Đó là trận thủy quân Tây Sơn cũng dùng "không thuyền kế" để lừa quân của Đại tướng Trịnh là Đinh Tích Nhưỡng.
Lần đầu quân Tây Sơn ra Bắc
Năm 1786, Nguyễn Hữu Chỉnh là người Bắc Hà, chạy vào Nam theo Tây Sơn, thấy Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ chiếm được Thuận Hóa từ tay quân Trịnh, liền khuyên Nguyễn Huệ đem quân đánh thẳng ra Thăng Long.
Nguyễn Huệ nghe lời, tháng Sáu năm ấy sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân tiên phong, dùng đường thủy theo cửa biển Đại An, tiến vào chiếm kho lương Vị Hoàng. Nguyễn Huệ dẫn 1.000 chiến thuyền tiến theo sau.
Tin báo về, chúa Trịnh Khải (còn có tên là Trịnh Tông) liền hạ lệnh cho Thái Đình hầu Trịnh Tự Quyền làm Thống tướng, đem hiệu quan và quân lính 27 cơ tiến vào giữ lấy đầu địa giới Nghệ An để chống cự.
Tuy nhiên do quân Bắc Hà lâu năm không chuẩn bị luyện tập, lại đang trong loạn kiêu binh, quan lính đều vô tổ chức. Tự Quyền nhận được mệnh lệnh đã hơn mười ngày mà vẫn chưa thu xếp hành trang xong, còn quân sĩ thì chần chừ không có ý muốn đi, lại muốn thay đổi Thống tướng khác.
Thủy quân Tây Sơn từng có nhiều trận chiến lẫy lừng. Ảnh minh họa.
Đến khi Tự Quyền đem quân rời khỏi thành mới được 30 dặm, thì quân Tây Sơn đã đến Vị Hoàng rồi.
Trịnh Khải lại hạ lệnh khác cho Tự Quyền vẫn đem các quân bản bộ tiến đến chống cự ở Kim Động.
Đồng thời một mặt sai cho Đỗ Thế Dận, trấn thủ Sơn Nam, lập tức đem quân bộ tiến đến đóng ở bờ sông Phù Sa, rồi sai Liễn Trung hầu Đinh Tích Nhưỡng đốc lãnh các quân thủy đạo tiến thẳng đến giữ ở cửa Luộc, là cửa sông Luộc chảy vào sông Hồng, là giáp ranh giữa huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) và huyện Hưng Hà (Thái Bình) ngày nay.
Đinh Tích Nhưỡng vốn là danh tướng của chúa Trịnh, dòng dõi tướng Đinh Văn Tả, quê làng Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng, trấn Hải Dương. Ông thi đỗ Tạo sĩ, sớm cầm quân, được trông coi thủy quân Bắc Hà.
Lúc đó Đinh Tích Nhưỡng đang đánh nhau với bọn thủy khấu ở vùng Hải Dương. Thấy quân Tây Sơn ra, bọn thủy khấu liền kéo về theo hàng quân Tây Sơn cả. Do đó, triều đình vua Lê chúa Trịnh sai luôn Tích Nhưỡng cầm thủy quân phòng giữ phía Nam.
Trận đánh kinh điển
Đêm hôm đó gió Đông Nam thổi mạnh, quân Tây Sơn từ hạ lưu cho năm chiếc thuyền làm tiền bộ tiên phong, giương buồm ngược dòng tiến lên, đại quân thì từ từ tiến theo.
Đinh Tích Nhưỡng liền sai các quân bày "trận chữ nhất" (-) chắn ngang sông, đạn súng và tên nỏ cùng một lúc bắn ra.
Bộ sử của sử quan triều Nguyễn Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép chi tiết trận đánh ấy như sau: "Trông xa thấy một chiếc thuyền giặc tan vỡ rồi bị đắm, còn các thuyền khác cứ nối nhau tiến lên không ngừng, mà trong thuyền vẫn im lặng không có tiếng người.
Trong lúc hoảng hốt sợ hãi thì trời đã sáng rõ, mới biết những người chân sào đều đều là bù nhìn cả. Lúc ấy, thuốc súng và đạn của quân Trịnh đều hết, đại đội châu sư của quân Tây Sơn vừa đánh trống vừa reo hò tiến lên, thanh thế kinh thiên động địa.
Quân Nam lại dùng toán quân nhanh nhẹn sắc bén xông thẳng vào hàng ngũ quân Đỗ Thế Dận, đem ống phun lửa loạn xạ, quân của Thế Dận kinh sợ tan vỡ. Toán quân của Đinh Tích Nhưỡng la ó om sòm, tranh nhau bỏ thuyền chạy.
Toán quân của Trịnh Tự Quyền nghe tin, cũng sợ hãi rối loạn rồi tự tan vỡ. Quân Nam bèn đánh phá được trấn Sơn Nam, rồi đưa tờ hịch đi các lộ, bày tỏ danh nghĩa "diệt Trịnh, phò Lê"".
Sách Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái cũng tường thuật sống động: "Bấy giờ Trướng Trung hầu Đỗ Thế Dận đang dàn quân ở hai bên bờ sông, thấy đạn bay qua lại, quân lính đều kinh hãi, cơ hồ muốn vỡ.
Quan Nam thừa thế bỏ thuyền kéo ùa lên bờ. Quân của Trướng Trung hầu bỏ chạy hết. Quân Nam kéo thẳng đến dinh trấn, Trướng Trung hầu và viên Đốc đồng Nguyễn Huy Bình đều một mình bỏ trốn. Quân của Thái Đình hầu đóng ở cửa Kim Động cũng tự vỡ mà chạy".
Quang Trung Nguyễn Huệ là một danh tướng hiếm có trong lịch sử cổ kim Việt Nam, ông tinh thông cả hải lẫn bộ chiến. (Ảnh: Minds.com).
Thư báo tin thua trận tới tấp đưa về kinh thành Thăng Long, các quan văn võ trong triều ai nấy chỉ cuống lên lo thu xếp chỗ ẩn náu cho vợ con và cất giấu của cải, không một ai đứng ra nhận chống lại quân Tây Sơn cả.
Chúa Trịnh Khải bèn gọi Thạc Quận công Hoàng Phùng Cơ từ Sơn Tây về hộ giá, nhưng không thể nào ngăn được thế chẻ tre của quân Tây Sơn. Chỉ trong một trận, quân Tây Sơn từ sông Hồng, theo bến Thúy Ái xông thẳng lên kinh thành, chiếm trọn phủ chúa Trịnh.
Chúa Trịnh Khải chạy trốn lên đến làng Hạ Lôi huyện Đông Ngàn (nay thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội) thì bị viên Tuần huyện Nguyễn Trang bắt lại, định đưa về nộp cho quân Tây Sơn lấy thưởng. Trịnh Khải liền lấy dao đâm cổ tự vẫn. Sử chép hôm đó là ngày 27 tháng 6 (âm lịch) năm 1786.
Sau này, khi quân Tây Sơn rút về, dư đảng họ Trịnh tìm một người bác của Trịnh Khải là Trịnh Bồng để đòi vua Lê phong cho làm Chúa, nhưng không bao lâu sau bị Nguyễn Hữu Chỉnh dẹp tan, Trịnh Bồng bỏ đi mất tích, chính thức sự nghiệp các chúa Trịnh kéo dài 243 năm bên cạnh các vua Lê.
(Tài liệu tham khảo: Khâm định Việt sử thông giám cương mục; Hoàng Lê nhất thống chí)