hỏi: Nếu tiếp xúc tiếng Anh sớm không ảnh hưởng đến sự tiếp thu tiếng Việt thì có nên cho con học càng sớm càng tốt hay không, thầy giáo Đặng Trần Tùng cho rằng: Gia đình vẫn nên ưu tiên cho con sử dụng tốt tiếng Việt trước, không có lý do gì bố mẹ nên tìm cách dạy con tiếng Anh từ quá sớm cả.

"Nếu chúng ta sợ bỏ lỡ "thời cơ vàng" để phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ, giúp các bạn tiếp thu tiếng Anh tự nhiên như tiếng Việt, thì cũng không cần phải cuống quá, vì các nghiên cứu chỉ ra rằng Language Acquisition Device (LAD) - khả năng tiếp thụ ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ - không mất đi khi chúng ta lớn lên", thầy Tùng nói.

Tranh cãi chuyện cho con học tiếng Anh sớm dẫn tới tiếng Việt kém, thầy giáo 9.0 IELTS nói gì? - Ảnh 3.

Thầy giáo Đỗ Cao Sang

Thầy giáo tiếng Anh Đỗ Cao Sang ở TP.HCM cũng nhận định, việc trẻ học tiếng Anh sớm có lợi hơn nhưng không đáng kể.

"Chẳng hạn, một cháu bé chăm chỉ cần mẫn, nỗ lực hết sức, có chút năng khiếu, có tư duy ngôn ngữ tốt thì học từ năm lớp 7, lớp 8 vẫn có kết quả tốt, vẫn đủ "vốn liếng" tiếng Anh để lên cấp 3 và chuẩn bị hành trang vào đại học.

Sự chênh lệch giữa một trẻ học tiếng Anh từ sớm và một trẻ học từ lứa tuổi lớp 7, lớp 8 (một cách đàng hoàng) thì không cách xa nhau bao nhiêu cả", thầy Sang nói.

Theo thầy Sang, độ tuổi trẻ nên học tiếng Anh, theo không quan trọng bằng "sự học liên tục", tiếp cận liên tục". Cách tuyệt vời nhất là bố mẹ cùng học, cùng đọc với con. Vừa tăng kiến thức, vừa gần gũi con và thêm gắn kết gia đình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại