Như bao đứa trẻ khác của vùng quê lúa Thái Bình, ngay từ nhỏ Minh Vương đã đem lòng say mê với cái thứ tròn tròn làm bằng cao su ấy. Niềm đam mê cứ dần lớn lên, cộng hưởng với sự đồng hành của người cha thân thương đã thôi thúc cầu thủ nhí quyết tâm thi vào học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai.
Hơn cả đam mê, bóng đá là tâm nguyện của người cha đã khuất
Sự nghiệp bóng đá lại chẳng mấy suôn sẻ với cầu thủ sinh năm 1995. Minh Vương nhận được giấy báo thi tuyển vòng cuối cùng tại Pleiku muộn hơn 2 người bạn cùng lứa U11 Thái Bình là Tuấn Anh và Văn Quý.
Mọi người can ngăn, nhưng còn nước là còn tát, "còn thở là còn gỡ", bố Minh Vương liên hệ với ban tuyển sinh và lặn lội đưa con trai út thần tốc vào Pleiku để dự vòng thi tuyển cuối cùng vào khóa 1 Học viện HAGL Arsenal-JMG.
Tuy nhiên, lên tới nơi thì kỳ thi đã trải qua một nửa nội dung, các tuyển trạch viên của JMG Quốc tế chỉ lấy đủ 16 cầu thủ cho khóa 1 tại Việt Nam. Cánh cửa theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp tưởng như đóng sập lại trước mắt hai bố con Minh Vương.
Đúng lúc đó bầu Đức xuất hiện, may mắn đã mỉm cười với bố con Minh Vương khi lúc đó cả chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, giám đốc điều hành Huỳnh Mau đều có mặt và nhất trí tuyển Minh Vương xuống học lớp năng khiếu HAGL, dưới sự dẫn dắt của HLV Đinh Hồng Vinh (lớp khóa 1 HAGL JMG do HLV người Pháp, Grachen dẫn dắt).
Có lẽ Vương sẽ không thể nghĩ rằng ngày 2 cha con vào Pleiku nhập học cũng là lần cuối cùng anh gặp cha. Sau khi để cậu con trai út ở lại Hàm Rồng học bóng đá, chỉ ít ngày sau khi về đến Thái Bình, bố Minh Vương đột ngột qua đời vì đột quỵ.
Có lần mẹ Vương kể, mãi sau này khi nỗi đau mất người thân đã nguôi ngoai, Vương vẫn nói rằng dù có thế nào anh vẫn sẽ theo đuổi con đường bóng đá để hoàn thành tâm nguyện của cha.
Sau 6 năm lăn lộn với đôi chân trần, Minh Vương trình làng ở sân chơi V.League 2013. Nhưng đến mùa giải 2014, anh mới bắt đầu khẳng định khả năng. Là học viên ở lớp năng khiếu, nhưng Trần Minh Vương là cầu thủ đầu tiên của lứa 1995 HAGL năm ấy được ra mắt ở sân chơi chuyên nghiệp và anh đã giành danh hiệu Cầu thủ trẻ hay nhất V.League 2014.
"Tôi có bàn thắng đầu tiên vào lưới của An Giang ở vòng 16 V.League 2014. Suốt 7 năm chơi ở V.League, mỗi trận đấu với tôi đều để lại những dấu ấn riêng. Có buồn, có vui nhưng đọng lại là một thứ rất đặc biệt mà chỉ bóng đá mới đem lại", Minh Vương chia sẻ.
Tưởng rằng mọi thứ sẽ suôn sẻ, nhưng ở sân chơi khắc nghiệt như V.League, tài năng và tuổi trẻ là chưa đủ để Minh Vương vùng vẫy. Bước sang năm 2015, Minh Vương chỉ được ra sân 7 lần và ghi được 1 bàn, phần còn lại là ở ghế dự bị. Chưa một lần có ý định rời Gia Lai để tìm một vị trí ở vùng đất mới, Minh Vương chọn cách ở lại. Năm 2019, người ta nhắc đến cầu thủ người Thái Bình với nỗi ám ảnh "dùng cả thanh xuân để trụ hạng" cùng HAGL.
Mùa giải đáng quên nhất Minh Vương có lẽ là năm 2020 với 5 trận ở V.League và 0 bàn thắng, sau đó là quãng thời gian dai dẳng chiến đấu với chấn thương.
"Khoảng thời gian tôi bị chấn thương chắc là lúc khó khăn nhất. Lúc đó, tôi nhận được sự động viên từ gia đình, đồng đội nhưng mọi thứ rất kinh khủng. Tôi cũng không muốn nhắc đến, bởi nó chỉ khiến mình buồn hơn".
Lận đận là thế, nhưng chưa một lần Minh Vương có ý nghĩ sẽ dừng lại. Tiềm ẩn trong anh là sức mạnh, bản lĩnh cho phép Minh Vương luôn ở trạng thái sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, giống như bài học ngày đầu cha anh nỗ lực đưa con vào Pleiku thi tuyển.
"Tôi theo bóng đá từ năm 12 tuổi đến giờ, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dừng bóng đá. Tôi thấy mình được nhiều hơn mất. Những mất mát có lẽ chỉ là những khó khăn thôi, nhưng từ những gian nan ấy, tôi đã trưởng thành hơn", Minh Vương tâm sự.
Sự kiên cường ấy lại một lần nữa được trỗi dậy trong trận đấu giữa tuyển Việt Nam và UAE ở vòng loại thứ hai World Cup 2022. Hình ảnh Minh Vương nhanh chóng cầm bóng về vạch xuất phát để tiếp tục trận đấu sau khi ghi bàn đã để lại ấn tượng đẹp. Đó là phẩm chất của một cầu thủ Việt Nam mang trong mình tinh thần không bao giờ bỏ cuộc, câu nói "còn thở là còn gỡ" của đội tuyển cũng ra đời từ đó.
"Người hùng" từ băng ghế dự bị
Có người nói Trần Minh Vương sinh ra là để cho những lựa chọn muộn và cả những bàn thắng muộn. Hơn một lần, Minh Vương vào sân từ băng ghế dự bị rồi lại làm nên một điều gì đó to lớn.
Ở ASIAD 2018, Minh Vương nhận được vé vớt tham dự cùng tuyển Olympic Việt Nam. Thậm chí, khi không nằm trong danh sách chính thức Vương còn về tặng hết quần áo tập luyện cho gia đình, bạn bè.
Minh Vương ghi bàn vào lưới Hàn Quốc ở ASIAD 2018 (Ảnh: Tiến Tuấn, Tùng Lê)
Dấu ấn của chàng trai được tung vào sân khi Olympic Việt Nam bị Olympic Hàn Quốc dẫn trước với tỉ số 3-0 là siêu phẩm sút phạt từ ngoài vòng 16m50, giúp Việt Nam có bàn danh dự.
Ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, Minh Vương là lựa chọn cuối trong số 6 tiền vệ trung tâm mà HLV Park Hang-seo mang sang UAE thi đấu. Đến trận đấu cuối, tiền vệ này mới được trao cơ hội, khi tuyển Việt Nam đã thua tới 3 bàn.
Như chiếc lò xo bị dồn nén lâu ngày, Minh Vương đã tỏa sáng khi kiến tạo cho Tiến Linh rút ngắn tỉ số xuống 1-3, trước khi tự mình ghi bàn ấn định kết quả 2-3 ở những phút bù giờ.
Nhưng suy cho cùng, đâu ai cứ muốn mình là người thay thế mãi. "Đã là cầu thủ, không ai muốn ngồi dự bị cả. Tuy nhiên, đó là quyết định của HLV trưởng, tôi luôn nghĩ là sẽ làm tốt nhất nhiệm vụ của mình khi được giao và cố gắng hơn nữa để chứng minh khả năng", Minh Vương khẳng định.
Tiền vệ giàu lòng nhân ái
Ở những bàn thắng đặc biệt nhất, Minh Vương đều ăn mừng theo phong cách quen thuộc, chỉ 2 tay lên trời hướng về người cha đã mất cùng với người mẹ tần tảo, nghị lực luôn dõi theo Minh Vương ở quê nhà. Nhìn thấy những bước đi ngày một thành công của con trai, chắc hẳn cha mẹ của Vương sẽ rất tự hào.
"Tôi tin là mẹ ở nhà cũng đã nhìn thấy được những thành công nhỏ của tôi và mẹ sẽ rất tự hào. Trước giờ tôi hay bị chấn thương luôn khiến mẹ lo lắng, nên khi làm được một điều gì đó khiến mẹ vui tôi sẽ vô cùng hạnh phúc".
Sâu thẳm trong đôi mắt của chàng trai ấy luôn có một nét đượm buồn nhưng lại vô cùng ấm áp.
"Ngày còn nhỏ tính cách của tôi rất hiếu động như bao bạn trẻ khác nhưng những biến cố gia đình khiến tôi có chút thay đổi, tôi trầm hơn. Nhiều khi về nhà họ hàng sợ bị bệnh trầm cảm, tôi không nói chuyện với ai, ngồi trong nhà cứ cười cười một mình. Nhưng mà dần dần, thời gian mà, thời gian xóa nhòa tất cả. Bây giờ khác rồi, bắt đầu thấy mọi thứ vui vẻ hơn", Vương nghẹn ngào nói.
Một người trợ lý từng làm việc ở HAGL kể lại ngày đầu đến đội bóng phố núi, chính Minh Vương là người đã chủ động giúp đỡ để anh hòa nhập với toàn đội. Cũng từ đó mọi người hay trêu "Vương là người cứu rỗi những ai cần giúp đỡ".
"Tôi suy nghĩ đơn giản thôi nếu tôi sẽ đi một đội bóng nào đó tôi là người mới chắc chắn sẽ rất khó khăn. Tôi thường đặt mình vào vị trí của người khác để giúp họ hòa nhập với toàn đội tốt hơn", Vương cho biết.
Người bạn thân ở HAGL là Xuân Trường mỗi khi nhắc đến Minh Vương cũng đều rất xúc động. "Cậu ấy với tôi là một người luôn suy nghĩ cho người khác, hết mình vì tập thể. Lần tôi chấn thương ở Hàn Quốc, tôi chỉ nói vu vơ sang với tôi đi. Ngày hôm sau đã thấy cậu ấy chuẩn bị giấy tờ để sang với tôi, thật sự xúc động".
Sau thành công cùng tuyển Việt Nam, Minh Vương được yêu mến nhiều hơn. Dù biết ơn những tình cảm ấy, nhưng Minh Vương lại lo sợ. Phải chăng khi con người ta chịu quá nhiều tổn thương sẽ luôn sợ cảm giác bị mọi người thương hại như thế.
"Tôi biết thời gian qua rất nhiều khán giả dành tình cảm cho mình, tôi thấy rất hạnh phúc khi được đón nhận nhiều tình cảm. Nhưng tôi luôn sợ sự thương hại hơn những thứ tình cảm bình thường".
Con đường phía trước sẽ còn nhiều những khó khăn nhưng sự bản lĩnh sẽ giúp Minh Vương vượt qua tất cả, ghi tên mình vào những mốc son của HAGL và tuyển Việt Nam.
"Lúc này tôi chỉ mong muốn sẽ thi đấu tốt từng trận một, góp sức cùng HAGL làm nên một điều gì đó, xác định mục tiêu rõ ràng giành kết quả tốt nhất. Còn ở ĐTQG tôi chỉ biết cố gắng làm sao có tên và làm thật tốt phần việc của mình".
Giờ đây, Minh Vương không cần phải "dành cả thanh xuân để trụ hạng" nữa. Anh sẽ ngẩng cao đầu, chiến đấu cho bản thân, cho cả những người yêu thương và không bao giờ lùi bước trước gian khó.