Kỳ 1: Chuyện cảm động ghi ở Bệnh viện Hữu nghị: 4 vị tướng cúi đầu bên giường một vị trung tá (Xem tại đây)
Kỳ 2: Cờ đỏ sao vàng tung bay trên Kỳ đài Huế
Dăm năm trước, có lần ngồi "trà thuốc" với Hùm xám Đặng Văn Việt ở căn phòng nhỏ của ông trên tầng 4, tôi hỏi: "Nay đã gần trăm tuổi, thời thanh niên của bác rất sôi nổi thăng trầm nhưng điều gì làm bác nhớ nhất ?".
Người lính già nheo đôi mắt nhìn đời gần thế kỷ rồi cười đáp: "Cuộc đời tôi có 5 biến cố lớn nhưng sự kiện đầu tiên chính là cách mạng tháng 8".
Phút sinh tử trước họng súng của lính Bảo Đại
Ông Việt nhớ lại, sau cách mạng tháng 8-1945, ông rời Hà Nội trở về Huế và nhập học Trường Thanh niên Tiền tuyến do luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu lập ra, hiệu trưởng khi đó là ông Phan Tử Lang.
Một mặt hình thức đây là tổ chức thuộc Bộ Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng bên trong thực chất lại là hoạt động Việt Minh. Đặng Văn Việt nằm trong nhóm 4 sinh viên Việt Minh từ Hà Nội trở về hoạt động bí mật tại trường. Tổ trưởng khi đó là anh Lâm Kèn, anh Phan Hàm, anh Võ Quang Hồ sau này đều là thiếu tướng quân đội cả.
Người mà Đặng Văn Việt và Lâm Kèn khi đó thường gặp xin chỉ thị là đồng chí Hoàng Anh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa – Thiên Huế, sau này là Phó thủ tướng Chính phủ) và đồng chí Trần Hữu Dực (nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến Trung Bộ, sau này là Phó thủ tướng Chính phủ).
Chàng thanh niên Đặng Văn Việt cùng bạn học đã được "Việt Minh hóa" với 43 sinh viên trở thành 43 sĩ quan của Giải phóng quân Thừa Thiên – Huế sau này.
Đúng thời điểm đó, cách mạng tháng 8 nổ ra, ngày 20-8-1945 Đặng Văn Việt nhận được tin cử đến một địa điểm bí mật gặp đồng chí Trần Hữu Dực và được trao nhiệm vụ treo cờ đỏ sao vàng trước Kỳ đài Ngọ Môn vào sáng 21-8.
Chàng thanh niên 25 tuổi hăng hái nhận nhiệm vụ rồi cuộn tròn lá cờ vào bao tải đem về Trường. Cùng lúc đó, tổ chức huy động thêm anh Nguyễn Thế Lương (tức Cao Pha, sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục 2) cùng tham gia với Đặng Văn Việt.
Đồng chí Lâm Kèn tổ trưởng giao cho Việt một khẩu súng lục để thị uy. Đồng thời yêu cầu Việt và Nguyễn Thế Lương phải ăn mặc đồng phục chỉnh tề của Trường, đi giày da, đội mũ ca nô sao cho oai phong lẫm liệt nhất.
Đặng Văn Việt trở lại nơi hào hùng mùa thu 1945 khi ông kéo cờ cách mạng trên Kỳ đài Huế.
Khi đó, Kỳ đài Huế nằm cách Ngọ Môn khoảng 300m, trên khuôn viên 4 héc-ta, xây 3 tầng cao 17,5m, chính giữa là cột bê tông 30m. Trên đỉnh cột cờ có ròng rọc, dây kéo cờ to bằng cổ tay, phải 5-6 người mới kéo nổi. Có một tiểu đội 12 người với súng trường canh gác kỳ đài. Ngoài ra là 120 lính khố vàng trang bị súng, pháo và cả thần công để bảo vệ nhà vua.
Sáng sớm 21-8, không khí mùa thu dịu mát, bầu trời cố đô Huế trong xanh cao vợi, Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương cuộn lá cờ buộc chặt lại, gác lên hai xe đạp rồi còng lưng đẩy xe đến chân Kỳ đài.
Việt dặn Lương đợi ở xe để anh vào gặp thầy đội chỉ huy rồi nói: Theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến Trung Bộ, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ cách mạng lên thay cờ quẻ ly. Các anh hãy giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Viên thầy đội có phần nao núng, liền bảo 2 tên lính đến giúp Việt và Lương đưa cờ lên. Thầy đội và 6 tên lính đứng dàn hàng ngang, Lương đứng ở đầu hàng, Việt đứng ngoài rồi ra lệnh hạ cờ quẻ ly, kéo cờ Việt Minh lên… Khi là cờ đỏ sao vàng vừa tung bay trước gió, đội cảnh vệ của vua Bảo Đại đã chĩa súng từ xa về phía Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương.
Ông Việt kể, khi ấy Bảo Đại đã định cho nổ súng nhưng Nam Phương hoàng hậu ngăn lại, bà viện dẫn với nhà vua rằng, trong lịch sử cách mạng Pháp 1789, vua Louis 16 và Marie Antoinette vì cho lính bắn người cách mạng mà cả hai bị chém đầu… Vua Bảo Đại nghe xong lập tức ra lệnh: "Chớ, không được bắn, các ngươi mà bắn thì trẫm chết trước đó".
Bước chân vào binh nghiệp
Thành công trong "trận đánh" treo cờ cách mạng trước 120 họng súng của nhà vua đã mở ra một trang mới trong cuộc đời Đặng Văn Việt. Hai ngày sau, 23-8-1945, nhân dân đồng loạt đứng lên giành chính quyền tại Huế, vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng tại Việt Nam.
Ngày 1-9, đồng chí Trần Hữu Dực giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng cho Thanh niên Tiền tuyến Huế, sau 15 ngày, 25 phân đội Giải phóng quân được thành lập.
Người lính già Đặng Văn Việt giờ bách niên vẫn bồi hồi khi nhớ lại năm tháng ấy, khi chàng thanh niên 25 tuổi chưa hề được học về quân sự nhưng có "năng khiếu" chỉ huy nên liên tục được giao nhiệm vụ quan trọng.
Việt trở thành Trung đội trưởng Trung đội 1, khi quân Pháp đổ bộ vào cửa Thuận An, Trung đội đã mưu kế bắt gọn một quan ba và hai tên quan hai Pháp. Đến tháng 12-1945, 4 phân đội vũ trang được điều sang mặt trận Đường 9 Trung Lào với Đặng Văn Việt làm Chỉ huy trưởng.
Tại đây, Việt đã chỉ huy đánh địch tại trận Mường Phìn, Pha Lan, Đồng Hến, ngăn bọn lính Pháp đánh vào miền Trung nước ta. Sau đó Đặng Văn Việt tiếp tục làm Tham mưu trưởng Mặt trận đường số 7 Thượng Lào…
Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt cùng cựu chiến binh Trung đoàn 174 trong ngày gặp mặt truyền thống
Mùa hè năm 1946, ông Hoàng Đạo Thúy, Hiệu trưởng Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn đã đưa Đặng Văn Việt về làm giảng viên khóa 1.
Cuối năm 1947, Đặng Văn Việt về Bộ Tổng Tham mưu rồi được "biệt phái" lên mặt trận đường số 4. Chàng trai trẻ hừng hực ngọn lửa cách mạng đến với núi rừng biên giới Việt Bắc càng hun đúc thêm tinh thần giải phóng dân tộc quật cường.
Một sớm mùa thu ngày 19-8 tại xã Đức Long, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng, Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng được thành lập trên cơ sở hợp nhất lực lượng 3 tiểu đoàn mạnh nhất của 3 trung đoàn thuộc 3 tỉnh gồm: Trung đoàn 74 (Cao Bằng), Trung đoàn 72 (Bắc Cạn), Trung đoàn 28 (Lạng Sơn).
Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 174 hầu hết là con em các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... vùng rừng núi Cao-Bắc-Lạng.
Và phiên hiệu 174 chính là con số cộng lại của 3 trung đoàn. Trung đoàn trưởng đầu tiên Đặng Văn Việt, Chính ủy đầu tiên Chu Huy Mân (sau này là Đại tướng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước).
Người cựu trung đoàn trưởng đầu tiên ấy nheo đôi mắt đã gần một thế kỷ nhìn cuộc đời và kể rằng: "Tôi tự hào vì Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 Sông Lô (Trung đoàn trưởng Lê Trọng Tấn - sau này là Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng) là 2 trung đoàn chủ lực, độc lập đầu tiên trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam".
Và cũng từ đây, "hùm xám đường số 4" thực sự vẫy vùng.
(Còn tiếp)