Trần Trọng Kiên - người sắp đưa Air Asia về Việt Nam: Sinh viên y khoa khởi nghiệp với 2.000 USD thành ông chủ tập đoàn du lịch triệu đô

Vân Đàm |

Doanh nhân Trần Trọng Kiên - Chủ tịch và CEO của Tập đoàn Thiên Minh (TMC) dù khá kín tiếng nhưng lại sở hữu thành tựu vô cùng đáng ngưỡng mộ.

Gần đây thị trường hàng không trong nước đón nhận 1 thông tin hết sức thú vị đó là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á Air Asia sẽ lập liên minh tại Việt Nam. Sự nhập cuộc của Air Asia hứa hẹn môi trường cạnh tranh hết sức khốc liệt trong thời gian tới.

Theo thông tin từ tờ Bloomberg, Air Asia sẽ hợp tác với Công ty TNHH Gumin, Công ty cổ phần hàng không Hải Âu và doanh nhân Trần Trọng Kiên để thành lập một liên doanh tại Việt Nam. Theo tuyên bố của phía Air Asia, liên doanh mới có thể sẽ chính thức cất cánh vào đầu năm tới. Phía Gumin sẽ nắm 70% liên doanh mới và phần còn lại là của Air Asia.

Brendan Sobie – một chuyên gia phân tích tới từ Singapore nhận định: “Air Asia vào Việt Nam khá muộn và hậu quả là họ sẽ phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn. Thị trường hiện đã có sự xuất hiện của 2 hãng hàng không giá rẻ gồm Vietjet và Jetstar Pacific. Tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong những năm tới khi thị trường bắt đầu ổn định hơn”.

Sau 3 lần lỡ hẹn với Việt Nam, đối tác lần này của CEO Tony Fernandes là ông Trần Trọng Kiên, một doanh nhân nổi tiếng nhưng lại khá kín tiếng trong lĩnh vực khách sạn - du lịch ở Việt Nam, ông chủ Tập đoàn Thiên Minh, cũng như Công ty TNHH Gumin (đơn vị trực tiếp đứng ra liên doanh với Air Asia).

Sau 6 năm đèn sách ở Đại học Y, ra trường làm… du lịch

Ông Trần Trọng Kiên từng theo học 6 năm tại Trường đại học Y Hà Nội, từ 1989-1994 tuy nhiên ngay khi ra trường, ông Kiên không theo nghiệp y khoa mà lại bước chân vào lĩnh vực du lịch.

Lý giải về việc rời bỏ nghề Y để đi theo con đường kinh doanh du lịch, ông Kiên cho hay: “Tôi sinh ra trong một gia đình tương đối khó khăn về tài chính tại Việt Nam, tôi không muốn chứng kiến gia đình tôi, đặc biệt là những đứa con tôi cũng phải lớn lên trong sự thiếu thốn. Đó chính là lý do tôi bỏ lại tấm bằng bác sỹ để đến với kinh doanh”.

Với số vốn vỏn vẹn có 2.000 USD, ông Kiên thành lập Buffalo Tours vào năm 1994. Với sự giúp đỡ của vài người bạn, những ngày đầu, tài sản công ty không có gì ngoài một cái bàn làm việc và một chiếc điện thoại lúc nào cũng im lặng như thách thức.

Buffalo Tours có sự khác biệt rất lớn so với các công ty du lịch trong nước, từ cách bài trí đến phong cách phục vụ chuyên nghiệp. bởi sau một thời gian ổn định sản phẩm, công ty đã có định hướng rất cụ thể về đối tượng khách hàng: Người nước ngoài có khả năng chi trả cao.

Trần Trọng Kiên - người sắp đưa Air Asia về Việt Nam: Sinh viên y khoa khởi nghiệp với 2.000 USD thành ông chủ tập đoàn du lịch triệu đô - Ảnh 1.

Năm 2004, Thiên Minh quyết định đa dạng hóa loại hình kinh doanh, bắt đầu tham gia vào các họat động kinh doanh khách sạn bằng việc mua lại cổ phần của Khách sạn Festival Huế.

Năm 2005, Công ty hợp tác với Intrepid Travel Pty Ltd – một công ty điều hành tour du lịch hàng đầu của Úc để thành lập Công ty TNHH Du Lịch Intrepid Indochina (nay là Intrepid Vietnam) nhằm mở rộng hơn nữa các họat động du lịch tại khu vực Đông Nam Á cũng như tại các thị trường du lịch khác ở Châu Á.

10 năm trở lại đây, cái tên Thiên Minh được nhắc tới nhiều hơn khi tham gia vào các thương vụ mua bán sáp nhập lớn trong lĩnh vực du lịch, khách sạn.

Năm 2011, Thiên Minh hoàn thành việc mua lại chuỗi 5 khách sạn Victoria tại Việt Nam và khai trương khách sạn Xiengthong Palace tại Luang Prabang, Lào.

Để hoàn tất thương vụ này, Thiên Minh đã được sự trợ giúp của một số tổ chức tài chính nước ngoài, trong đó có Công ty Tài chính Quốc tế IFC (một thành viên của Ngân hàng Thế giới) với mức vốn tham gia là 12 triệu USD. Đây là thương vụ lớn nhất tính tới thời điểm đó trong lĩnh vực du lịch, khách sạn ở Việt Nam.

Năm 2011, Thiên Minh bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực hàng không, khi cùng một đơn vị khác trong ngành lữ hành thành lập Công ty cổ phần hàng không Hải Âu, cung cấp dịch vụ du lịch bằng thuỷ phi cơ, bay dịch vụ (Air taxi)… Hiện Thiên Minh là cổ đông đa số của Hải Âu sau thương vụ mua lại 89% cổ phần công ty này (trị giá 54 tỷ đồng) hồi năm 2013.

Ông Kiên sau đó đã tuyên bố rót 3,2 triệu USD để mua thêm 2 chiếc thuỷ phi cơ hiện đại, nâng tổng số máy bay sở hữu lên 3 chiếc, nhằm khai phá mảng du lịch biển bằng hàng không. '

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm hoạt động và khai thác dịch vụ thuỷ phi cơ, Hải Âu vẫn lỗ. Báo cáo hồi đầu năm 2016 cho biết, hãng này đang rơi vào tình trạng dư thừa công suất do một năm chỉ khai thác được khoảng 700 giờ bay cho 3 tàu thuỷ phi cơ đang có.

Theo công bố thông tin của Thiên Minh Group, hiện tập đoàn này đang cung cấp chuỗi dịch vụ với 4 mảng chính là quản lý điểm đến, khách sạn, bán hàng (đặt phòng) trực tuyến và hàng không. Ngoại trừ lĩnh vực hàng không, sự kết hợp 3 mảng kinh doanh còn lại đem lại doanh thu và mức tăng trưởng 25-30% mỗi năm.

Năm 2014, trong top 20 công ty tăng trưởng nhanh nhất Đông Á của diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Thiên Minh là 1 trong 5 doanh nghiệp Việt có mặt trong danh sách này.

Trần Trọng Kiên - người sắp đưa Air Asia về Việt Nam: Sinh viên y khoa khởi nghiệp với 2.000 USD thành ông chủ tập đoàn du lịch triệu đô - Ảnh 2.

Chiến lược giữ người "đỉnh cao"

Ông chủ Thiên Minh cũng nổi tiếng trong giới nhân sự với chiến lược giữ người tài "đỉnh cao".

Bản thân ông Kiên trong một sự kiện cách đây 3 năm cũng từng "khoe": tỷ lệ nhân sự ra đi ở TMG hàng năm chỉ vào khoảng 4-5%. Ở một ngành nghề được xem là “làm dâu trăm họ”, khi tỷ lệ nhân sự biến động hàng năm toàn thị trường lên đến 15-20%, kết quả này thực sự đáng nể.

Theo ông Kiên: “Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của quốc gia cũng như của doanh nghiệp. Khi có nguồn nhân lực tốt, doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn trong môi trường kinh doanh cạnh tranh, thường xuyên thay đổi”.

Ông Kiên thống kê: Khi mới thành lập năm 2004, Thiên Minh Group chỉ có khoảng 2-3 nhân sự. Năm 2010, con số này là 600. Năm 2014, toàn tập đoàn có khoảng 2.500 nhân sự, đến từ nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ, trong đó số nhân sự nước ngoài chiếm 1/3”.

Chia sẻ về những thành công hiện tại, ông Kiên đưa ra 3 nền tảng trụ cột trong chiến lược quản trị nhân sự đã mang lại thành công cho TMG:

Thứ nhất, chiến lược nhân sự phù hợp với định hướng kinh doanh.

Ngay khi ra đời năm 1994, các sáng lập viên của công ty khi đó đã định hướng xây dựng chiến lược vươn ra quốc tế. Bởi vậy môi trường doanh nghiệp cũng cần đáp ứng cho phù hợp là sử dụng lao động địa phương.

Điều này đồng nghĩa với việc người Việt Nam cũng như người nước ngoài, từ Lào, Thái Lan, Anh hay Mỹ, đều có thể dễ dàng gia nhập công ty. Chiến lược này tỏ ra rất hữu hiệu đối với lĩnh vực lữ hành – khách sạn của TMG.

Thứ hai, văn hóa bình đẳng trong toàn doanh nghiệp.

Chính vì định hướng chiến lược vươn ra quốc tế, nên môi trường làm việc của doanh nghiệp cũng phải phù hợp và thay đổi. Theo đó, văn hóa bình đẳng được đề cao và thống nhất trong tập đoàn.

“Mọi người trong tập đoàn, từ nhân viên bảo vệ, người lái xe, hướng dẫn viên, nhân viên lễ tân, đều có cơ hội nói chuyện, làm việc và trao đổi với CEO. Chính điều đó tạo nên sự thống nhất về văn hóa công ty trên toàn thế giới”, ông Kiên cho biết.

Thứ ba, CEO không phải là người giỏi nhất, mà là người hấp thụ được những người giỏi hơn vào làm việc với mình.

Đây là quan điểm riêng của cá nhân ông Kiên đối với vai trò CEO. Ông Kiên bộc bạch, bản thân ông “không coi chức vụ CEO là quyền lợi, mà xem đó như là danh dự và trách nhiệm lớn lao đối với doanh nghiệp”.

CEO này xác định việc đào tạo và phát triển con người cho tập đoàn là yếu tố then chốt trong chiến lược nhân sự: “TMG đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực từ 24-32 giờ/năm, trong khi môi trường hiện tại ở các doanh nghiệp vào khoảng 6-8h/năm”.

Cuối cùng, ông Kiên đưa ra lời khuyên: “Các doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược nhân sự đi trước và song hành cùng chiến lược kinh doanh (trái ngược với thông lệ: lập chiến lược kinh doanh trước, tạo chiến lược nhân sự sau). Những người xây dựng chiến lược nhân sự cũng cần hiểu rõ tầm nhìn và mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Chiến lược nhân sự cần được xây dựng phù hợp với từng loại doanh nghiệp và mô hình kinh doanh khác nhau, cũng như cần triển khai đồng bộ với chiến lược kinh doanh trong các giai đoạn khác nhau”.

Hơn 20 năm trên thương trường, ông Trần Trọng Kiên cũng trải qua không ít thất bại. Năm 1997 - 1998, Thiên Minh lên kế hoạch tung ra dịch vụ nhảy dù cho khách du lịch.

Nhưng hơn một năm chuẩn bị, bao công sức, tiền của bỏ ra, mà cuối cùng phải thừa nhận, dịch vụ ấy chẳng thể thương mại hóa ở Việt Nam. Sau đó, kế hoạch mở tour du lịch bằng khinh khí cầu cũng thế, rất nhanh chóng thất bại...

Bản thân trong một bài phỏng vấn, ông không ngần ngại chia sẻ thẳng thắn rằng "99% các bạn trẻ khởi nghiệp sẽ thất bại". Lý do ông Kiên đưa ra là dù cho đã có một ý tưởng khởi nghiệp tốt, phần lớn những người khởi nghiệp không có cơ hội “kiếm tiền” từ những nhà đầu tư.

Tuy nhiên, điều quan trọng theo quan niệm của ông Kiên, thất bại là chuyện bình thường, miễn là có đủ thông minh để biết rằng mình đã sai!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại