Đó là chuyện diễn ra vào thời vua Lê Tương Dực (trị vì từ 1509-1516). Chỉ 2 năm sau khi Lê Tương Dực lật đổ vụ "vua quỷ" Lê Uy Mục để lên ngôi vua, thì tình hình trong nước vẫn chưa yên, ngay tại Sơn Tây nổ ra một cuộc nổi loạn khiến kinh thành Đông Kinh rúng động.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng 11, năm 1511, Trần Tuân, cháu của Lại bộ thượng thư Trần Cận trước kia, người làng Quang Bị, huyện Bất Bạt nổi loại ở vùng Sơn Tây. Ảnh hưởng của cuộc nổi dậy khiến nhân dân các phố xá ở kinh thành náo động, nhà nhà đều đem vợ con về quê quán, đường phố không còn một ai đi lại.
Thấy nhân dân quá kinh sợ giặc, vua Tương Dực phải sai Hộ bộ hữu thị lang Lê Đĩnh Chi, cùng các quan đi khám xét các phố xá hàng chợ, xem người nào còn nhà ở, người nào vợ con đã về quê quán, ra lệnh cấm rất nghiêm ngặt, xử tội rất nặng những người đã cho vợ con về quê quán, dân chúng khó bè nhắc chân động tay.
Do đó, dân kinh thành đành phải nhờ người khác đến, nói dối là vợ con mình để đợi quan tới khám xét. Sau đó, vua lại sai người đến tận nhà các đại thần và văn thần xem thực hư ra sao, thì thấy vợ con của 5 người là bọn Lê Đĩnh Chi, Nguyễn Tông Thốc, Nguyễn Lý Quang và Hàn lâm kiểm thảo Ngô Tuy, Giám sát ngự sử Trần Húc đều đã về nguyên quán.
Vua mới sai giết bọn Đĩnh Chi ở ngã ba phường Đông Hà, vì cho rằng bọn Đĩnh Chi làm quan đi khám xét mà vợ con lại trốn về quê trước, cho nên xử tội.
Để đánh quân Trần Tuân, vua Tương Dực sai Mỹ Huệ hầu Trịnh Duy Sản cầm quân xuất trận. Bấy giờ, quân của Tuân đã tiến sát đến huyện Từ Liêm (Quốc Oai), quân triều đình bại trận, lui về đóng ở các xứ Đông Ngạc, Nhật Chiêu.
Thế quân của Trần Tuân rất mạnh, muốn bức sát kinh thành. Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lang sai quân 6 vệ Điện tiền kéo thuyền Tiểu Thiên Quang xuống sông, định đưa hoàng đế ngự về Thanh Hoá, giữ nơi hiểm yếu rồi gọi hết bọn thợ của các sở ở Công bộ và thợ thường ban, bày kỵ binh ở xứ Đông Hà để giữ. Đến đêm, bọn thợ hoảng sợ trốn về cả.
Vua Tương Dực lại sai Minh Luân bá Lê Niệm, Tổng thái giám Lê Văn Huy và 2 người khoa văn học sinh đem lực sĩ của hai ty Hải Thanh và Hà Thanh chèo hai chiếc thuyền nhẹ ra xứ Từ Liêm để dò xét tình hình quân giặc.
Lê Niệm đến chợ An Giang, trước thấy phố xá bị thiêu trụi, quan quân đã bại trận rút về, vượt sông vào xã Quả Hối. Niệm sợ hãi vội chạy về, hốt hoảng vào điện tâu lại sự tình trước mặt Tương Dực, khiến triều đình càng thêm náo loạn.
Mỹ Huệ hầu Trịnh Duy Sản. Tranh minh họa: Báo Bình Phước.
Đội quân cảm tử của Trịnh Duy Sản
Lúc bấy giờ, quân của Trịnh Duy Sản bị giặc đánh bại, thủ hạ chỉ còn hơn 30 người. Đội quân này liền xé áo làm hiệu, thề cùng nhau đánh giặc.
Giờ Dậu (chập tối), đội quân ít ỏi của Trịnh Duy Sản thình lình xuất hiện, đột kích vào dinh của Trần Tuân, thấy Tuân mặc áo đỏ ngồi trên giường, liền dùng giáo đâm chết Tuân, bè đảng của Tuân đều tan chạy cả. Những quân lính của Tuân đóng ở chỗ khác, không biết là Tuân đã chết, vẫn cứ đóng quân như trước.
Ngày 20 tháng 11, vua Tương Dực làm lễ tấu cáo ở Thái Miếu, rồi sai Nguyễn Văn Lang đem tướng sĩ, voi ngựa của các doanh xuất quân ra ngoài thành. Bấy giờ, Duy Sản liền thừa thế bắn ba tiếng súng, các quân đánh trống hò reo tiến vào, đánh tan quân giặc, đuổi theo đến các xã Thuỵ Hương, Quả Động, Đông Ngạc, đâm chết rất nhiều.
Trịnh Duy Sản quê gốc ở làng Thủy Chú, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá. Ông là cháu nội Ngọc quận công Trịnh Khắc Phục, công thần khai quốc nhà Hậu Lê và là ngoại thích của Lê Tương Dực.
Ông Trịnh Khắc Phục sinh 8 người con trong đó có Trịnh Trọng Ngạn và Trịnh Trọng Phong. Trịnh Trọng Ngạn sinh ra Trịnh Duy Sản.
Còn Trịnh Trọng Phong là cha của Trịnh Thị Tuyên, chính thất của Kiến vương Lê Tân và là mẹ ruột của vua Lê Tương Dực, đã bị Lê Uy Mục giết hại vào năm 1509. Xét về vai vế, Trịnh Duy Sản là anh họ của Trịnh phu nhân và là cậu của Lê Tương Dực.
Nhờ chiến công giết chết Trần Tuân, sau này định công ban thưởng, vua ban phong Trịnh Duy Sản là Nguyên quận công, những người đi theo Duy Sản đâm chết được nhiều giặc đều được trao chức đô chỉ huy đồng tri. Việc xét quân công có lệ người nào giết được nhiều giặc thì được trao quan chức bắt đầu từ đó.
Thí vua rồi chịu số phận bi thảm
Tuy nhiên sau khi dẹp được nội loạn, vua Tương Dực cũng lại đi vào vết xe đổ của vua trước là Uy Mục, ông chỉ lo xây cất nhà cửa, lâu đài, chơi bời xa xỉ truỵ lạc, hoang dâm, đến sứ nhà Minh sang cũng gọi là "vua lợn".
Và chính Nguyên Quận công là Trịnh Duy Sản lại là người đem đến cái chết cho vị vua này. Vốn Trịnh Duy Sản nhiều lần trái ý Tương Dực, bị đem đánh bằng roi, rồi sinh lòng thù hận. Duy Sản bất mãn mưu với thái sư Lê Quảng Độ và Trình Trí Sâm để lập người khác, sửa sang binh giới để nổi loạn.
Đến ngày 7 tháng 4 (âm lịch) năm 1516, quân của Trịnh Duy Sản đâm chết vua Tương Dực ở hồ Chu Tước, phường Bích Câu, đem xác về quán Bắc Sứ, khâm liệm rồi đem thiêu. Khâm Đức hoàng hậu cũng nhảy theo vào lửa tự thiêu. Quân sĩ đem hai quan tài về chôn ở huyện Ngự Thiên, giáng phong hoàng đế làm Linh Ẩn Vương.
Trịnh Duy Sản đưa Lê Chiêu Tông lên ngôi vua, rồi tự mình lũng đoạn triều chính, khiến triều đình nhà Lê ngày càng suy vong.
Năm 1516, Trịnh Duy Sản đem quân đi đánh quân nổi loạn của Trần Cảo, bị phục binh, quân sĩ tan tác, Trịnh Duy Sản bị quân của Trần Cảo bắt sống mang về hành dinh ở Vạn Kiếp giết chết.
Các sử quan thời Lê cho rằng Trịnh Duy Sản là một nghịch thần, sách Đại Việt thông sử chép tiểu sử ông vào Nghịch thần truyện. Tuy nhiên, xét công bằng Trịnh Duy Sản cũng có công với nhà Lê, có nhiều công dẹp giặc giã.
Khi Lê Tương Dực ăn chơi truỵ lạc, ông đã thẳng thắn can ngăn, nhưng cuối cùng không đủ sức để giữ được triều đình đã mục nát qua mấy triều vua xa hoa, trụy lạc. Sau khi Trịnh Duy Sản chết chỉ 11 năm, nhà Lê sơ mất ngôi vào tay Mạc Đăng Dung.
(Theo Đại Việt Sử ký toàn thư và Đại Việt Thông sử)