Trạng nguyên có bài thi được vua khen 'hơn hẳn mấy tầm'

Trần Siêu |

Bài thi được đánh giá là một áng văn đến mức vua Lê Hiến Tông phải thốt lên rằng: 'Bài văn của Lê Ích Mộc hơn hẳn mấy tầm so với các bạn đồng khoa'.

Lê Ích Mộc sinh năm 1458 tại làng Ráng, tổng Phù Lưu, xã Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương xưa (nay là xã Quảng Thanh, Thủy Nguyên – Hải Phòng). Ông là một trong những vị Trạng nguyên đặc biệt về gia cảnh, cách sống, kỳ vọng cũng như để lại cho hậu thế một bài thi vô tiền khoáng hậu.

Viết chữ trên mâm cát

Theo một số nguồn sử liệu cũng như đề soạn chùa Thanh Lãng của sinh đồ Lê Tuấn Mậu soạn năm 1597 cho biết, dưới triều vua Lê Thánh Tông, ở xã Thanh Lãng có một người nối nghiệp Nho gia, họ Lê tên Quang, vợ là Nguyễn Thị Lệ, cửa nhà dư dụ, hay giúp đỡ người nghèo khó. Ông bà sinh hạ được một con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên con là Ích Mộc.

Từ nhỏ, Lê Ích Mộc đã là một cậu bé thông minh, ham học. Hàng ngày, sau những buổi phụ giúp cha mẹ, cậu thường tới chùa Ráng (chùa Thanh Lãng) nghe các nhà sư giảng kinh và mượn sách về tự học. Tương truyền, Lê Ích Mộc thường lấy cát đổ lên mâm xoa phẳng, dùng ngón tay viết chữ để đọc, ghi nhớ rồi xóa đi.

Một hôm, Lê Ích Mộc đang chơi ngoài đường gặp một vị sư già, nhà sư thấy cậu bé có quý tướng bèn theo về nhà. Vị sư già nói với vợ chồng ông Lê Quang rằng: “Con trai ông bà có quý tướng, tương lai ắt đỗ đạt cao, vinh hiển gia phong, tiền đồ không thể hạn lượng được. Nếu ông bà đồng ý, bần tăng xin được kèm cặp, chỉ bảo thêm cho”. Ông bà đồng ý cho Lê Ích Mộc gánh sách theo thầy tu học ở trấn xa, đó là chùa Yên Lãng (chùa Láng) ở kinh thành Thăng Long.

Trong khoảng vài năm, Lê Ích Mộc đã thông hiểu cả tứ thư, ngũ kinh lẫn giáo lý nhà Phật. Sách “Đại Việt đỉnh nguyên Phật lục” ca ngợi tài học của ông: “Tam đông túc học chí Kim Cương” – nghĩa là 3 năm tu học đã thấu triệt tinh thần và giáo lý của kinh Kim Cương.

“Đại Việt sử ký toàn thư” ghi vào năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502) đời vua Lê Hiến Tông ghi: Tháng 2, thi Hội các cử nhân trong nước. Số đi thi là 5.000 người, lấy đỗ bọn Trần Dực 61 người. Bộ Lại kê tên tâu lên. Vua thân ra đầu bài văn sách hỏi về đế vương trị thiên hạ.

Trạng nguyên có bài thi được vua khen hơn hẳn mấy tầm - Ảnh 2.

Khu lăng mộ Trạng nguyên Lê Ích Mộc.

Sai Lê Đạt Chiêu và Hộ bộ thượng thư Vũ Hữu làm đề điệu; Bộ binh tả thị lang Dương Trực Nguyên và Ngự sử đài thiêm đô ngự sử Bùi Xương Trạch làm giám thị; Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ, Hàn lâm viện thị độc Nguyễn Bảo, Đông các đại học sĩ Lê Ngạn Tuấn, Quốc Tử Giám Tế tửu Hà Công Trình, Tư nghiệp Hoàng Bồi, Thái thường tự khanh Nghiêm Lâm tiến đọc quyển thi.

Vua xem xong, cho bọn Lê Ích Mộc (khi trước làm đạo sĩ, đến khi đỗ, vua sai tuyên đọc lời chế thư, bưng lư đốt hương ra trước, bỏng tuột cả tay mà không biết), Lê Sạn, Nguyễn Văn Thái 3 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Cảnh Diên, Lê Nhân Tế 24 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Khiêm Bính, Nguyễn Mậu 34 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Vua ngự ở điện Kính thiên, Hồng lô tự truyền loa xướng danh. Hàng năm bảng vàng vẫn treo ở ngoài cửa Đông Hoa, đến nay vua sai bộ Lễ bưng ra, nổi nhạc rước đem treo ở cửa nhà Thái học. Bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học bắt đầu từ đây.

Áng văn đỗ Trạng

Theo các nguồn sử liệu, đề thi Hội năm ấy vua Lê Hiến Tông thân ra đầu văn sách hỏi về đế vương trị thiên hạ, nhưng vào thi Đình, vua lại hỏi về Phật pháp. Đây là điều bất ngờ lớn đối với sĩ tử, nhưng lại là duyên kỳ ngộ đối với Lê Ích Mộc.

Bản dịch từ nguyên bản “Lịch triều đình đối văn”, ký hiệu Thư viện Hán Nôm VHv. 335/2 có đoạn như sau: “… Nay được bệ hạ tinh tường hỏi về Phật pháp, lời hỏi mới sâu sắc làm sao, thần tuy ngu dốt, đâu dám không hết lòng trả lời…

Xét sự tu đạo ở trong nước, những kẻ học được đạo này được mấy người? Thần cho rằng: Chân đạo vô thể, nó tĩnh mịch, đạm bạc, bình thường, nhưng không thể một giây phút nào rời xa được. Nó mãi mãi ở ngay thân mình chăng?

Nó mượn hai khí mà phôi thai, mượn ngũ hành mà nảy nở, là một thể với trời đất, phối hợp với ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, và tinh thần tiết khí đều thuộc vào đó, đều sinh ra từ đó, ở trong thì đủ cả Tam tài, ở ngoài thì là thứ linh thiêng của muôn vật. Và sự tài chế vận dụng của nó không ngoài một cái tâm mà thôi.

Trạng nguyên có bài thi được vua khen hơn hẳn mấy tầm - Ảnh 4.

Viết thư pháp tại đền thờ Trạng nguyên Lê Ích Mộc.

Thế thì biết rằng: Tâm kia là tính vậy. Tính tức là lý, cũng là khí vậy. Một khí linh quang, suốt cả cổ kim, tự nhiên vẫn chiếu dọi. Nói về sự cao thì trời cũng không thể hơn được. Nói về sự lớn, thì đất cũng không thể sánh được.

Nói về sự rộng, thì hư không cũng không thể bằng được. Nói về sự nhỏ, thì sợi lông tơ cũng không thể đếm được. Nó tập hợp cả vạn tượng bời bời, thấu suốt cả vũ trụ trên dưới. Đó là vị chân Phật vậy. Song Phật chính là giác tính như hư không, thức là bình thường, tức là chân đạo.

Nó không thuộc về sự biết và sự không biết. Biết là vọng giác, là vô ký. Nếu gặp đạo mà chẳng hề có chướng ngại gì thì nhìn nó như hư không. Vì vậy, hư không tức là pháp thân. Pháp thân tức là hư không vậy. Khác nào vầng mặt trời trên trời chiếu khắp bốn phương thiên hạ.

Khi mặt trời lên chiếu sáng khắp thiên hạ, mà hư không chẳng từng sáng. Khi mặt trời lặn, tối tăm khắp thiên hạ, mà hư không chẳng từng tối. Cái gương sáng tối xâm đoạt lẫn nhau, cái tính của hư không thì vẫn là tự nhiên, biến thành các tâm tính của Phật vậy. Cái tâm tính của Phật cũng là như vậy, há chẳng thấy chữ “vô” của Khổng Tử ư?...

Đi, đứng, nằm, ngồi, mong ý tùy duyên, tuy ứng dụng có sai biệt mà thân thường thanh tịnh. Chẳng phải là tính giác ngộ cái tính của một mình, hoặc là cái tính giác ngộ cái tính của muôn người. Cái tính làm việc phúc đức ấy thật là to vậy, rộng vậy. Không hẳn phải tín chú pháp vị, bất tất là đạo quả tại gia viên thành. Từ đó mà tiêu trừ được tội khiên muôn ức kiếp, diệt tội đắc phúc…

Ngu tôi dùng phương pháp, dùng công cụ phương tiện, nhặt nhạnh trong lời kinh văn dạy về pháp hữu vi để quy vào chỗ vô tận, làm điều thiện đối với chân đạo vô chứng vô tu, làm việc giáo hóa chúng sinh cũng là bằng những lời này vậy. Vả lại văn lý lâu rồi không thực hành, nay thấy đề bài hớn hở bội phần. Vì vậy có câu thơ rằng: Lộ phùng kiếm khách tu trình kiếm/ Bất thị thi nhân mạc thuyết thi (Gặp người kiếm khách nên dâng kiếm/ Chẳng phải nhà thơ chớ nói thơ)…”.

Khi duyệt bài, vua Hiến Tông sửng sốt thốt lên rằng: “Bài văn của Lê Ích Mộc hơn hẳn mấy tầm so với bạn đồng khoa, trẫm rất hài lòng duyệt cho người ấy xứng bậc khôi nguyên”. Lê Ích Mộc đỗ Trạng nguyên, năm ấy ông 44 tuổi.

Làm quan rồi lại từ quan

Làm quan dưới triều Lê sơ, ngay đúng trong giai đoạn xảy ra mâu thuẫn xã hội sâu sắc, Lê Ích Mộc xin từ quan để về quê vui vầy với xóm làng, khuyên răn mọi người làm việc thiện. Năm 1527, nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, Mạc Đăng Dung xưng vương. Mến mộ tài đức của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, Mạc Thái Tổ trọng dụng và cho giữ chức Tả thị lang.

Trạng nguyên có bài thi được vua khen hơn hẳn mấy tầm - Ảnh 6.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Hoàng Động (Thủy Nguyên) dâng hương tại đền thờ Trạng nguyên.

Lê Ích Mộc vốn đem hoài bão lớn, muốn cống hiến tài trí giúp an dân yên nước. Song chỉ được một thời gian ngắn ngủi giữa bối cảnh lịch sử đầy những biến động và mâu thuẫn trong chính nội bộ triều Mạc. Một lần nữa ông lại treo ấn từ quan.

Trí sĩ tại quê nhà, Lê Ích Mộc đã đem kiến thức của mình truyền dạy cho người đời. Đối với học trò, từ những người cao tuổi nhiều năm đèn sách, cho đến lớp thiếu niên non trẻ, ông luôn hết lòng dạy dỗ, uốn nắn nét chữ, câu văn. Chùa Diên Phúc và từ chỉ Thanh Lãng thời ấy, nhờ có Lê Ích Mộc mà trở thành trung tâm đào tạo nhân tài và giáo hóa cả một vùng rộng lớn của huyện Thủy Đường.

Ông cùng với dân làng Ráng khai phá vùng đầm lầy ven sông và trồng rừng. Lê Ích Mộc cùng các học trò còn chiêu mộ dân lưu tán, khai khẩn vùng đất bãi hoang hóa ven sông, mở rộng làng xã lập nên vùng đất Quảng Cư (thôn Thanh Lãng ngày nay). Ông cũng để lại dấu ấn khi mở mang chùa Ráng - nơi ông ăn học thành tài, tham gia xây dựng một số Phật đường khác như chùa Vang (Bắc Linh tự), chùa Lốt (Đông Linh tự)…

Trạng nguyên Lê Ích Mộc qua đời năm 1538, nhân dân địa phương lập miếu thờ và tạc tượng ông thờ ở cạnh chùa Diên Phúc, mộ phần đặt tại rừng lim xóm Sỏi, thôn Thanh Lãng. Năm 1993, lăng mộ quan Trạng và khu lưu niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc được công nhận di tích. Đây cũng là một trong những địa chỉ tâm linh của nhân dân, đặc biệt là giới giáo chức và học sinh – sinh viên đến tưởng nhớ một vị Trạng nguyên, một người thầy mẫu mực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại