Trận hải chiến kinh điển giữa Triều Tiên và Nhật Bản: 13 tàu đấu lại địch đông gấp 10 lần

Gohan |

Dù trên biển hay trên cạn, sở hữu quân số nhiều hơn đồng nghĩa với nắm được nhiều cơ hội thắng hơn. Tuy nhiên có một trận hải chiến lại không tuân theo quy luật này khi lấy 1 chọi 10 mà vẫn có kết quả lạc quan.

Đó là trận hải chiến có tên Myeongnyang diễn ra năm 1597 giữa quân đội Nhật và Hải quân Joseon (Triều Tiên) trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên dâng cao.

Toyotomi Hideyoshi - người đã thống nhất toàn bộ Nhật Bản mang theo dã tâm lớn hơn và quyết tâm tiến bằng được vào Hoàng Hải để thôn tính Joseon. Hideyoshi cố gắng sử dụng thế mạnh của mình là hải quân và dùng nhiều kế phản gián khiến vị tướng tài giỏi nhất bên Triều Tiênmất chức.

Dụng tâm của Hideyoshi không hề vô ích khi đại tướng Yi Sun-sin (Lý Thuấn Thuần) dính vào một vụ lùm xùm và buộc phải từ chức Đô đốc, xuống làm một quân nhân bình thường. Hạm đội 166 chiến thuyền hạng nặng mà Yi dày công xây dựng rơi đúng vào tay đối thủ của ông là tướng Won Gyun.

Trận hải chiến kinh điển giữa Triều Tiên và Nhật Bản: 13 tàu đấu lại địch đông gấp 10 lần - Ảnh 1.

Đội tàu của Joseon từng rất mạnh với hơn 160 thuyền hạng nặng. Hình minh họa

Vào ngày 27/5/1597, đại tướng Won Gyun ngay sau khi ngồi vào ghế Đô đốc Hải quân của Joseon đã ngay lập tức tổ chức một cuộc chiến chống lại Nhật Bản với mục đích đánh phủ đầu, ngăn chặn bước tiến công của kẻ thù vào Hoàng Hải.

Mục đích của Won Gyun không hề tồi nhưng cách làm thì vô cùng tệ hại. Ông ta khai chiến mà không hề nắm được thông tin chính xác về số lượng tàu, cách bố trí cũng như khu vực đóng quân của Nhật, đến chiến trường Chilchonryang - nơi diễn ra trận chiến cũng không được nghiên cứu.

Đáng buồn hơn, Won Gyun huy động toàn bộ đội tàu của hải quân Joseon đến Busan tham dự trận chiến mà không hề có "phương án B".

Kết quả, Won Gyun sốc nặng khi thấy "siêu hạm đội" của Nhật, phải có đến gần 500 tàu, vượt trội hoàn toàn nếu so với số lượng 166 của Triều Tiên. Thậm chí, có một chỉ huy tàu có tên Bae Seol còn hoảng sợ đến nỗi bỏ chạy cùng 12 tàu khác dưới quyền.

Ở một góc nhìn khác, có lẽ Bae Seol đã đúng khi toàn bộ đội thuyền còn lại cũng bị Won Gyun nướng sạch tại trận Chilchonryang. Hải quân Joseon dù đã rút lui về một đảo ở gần đó cố thủ xong vẫn bị phía Nhật tập kích trong đêm và tiêu diệt đại đa số.

Trận hải chiến kinh điển giữa Triều Tiên và Nhật Bản: 13 tàu đấu lại địch đông gấp 10 lần - Ảnh 2.

Trận đánh với sự chênh lệch không thể tưởng tượng nổi. Hình minh họa

Với thất bại cay đắng này, hải quân Triều Tiên gần như bốc hơi khỏi cuộc chơi, chính Won Guyn tự tay mở rộng cửa mời quân Nhật tiến vào Hoàng hải, trái ngược hẳn với mục đích ban đầu của trận Chilchonryang.

Nhận hung tin từ phía Won Gyun, vua của Joseon lập tức phục chức Đô đốc cho Yi Sun-sin song tất cả quân số mà ông có được chỉ là 13 tàu chiến, trong đó có 12 chiếc Panokseons là những "kẻ bỏ chạy" từ trận Chilchonryang.

Như vậy trong tay vị tướng tài ba kia cũng chỉ là vỏn vẹn 13 tàu chiến Panokseons và khoảng hơn 200 binh sĩ. Sau này những người sống sót từ Chilchonryang đã quay lại hợp quân để nâng tổng số thành khoảng hơn 1500 binh sĩ vũ trang. Nhưng với quân số này, muốn cầm chân quân Nhật một ngày cũng khó chứ đừng nói là chiến thắng.

Cuối tháng 10/1597, dù không muốn nhưng Yi Sun-sin vẫn buộc phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù bởi sau lưng ông lúc này đã là kinh đô của Triều Tiên, nếu từ bỏ trong trận này đồng nghĩa với việc họ sẽ mất tất cả.

Trận hải chiến kinh điển giữa Triều Tiên và Nhật Bản: 13 tàu đấu lại địch đông gấp 10 lần - Ảnh 3.

Sự việc còn tồi tệ hơn khi nhân đà thắng lợi, quân Nhật tiếp tục tiến công vào sâu hơn, sẵn sàng chiếm lấy Hoàng hải, uy hiếp Joseon bất cứ lúc nào với hơn 133 tàu chiến hạng nặng, ít nhất 200 tàu nhỏ, hậu cần luôn có thể tham chiến khi cần.

Với sự chênh lệch khủng khiếp như thế, không cần nói cũng biết, tham chiến trong trận này đồng nghĩa với tự sát. Gần như toàn bộ quân lính Triều Tiên hoang mang, lo sợ ngoại trừ đại tướng Yi Sun-sin - người kiên định với tư tưởng phải tử chiến để bảo vệ Joseon.

Thật ra, nếu nói Yi Sun-sin không sợ thì chưa hẳn đã chính xác nhưng việc đó không ngăn được vị Đô đốc này làm điều đúng đắn dù rất khó khăn.

Trận hải chiến kinh điển giữa Triều Tiên và Nhật Bản: 13 tàu đấu lại địch đông gấp 10 lần - Ảnh 4.

Trận chiến kinh điển trong lịch sử hải quân thế giới.

Ông không nóng vội như Won Gyul lao vào quân Nhật như những con thiêu thân mà cố gắng tìm kế sách, khảo sát chiến trường, động viên binh sĩ... Nói chung là tất cả những gì có thể để chuẩn bị tốt nhất cho trận chiến lịch sử này.

Cuối cùng Yi Sun-sin (Lý Thuấn Thuần) chọn eo Myeongnyang sẽ là chiến trường cuối cùng để quyết chiến với quân Nhật. Myeongnyang là nơi hiểm trở với nhiều dòng nước xoáy mạnh, eo biển nhỏ cũng giúp bảo vệ hải quân Triều Tiên không bị đánh thọc sườn và cũng khiến quân Nhật không đồng loạt tiến lên bao vây được.

Nếu được so sánh, đây không khác gì trận Thermopylae thời cổ đại khi 300 lính Sparta cố thủ ở một khe núi hẹp chống lại hàng chục ngàn quân địch.

Đến ngày 26/10, quân Nhật bắt đầu tiến công. Lý Thuấn Thuần dàn đội hình 13 tàu thành hình cánh cung, rồi ra lệnh xếp tàu cá, tàu nhỏ hay bất kỳ vật nào nổi được để tạo cảm giác đông hơn.

Nhưng điều đó cũng không giúp được tình hình trở nên khả quan hơn, trong lúc cả đội hình tiến công để đối đầu địch tại eo Myeongnyang, biến cố đã xảy ra. Đồng loạt 12 tàu khác bất ngờ dừng lại, chỉ còn duy nhất chiếc của Yi Sun-sin tham chiến.

Điều này khiến cho Đô đốc Yi dù kiên định cứng cỏi đến thế nào cũng trở nên sụp đổ khi bị chính tướng sĩ của mình bỏ rơi. Nhưng ông biết, nếu như từ bỏ lúc đó, kết cục không gì khác ngoài cái chết.

Yi Sun-sin hét to một tiếng:

Trận hải chiến kinh điển giữa Triều Tiên và Nhật Bản: 13 tàu đấu lại địch đông gấp 10 lần - Ảnh 5.

...rồi vẫn băng băng tiến lên, nổ pháo vào quân địch dù biết như thế không khác nào lấy 1 chọi 133 (không tính tàu nhỏ hay tàu hậu cần). 

Về phía quân Nhật, với sự chênh lệch như thế, sự tự tin cộng thêm việc chỉ phải đối đầu với duy nhất một chiến hạm của Triều Tiên khiến sĩ khí binh sĩ lên cao chưa từng có. Lần lượt các đội thuyền tiến lên tấn công tàu của Yi Sunsin.

Nhưng bất ngờ là, địa hình nhỏ hẹp của eo Myeongnyang gây cản trở nhiều hơn những gì quân Nhật đã tưởng tượng trước đó. Những xoáy nước lớn làm đội tàu Nhật mất kiểm soát, nhiều chiếc va chạm mạnh vào nhau, lại thêm chiến thuyền của Đô đốc Yi liên tục bắn phá khiến quân Nhật chết như ngả rạ.

Trận hải chiến kinh điển giữa Triều Tiên và Nhật Bản: 13 tàu đấu lại địch đông gấp 10 lần - Ảnh 6.

Sơ đồ trận chiến cũng như tương quan số lượng. Hình minh họa

Vô tình, xác của một tướng quân cao cấp bên Nhật trôi đến gần thuyền của Yi Sun-sin. Ông nhanh chóng ra lệnh chặt lấy thủ cấp và treo lên cột buồm. Điều này không chỉ khiến tinh thần của quân Nhật tan vỡ nhanh chóng mà còn là động lực thúc đẩy chỉ huy của 12 thuyền con lại quyết tâm tham chiến.

Đội tàu Nhật Bản nhanh chóng cử thêm các đơn vị ra chi viện. Điều đó khiến cho trận chiến khốc liệt hơn, khó khăn hơn với Đô đốc Yi, dù cho 12 tàu còn lại đã tham chiến.

Trận hải chiến kinh điển giữa Triều Tiên và Nhật Bản: 13 tàu đấu lại địch đông gấp 10 lần - Ảnh 7.

Hình minh họa

Nhưng giữa lúc chiến sự căng thẳng nhất, thủy triều bất ngờ đổi hướng, các xoáy nước càng trở nên hung hiểm hơn và điều này "nằm trong dự tính của Lý Thuấn Thuần".

Đội tàu bên Nhất càng đông thì lúc này càng trở nên hỗn loạn do bị ảnh hưởng từ thủy triều, chúng bị trôi dạt, mắc vào nhau như một mớ lộn xộn. Lúc này, đội tàu của Yi Sun-sin càng nã pháo liên tục, sự chênh lệch về số lượng trở nên vô nghĩa khi kẻ thù đã tắc cứng một chỗ, trở thành mục tiêu không thể ngon ăn hơn.

Chỉ trong khoảng thời thời gian ngắn, hơn 30 chiến thuyền phía Nhật bị vô hiệu hóa hoặc đánh đắm không thể tham chiến, binh sĩ của những tàu còn lại hoang mang cực độ. Chỉ huy cao cấp phía Nhật Bản cũng sốc cực độ và ra lệnh rút lui khi thấy hạm đội không còn có thể chiến đấu một cách hiệu quả.

Trận hải chiến kinh điển giữa Triều Tiên và Nhật Bản: 13 tàu đấu lại địch đông gấp 10 lần - Ảnh 8.

Hình minh họa

Cuối cùng Đô đốc Yi Sun-sin đã giành cho mình một chiến thắng lịch sử khi phải chống lại kẻ thù đông gấp 10 lần (nếu tính cả thuyền nhỏ thì phải gấp hơn 20 lần). Ông quyết đưa quân lính của mình vào thế không thể lùi bước mà chỉ còn cách liều chết xông lên.

Chiến thắng này một lần nữa khẳng định tài cầm quân, nhãn quan chiến thuật nhạy bén và đặc biệt là sự kiên định khó ai sánh bằng của Lý Thuấn Thuần.

Tham khảo nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại