Cú sốc Việt Nam trong mắt John
AFF Cup cách đây 2 năm, Việt Nam nói lời tạ từ với giải đấu theo cái cách không thể buồn và sốc hơn.
Ở trận bán kết lượt đi trên sân Shah Alam, các chàng trai áo đỏ dưới sự chỉ huy của Toshiya Miura chơi trên chân người Mã, lội ngược dòng chiến thắng 2-1. Nhưng trong trận lượt về ở Mỹ Đình, ĐTVN lại như "nằm ra" cho Malaysia chơi bóng và thất thủ 2-4.
Người ta bắt đầu nói về bán độ, dàn xếp. VFF cũng quyết làm rõ trắng đen, mời cơ quan điều tra vào cuộc, mời cả Sportradar phân tích điều tra. Kết luận cuối cùng: không có cầu thủ Việt Nam nào tiêu cực.
Vậy còn những người Malaysia? Tại sao hình hài của họ ở Mỹ Đình lại khác hẳn so với ở Shah Alam chỉ một tuần trước đó? Người hâm mộ từ Việt Nam tới Malaysia đều sốc theo những tâm trạng khác nhau. Nhưng John thì không.
John, viên cảnh sát chuyên theo dõi những dấu hiệu bất thường trên sân cỏ Đông Nam Á thì đã nhìn ra cú sốc Việt Nam theo kịch bản dàn dựng từ khi các học trò của Miura đang chơi như lên đồng ở Shah Alam.
Giống hệt kịch bản trận Malaysia - Lào trong khuôn khổ vòng bảng AFF Cup 2012 mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước, John nhìn thấy một cặp nam nữ "như đôi tình nhân" ngồi cách biệt hẳn trên một góc khán đài. Gã đàn ông mặc áo vàng.
Phút 14, khán đài Shah Alam như nổ tung khi Safiq Rahim thực hiện thành công quả phạt 11m vào lưới ĐT Việt Nam. John lia thẳng ống kính rồi zoom vào "cặp tình nhân", họ không ăn mừng.
Gã đàn ông lặng lẽ lột chiếc áo vàng, thay vào đó là chiếc áo thun màu đỏ. Từ thời điểm đó, quân Mã mất thế trận hoàn toàn, rồi lưới rung lên 2 lần.
Malaysia mạnh, nhưng họ đã chơi như thế ở Shah Alam, đó là những gì John nhìn thấy. Sau trận này, Việt Nam ở thế cửa trên hoàn toàn…
Con bạch tuộc ở Malaysia
Hai trận bán kết gây sốc giữa Việt Nam và Malaysia ở AFF Cup 2 năm trước có bàn tay của Kelong, thế lực có thể điều khiển các cầu thủ Malaysia của ông Dollah Salleh chỉ bằng cách… thay áo thun khác màu?
Malaysia ngày nay là mảnh đất của các Kelong. Mới đây, cựu quan chức cơ quan an ninh FIFA, ông Chris Eaton lên tiếng khẳng định, rằng Malaysia đã chính thức vượt qua Singapore để trở thành "trung tâm dàn xếp tỉ số" của khu vực Đông Nam Á.
Malaysia đã vượt qua Singapore để trở thành lãnh địa của nạn dàn xếp tỷ số.
Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM), ông Hamidin Amin lập tức phản pháo, ông Amin yêu cầu Chris Eaton phải đưa ra chứng cứ với kết luận gây sốc của mình.
Trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, Malaysia là một trong những quốc gia thực hiện chiến dịch chống tiêu cực trong bóng đá mạnh tay nhất ở khu vực. Năm 2012, FAM từng treo giò 18 cầu thủ trẻ cùng một số HLV vì dính líu tới dàn xếp và cuộc chiến chống dàn xếp ở quốc gia này vẫn chưa dừng lại.
Vậy thì bằng chứng đâu mà kết luận Malaysia đã vượt qua Singapore để trở thành trung tâm mới của nạn dàn xếp? Chris Eaton không… cãi nhau thêm với FAM, nhưng từ Hungary, Wilson Raj Perumal xác nhận lời ông Eaton là sự thực.
Wilson Raj Perumal - trùm điều hành dàn xếp tỷ số một thời của Singapore.
Wilson Raj Perumal từng là ông trùm người Singapore, nhân vật đã đạo diễn cả những trận cầu ở vòng loại World Cup tiết lộ, những ông trùm như gã ở Malaysia không hiếm. Thậm chí, Frankie Chung, ông Vua Kelong mà FBI đang săn lùng cũng có khả năng đang ẩn náu tại Malaysia.
Perumal tiết lộ: "Rất nhiều mắt xích quan trọng của Frankie Chung nằm cả ở Malaysia, họ có thể tác động đến bất cứ trận đấu nào, giải đấu nào trong khu vực. Tôi từng tham gia đường dây của Frankie Chung, chúng tôi gọi là "Bác Chung" (Uncle Chung) nhưng tôi chưa từng được gặp mặt ông ta".
Thế còn… Việt Nam?
Ông trùm Wilson Raj Perumal và cựu nhân viên an ninh Chris Eaton đều khẳng định, "con bạch tuộc" nằm ở Malaysia, đang vươn vòi thống trị toàn khu vực Đông Nam Á.
Ông Datuk Seri Azzuddin Ahmad - Tổng thư ký AFF thì xác nhận, vấn nạn dàn xếp ở AFF Cup là không thể phủ nhận. Các băng nhóm tổ chức mua bán, dàn xếp ngày càng tinh vi hơn nên AFF phải nhờ Sportradar.
John - một chuyên gia an ninh phát hiện dấu hiệu bất thường trực tiếp trên các sân bóng lại cho rằng, hình thức tổ chức cũng như phương thức giao dịch của các ông trùm ngày càng tinh vi nên Sportradar cũng không dễ phát hiện.
Với những diễn biến như vậy, ĐTVN liệu có thoát khỏi bàn tay của Kelong ở giải đấu năm nay, để những vụ tai tiếng kiểu như "4 cầu thủ họ Nguyễn" trong quá khứ không còn lặp lại?
ĐTVN đang có bước chạy đà, chuẩn bị khá tốt cho VCK AFF Cup năm nay, với 15 trận giao hữu có kết quả khả quan. Nhưng bên cạnh lối chơi phù hợp được định hình, bên cạnh những bàn thắng thì ĐTVN vẫn còn những bàn thua khiến người hâm mộ phải lo lắng.
Đơn cử như 2 bàn thua trong trận giao hữu trên sân của Indonesia, những bàn thua dù là giao hữu, vẫn khiến người hâm mộ "tức điên".
Đáng nói hơn cả là bàn thua trước Indonesia ở Mỹ Đình. Khi mà tỷ số đang là 0-0, tại sao toàn bộ đội hình của ĐTVN lại dâng lên hết, tạo cả một khoảng trống phía sau cho Indonesia phản công mở tỷ số? Nếu xét về mặt chuyên môn, không có đội bóng nào trên thế giới chơi như vậy.
Bàn thua đầu tiên của Việt Nam trước Indonesia tại Mỹ Đình
Một chuyên gia quan sát hiện tượng bất thường như John thì lý giải ra sao về tình huống dẫn đến bàn thua nói trên của ĐTVN? John khẳng định, không phải tới thời điểm VCK chính thức khởi tranh, mà "con bạch tuộc" Kelong đã bắt đầu vươn vòi từ những trận đấu giao hữu tưởng như vô thưởng, vô phạt.
Quả thực, nhìn ra những dấu hiệu bất thường với những nhà chuyên môn thì dễ, nhưng tìm ra chứng cứ tiêu cực, dàn xếp của Kelong thì không đơn giản chút nào, vậy nên mọi trận đấu ở AFF Cup năm nay luôn được đặt trong tầm ngắm của Sportradar, mà cuộc thư hùng Việt Nam - Malaysia thuộc diện "quan tâm đặc biệt".
Kỳ trước: Vòi bạch tuộc cá độ đang hướng thẳng vào AFF Cup 2016