Ảnh minh họa.
Cử nhân điều dưỡng Đỗ Thị Loan - Khoa khám bệnh cán bộ cao cấp - Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết trong cuộc sống thường ngày, bên cạnh cảm xúc vui vẻ chúng ta cũng thường gặp cảm xúc bực bội, tức giận. Những cảm xúc tiêu cực này không chỉ tác động đến bản thân mà còn có thể gây ra tổn thương cho người khác.
Tức giận là một dạng phản ứng tự nhiên của con người về mặt cảm xúc mà ai cũng đều sẽ trải qua trong đời. Chúng bắt nguồn từ việc con người bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại. Ngoài ra, sự tức giận còn có thể là triệu chứng của các vấn đề sức khỏe hoặc vấn đề tâm lý nếu bạn thường xuyên giận dữ, mất kiểm soát hoặc luôn có cảm giác tức giận âm ỉ.
Tức giận làm tăng nguy cơ mắc các bệnh. Ảnh minh họa.
Tức giận có hại cho sức khỏe
- Tức giận có thể gây nên các vấn đề về tim mạch
Tim được coi là bộ phận chịu tổn thương nhiều nhất khi cơ thể chịu quá nhiều cảm xúc tức giận. Trong 2 tiếng kể từ sau khi bộc phát cơn tức giận, nguy cơ xuất hiện một cơn đau tim có thể tăng gấp đôi so với trạng thái tâm trạng bình thường. Sự tức giận bị kìm nén và lặp đi lặp lại trong thời gian dài cũng có thể gây nên các vấn đề tim mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
- Tức giận có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ
Một nghiên cứu cho thấy rằng trong vòng 2 tiếng từ khi cơn tức giận bùng phát, bạn có thể có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 3 lần do nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Đối với những người mắc chứng phình mạch ở một trong các động mạch của não bộ, họ có thể có nguy cơ bị vỡ phình mạch cao hơn 6 lần khi giận dữ cao độ.
- Tức giận có thể gây tổn hại cho gan
Khi tức giận, cơ thể sẽ tự bài tiết ra một chất gọi là catecholamine (nhóm hormone được sản xuất bởi tủy thượng thận, phần nằm ở bên trong tuyến thượng thận). Catecholamine kết hợp với ảnh hưởng từ hệ thần kinh trung ương sẽ làm cho đường huyết trong cơ thể tăng cao. Đây là nguyên nhân gây nên tình trạng tăng huyết áp và cũng là nguyên nhân làm cho axit béo và độc tố tăng cao, gây hại cho gan.
- Tức giận có thể gây tổn thương dạ dày
Tức giận có thể kích thích hệ thần kinh giao cảm, tác động trực tiếp vào tim và huyết quản khiến cho lượng máu trong dạ dày và đường ruột giảm mạnh, làm mất cảm giác ngon miệng và thậm chí còn có thể trở thành một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
- Tức giận có thể gây tổn thương phổi
Khi tức giận, cơ thể sẽ thở nhanh và gấp hơn bình thường, phổi phải hoán đổi khí với tần suất cao. Lúc này, phổi không ngừng khuếch trương, thời gian thu co giảm xuống liên tục, do đó, phổi sẽ không có thời gian nghỉ ngơi. Đây là một nguyên nhân quan trọng gây tổn thương cho lá phổi.
- Tức giận làm suy yếu hệ miễn dịch
Khi tức giận, não sẽ ra lệnh cho cơ thể tiết ra hormone cortisol (hormone giúp cơ thể đối phó với tình trạng căng thẳng). Hormone cortisol tích lũy quá nhiều có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống miễn dịch, làm suy giảm sức đề kháng, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý truyền nhiễm.
Ảnh minh hoạ.
Làm thế nào để kiểm soát cơn tức giận?
Hít thở sâu: Giúp điều hòa nhịp thở, lượng máu, oxy lưu thông đến các cơ quan phổi, não và tim. Khi các chức năng của từng bộ phận trên hoạt động bình thường, nhịp nhàng với nhau, cơn tức giận của bạn sẽ từ từ biến mất.
Những người hay tức giận có thể tập thiền, yoga hoặc áp dụng bài tập hít thở sâu. Ngoài ra, khi tức giận, bạn cũng có thể ngồi thoải mái để cổ và vai được thư giãn hoàn toàn, sau đó nhắm mắt, hít thở sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng. Hãy áp dụng bài tập này 3 lần/ngày trong 5 đến 10 phút hoặc khi cần thiết.
Đi dạo hoặc đi ra khỏi không gian khiến bạn cảm thấy tức giận: Bạn nên ra ngoài để hít thở không khí trong lành, đi dạo và thoát khỏi không gian kín vì điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và giúp bạn bình tâm trở lại.
Nghe nhạc để thư giãn hơn: Hãy thử nghe một vài bản nhạc mà bạn yêu thích. Nghe nhạc có thể làm cho tâm trí bạn trở lên thoải mái và cảm xúc tiêu cực sẽ lắng xuống nhanh chóng.
Chia sẻ với bạn bè và nghĩ về điều tích cực: Chia sẻ với bạn bè sẽ giúp bạn giải tỏa những áp lực và tìm ra hướng giải quyết vấn đề. Khi tức giận với người thân thiết, hãy hình dung và nhớ lại những kỷ niệm vui vẻ với người đó. Những kí ức vui vẻ sẽ giúp bạn bình tĩnh lại và giải quyết vấn đề theo hướng lành mạnh.
Gặp bác sĩ tâm lý: Hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý, những nhà trị liệu nếu bạn luôn cảm thấy bực bội, tức giận.