Hỗ trợ tử vong là một hoạt động y tế hợp pháp tại một số nơi, ví dụ như các bang Oregon, Washington, Hawaii... của Mỹ. Nó được sử dụng cho các bệnh nhân đã không còn cách nào cứu chữa được nữa, và muốn ra đi sớm để khỏi phải chịu đựng những tháng ngày đau đớn cuối đời.
Hỗ trợ tử vong là lĩnh vực vấp phải nhiều mâu thuẫn đạo đức
Muốn chết sớm: Chuyện gian nan và lắm thủ tục hơn bạn nghĩ
Thực chất thì cái gọi là hỗ trợ tử vong được pháp luật cho phép cũng chỉ mới bắt đầu từ năm 1997. Không giống như các mảng y tế khác, lĩnh vực này gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Y học có vô số cách để cứu người. Các chuyên gia y tế cũng không ngừng nỗ lực để mỗi ngày càng tìm ra nhiều phương pháp chữa trị bệnh tật hơn nữa.
Nhưng giết người, cho dù đó là điều mà bệnh nhân muốn, thì lại là chuyện khác.
Không phải bất cứ bệnh nhân nào đòi chết cũng lập tức được các bác sĩ kê cho đơn thuốc gây tử vong. Để được trợ tử, họ phải được chẩn đoán là bệnh tình đã vào giai đoạn cuối, không thể sống quá 6 tháng.
Đối với trường hợp bệnh nhân không được tỉnh táo, có vấn đề về sức khỏe tâm thần, thì phải có 2 nhân chứng. Sau khi lên tiếng, người bệnh cũng cần viết đơn yêu cầu.
Trước khi xét duyệt đơn xin trợ tử, các bác sĩ cũng hết lòng an ủi, khuyến khích bệnh nhân giãi bày tâm sự. Họ sắp xếp các buổi tư vấn, điều trị trầm cảm đối với các trường hợp tinh thần bấn loạn để bệnh nhân có thể bình tâm, từ đó suy xét thêm.
Chỉ khi người bệnh một mực không rút lại nguyện vọng, bác sĩ phụ trách mới chuẩn bị thuốc trợ tử.
Đừng tin uống thuốc hỗ trợ tử vong xong là qua đời luôn
Xin đừng lầm lẫn rằng uống thuốc trợ tử xong cái là chết luôn. Dù mục đích của "trợ tử" là giúp bệnh nhân được chết, nhưng bệnh viện thì không được phép sử đụng độc dược. Các bác sĩ chỉ có thể "biến tấu" thuốc hỗ trợ tử vong từ chính các loại thuốc mà họ dùng để chữa bệnh cứu người.
Không hề có cái gọi là "thuốc trợ tử chuyên dụng"
Chỉ những bệnh nhân "sống không bằng chết" mới yêu cầu được chết, nhưng tử thần do bác sĩ trợ tử gọi đến lại thư thả lắm. Nhiều bệnh nhân đã sốc đến ngơ cả người khi biết rằng dù uống thuốc trợ tử rồi, họ vẫn phải chờ đến cả tiếng hoặc lâu hơn nữa mới "nhắm mắt xuôi tay" được.
Ở động vật, bác sĩ thú y được phép dùng kim tiêm, tiêm thẳng thuốc trợ tử vào mạch máu của vật nuôi nên thời gian chờ qua đời của chúng chỉ trong vòng 10 phút. Còn ở người, để tránh trường hợp bị người nhà ép buộc, bệnh nhân chỉ được phép tự ăn hoặc uống thuốc hỗ trợ tử vong. Thời gian tác dụng vì thế lâu hơn.
Cái giá phải trả để được chết không hề rẻ
Trước năm 2015, có 2 dược phẩm gốc Barbiturat là Pentobarbital và Secobarbital thường xuyên được sử dụng làm thuốc trợ tử. Chúng không gây đau đớn, tác dụng nhanh và giá cả tương đối phải chăng, chỉ từ 200-350 dollar/liều (khoảng 4,6-7 triệu đồng).
Tuy nhiên kể từ năm 2015, sau khi được Công ty Dược phẩm Valete mua quyền độc quyền sản xuất, 2 loại thuốc này bất ngờ đắt gấp 2, rồi gấp 3, 4 lần. Đến nay thì đã gấp hơn 10 lần, chí ít cũng rơi vào tầm 3500 dollar/liều (khoảng 81 triệu đồng).
Các bác sĩ phải "biến tấu" thuốc hỗ trợ tử vong từ thuốc chữa bệnh cứu người
Với những người giàu có, số tiền trên không hẳn là lớn. Song với những ai kinh tế trung bình, nó quả thật là một khoản phí không hề đơn giản.
Vào năm 2016, để giải quyết vấn đề tài chính này, một nhóm bác sĩ Mỹ bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hỗ trợ tử vong đã buộc phải tổ chức một cuộc họp mặt, thảo luận tại Seattle. Họ hy vọng có thể "sáng tạo" ra vài toa trợ tử hiệu quả mà giá thành lại vừa phải.
Ở Washington, người ta từng dùng một loại thuốc an thần mạnh là Hydrat chloral. Nó giúp bệnh nhân lịm dần và rồi an giấc ngàn thu. Khổ nỗi là đôi khi, liều trợ tử này lại không khiến người bệnh ngất đi. Trái lại, nó đốt cháy cổ họng, gây đau đớn khủng khiếp trước khi thật sự lấy mạng họ.
Trong cuộc hội thảo vào năm 2016 ở Seattle, các bác sĩ đã đem 3 toa thuốc trợ tử ra bàn. Loại thứ nhất là thuốc chống sốt rét. Nếu sử dụng ở liều lượng lớn, chúng có thể dẫn đến tử vong, song lại rủi ro là có thể gây co thắt cơ nghiêm trọng.
Dù đã uống thuốc trợ tử, bệnh nhân vẫn có thể phải mất nhiều tiếng mới ra đi được
Loại thứ 2, hỗn hợp Opioid và Fentanyl thì dính dáng đến ma túy. Vì nó sẽ gây tai tiếng xấu cho bệnh viện nên bị bỏ qua.
Chỉ có loại thứ 3, tổng hợp Morphine, Diazepam và Propranolol, gọi tắt là DMP là có vẻ ổn hơn cả.
Thuốc rẻ thì vừa khó uống lại vừa... khó chết
Sau khi quyết định dùng DMP, họ đã có 10 bệnh nhân đồng ý thử nghiệm. Hai trường hợp đầu, cái chết đã đến và đưa người bệnh đi một cách êm ái. Nhưng đến trường hợp thứ 3, là một bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt đã 81 tuổi, thì phải mất đến tận 18 giờ.
Bình thường, sau khi dùng thuốc trợ tử khoảng 5-10 phút là bệnh nhân sẽ mất ý thức. Thêm khoảng 15-20 phút nữa, họ sẽ qua đời. Nhóm Seattle lại phải họp khẩn cấp. Sau khi bàn bạc, các chuyên gia trợ tử quyết định cộng thêm Digoxin, một loại thuốc điều trị bệnh tim, biến DMP thành DDMP.
Với lĩnh vực trợ tử, người bệnh quyết định ra đi sớm cũng đóng vai trò là đối tượng thử nghiệm
Vì bệnh nhân kế tiếp vẫn phải mất đến 6 tiếng mới chết, họ buộc phải tăng liều lượng trong hỗn hợp trợ tử DDMP lên, đặt tên là DDMP2.
Thực tế, DDMP2 cũng hoạt động rất hiệu quả. Nhưng thi thoảng vẫn có trường hợp phải chờ cả vài tiếng mới tắt thở. Đặc biệt, DDMP2 còn cực kỳ đắng đót và nhiều (do liều lượng tăng nên số lượng thuốc cũng lớn), không dễ gì mà nuốt trôi và nuốt hết xuống dạ dày.
Trên tất cả, y học vẫn ngoảnh mặt làm ngơ với mảng trợ tử. Thế nên cho dù có phát hiện được toa thuốc hiệu quả, các bác sĩ tự nguyện dấn thân vào lĩnh vực này cũng không thể đem nó ra công khai và phổ biến.
Tham khảo: The Atlantic