Đó là cuộc đụng độ với phần thắng vang đội nghiêng về quân Việt năm 1786, giữa toán quân Việt đang theo chúa Nguyễn Ánh đang lưu vong tại vương quốc Xiêm (Thái Lan ngày nay) với đoàn quân Miến Điện xâm lược nước Xiêm.
Bối cảnh trước trận đánh
Những năm đó, quân đội của chúa Nguyễn Ánh đang giao tranh với quân Tây Sơn. Sau trận thua ở sông Ngưu Chữ (sông Bến Nghé ngày nay), tháng 2/1784, tướng của Nguyễn Ánh là Châu Văn Tiếp sang Xiêm xin hỗ trợ, vua Xiêm nhận lời, sai tướng Thát Xỉ Đa đem binh thủy qua Hà Tiên để đón chúa Nguyễn.
Tuy nhiên, chúa Nguyễn Ánh không đưa gia quyến đi theo mà sai Chánh cơ Ngô Công Quý đưa bà Quốc mẫu và cung quyến dời qua đảo Thổ Chu.
Tháng 3, chúa Nguyễn Ánh qua đến thành Vọng Các (Bangkok), vua Xiêm Rama I đón rước cực kỳ lễ phép, rồi cho hai người cháu là Chiêu Tăng, Chiêu Sương dẫn 20.000 lính thủy, 300 chiến thuyền sang đánh quân Tây Sơn.
Tuy nhiên đoàn quân này đã bị danh tướng Nguyễn Huệ đánh tan tác trong trận phục kích lừng danh Rạch Gầm - Xoài Mút ở gần Mỹ Tho. Trận này, quân Xiêm chỉ còn vài nghìn tàn quân chạy bộ qua Chân Lạp về Xiêm.
Sau trận thua này, Nguyễn Ánh chạy trốn ra đảo Thổ Chu, rồi đến tháng 4/1785 lại chạy qua Xiêm, tùy tùng chỉ còn 30 quần thần, 200 quân và 5 chiến thuyền: Phượng Phi, Bằng Phi, Hùng Trì, Chính Nghi, Thuyền Ô.
Khi đến thành Vọng Các, vua Xiêm hỏi sự trạng bị thua, Nguyễn Ánh nói hết chuyện Tăng, Sương tàn bạo, dân đều ta thán, cho nên thua. Xiêm vương giận lắm, muốn chém Tăng, Sương, Nguyễn Ánh vội can rằng: "Hai tướng vẫn có tội, nhưng việc nên cùng không, cũng là tại trời, sẽ chờ cơ hội thôi! Xin tha cho bọn ấy". Xiêm vương mới nguôi giận.
Tháng 5, tướng Lê Văn Duân đem 600 người tìm đến bái yết ở chúa Nguyễn, các tướng sĩ cũng tìm đường theo đến, ngày càng thêm đông. Nguyễn Ánh mới xin vua Xiêm cho ra ở Đồng Khoai (sử nhà Nguyễn gọi là đất Long Kỳ), ngoại thành Vọng Các, quân lính tự lo khẩn hoang, làm ruộng, đốn củi... để nuôi nhau.
Ông cũng sai đón Quốc mẫu và cung quyến sang, rồi sai người ra hải đảo đóng thuyền chiến, cử người ngầm về Gia Định mộ lính để chuẩn bị phục thù.
Sang năm 1786, tháng 2, có ba toán quân Diến Điện (sau này phiên âm là Miến Điện) xâm đất Sài Nặc nước Xiêm. Trong lịch sử, Miến Điện và Xiêm là hai nước thù địch, quân Miến Điện rất nhiều lần xâm lấn, tàn phá thành quách, giết hại dân Xiêm.
Ảnh minh họa.
Trận thắng vang dội của quân đội Việt trước quân Miến Điện trên đất Thái Lan
Năm 1767, quân Miến Điện đã tấn công và phá hủy toàn bộ kinh đô Ayutthaya của vương quốc Xiêm, dẫn đến sự suy tàn của Vương quốc Ayutthaya. Người Thái sau đó dời đô đến Bangkok và năm 1782, vua Rama I mới lập nên vương triều Chakri.
Lúc này, nghe tin đất nước bị xâm lấn, Xiêm vương Rama I quyết định cất quân đi đánh, xin Nguyễn Ánh bày mưu kế cho.
Chúa Nguyễn nói: "Từ Diến Điện đến đây đường đi ngàn dặm, vận tải quân lương, công tình cũng đã khó nhọc, tôi giúp sức cho, đánh cho gấp thời chắc được". Xiêm vương nghe vậy rất mừng, lập tức tiến binh, chúa Nguyễn đem quân đánh giúp.
Sách Đại Nam thực lục ghi lại, trận này, Nguyễn Ánh sai hai viên tướng tài của ông là Lê Văn Duân, Nguyễn Văn Thành đi trước, lấy ống hỏa hổ xổ lửa ra đánh, binh Diến Điện sợ chạy, chết nhiều lắm, bắt sống đến 500 người.
Quân Diễn Điện thua to, phải rút về nước. Khi chiến thắng trở về, vua Xiêm đem vàng lụa làm lễ cảm tạ Nguyễn Ánh. Lúc đó, Nguyễn Ánh mới có 24 tuổi, nhưng đã bôn ba chinh chiến từ năm 17 tuổi nên đã dày dạn trận mạc, được vua Xiêm rất nể trọng, gọi là Chiêu Nam cốc, tức là Vua trời nước Nam.
Vua Xiêm cảm cái ơn giúp sức của quân Nguyễn, lại bày tỏ ý định muốn giúp binh cho Nguyễn Ánh lần nữa để thu phục Gia Định. Nhìn thấy thất bại của quân Xiêm trong trận Rạch Gầm, Xoài Mút năm trước, Nguyễn Ánh bàn với các tướng.
Tướng Nguyễn Văn Thành tâu rằng: "Xưa vua Thiếu Khương chỉ có một toán binh còn khôi phục được nhà Hạ, ta nên dưỡng sức chờ thời, việc còn làm được, chớ nên đem giặc vào trong nước". Nguyến Ánh cho là phải, bỏ ý định dùng binh Xiêm.
(Tài liệu tham khảo: Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn)