Kế hoạch này được đích thân Giám đốc công ty Uralvagonzavod, ông Oleg Sienko vừa tiết lộ.
"Việc sử dụng UAV trên xe chiến đấu bộ binh Armata T-15 nhằm để mở rộng tầm quan sát. Đây là một nhân tố không thể thiếu ở mức chiến thuật. Thật khó để di chuyển cả một đoàn xe mà không nhìn thấy gì phía trước", ông Sienko cho hay.
Dù tiết lộ kế hoạch trang bị UAV nhưng hiện nay Nga vẫn chưa quyết định loại máy bay không người lái nào sẽ được sử dụng trên T-15. Bởi Bộ Quốc phòng Nga đang cần thêm thời gian để thử nghiệm thực tế một vài loại trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Xe chiến đấu T-15 Armata
Nếu kế hoạch này được Nga hiện thực hóa, T-15 sẽ sở hữu những khả năng mà không một loại xe chiến đấu nào khác trên thế giới sánh kịp.
Theo những thông tin ít ỏi được Nga công khai, T-15 được bọc giáp hạng nặng có khả năng chống chịu tốt trước các vũ khí chống tăng, đặc biệt nó được tăng cường khả năng bảo vệ để chống kiểu tấn công “đột nóc” từ trên cao như của tên lửa Javelin.
Xe chiến đấu hạng nặng T-15 Armata được thiết kế với một module chiến đấu mới. Vũ khí chính gồm 1 pháo tự động 2A42 cỡ 30 mm với 500 viên đạn, trong đó có 160 đạn xuyên giáp và 340 đạn nổ phân mảnh. Pháo có tầm bắn khoảng 4.000 mét.
Hai bên tháp pháo lắp 4 tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet-EM có tầm bắn tối đa từ 8 - 10 km, 1 súng máy đồng trục 7,62 mm với cơ số 2.000 viên đạn.
Đặc biệt, T-15 Armata được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, có khả năng tự động tìm kiếm mục tiêu trong nhiều dải quang phổ khác nhau ở chế độ chủ động và thụ động.
Để phát hiện mục tiêu được ngụy trang, T-15 được trang bị thiết bị ngắm quang học. Hệ thống điều khiển hỏa lực của T-15 có thể tham chiến đồng thời với 2 mục tiêu.
Với những thông tin ban đầu được công khai, T-15 xứng đáng ở ngôi vị số một thế giới về dòng xe bộ binh chiến đấu bởi nhiều tính năng của nó hơn hẳn xe chiến đấu chủ lực của phương Tây, trong đó có xe Bradley của Mỹ.
Trong khi T-15 được trang bị pháo chính cỡ 30 mm với 500 viên đạn, trong đó có 160 đạn xuyên giáp và 340 đạn nổ phân mảnh, đạt tầm bắn 4.000 mét, thì Bradley của Mỹ lại khá khiêm tốn.
Vũ khí chủ lực của Bradley là pháo cỡ 25 mm có tốc độ bắn 200 phát/phút, tầm bắn tối đa đạt 2,5 km.
Về hỏa lực chống tăng, Bradley tiếp tục thua kém bởi dòng xe này chỉ được lắp bệ phóng 2 đạn tên lửa chống tăng TOW có phạm vi hiệu quả hỏa lực 3.750 m.
Trong khi đó, xe T-15 được trang bị tới 4 tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet-EM có tầm bắn tối đa từ 8 - 10 km.