Trận cuối để đời: Hùm xám đường số 4 khiến quân thù khiếp vía

Hoàng Trường Giang lược ghi |

Từ các hỏa điểm đạn bắn ra như mưa, con nhím đồn Mộc Châu đang xù lông tua tủa với hàng trăm ngàn mũi gai nhọn… Vào thời điểm này, D249 đã cưỡi lên lưng hổ, không thể nào xuống...

Kỳ 1: Chuyện cảm động ghi ở Bệnh viện Hữu nghị: 4 vị tướng cúi đầu bên giường một vị trung tá (Xem tại đây)

Kỳ 2: Cờ đỏ sao vàng tung bay trên Kỳ đài Huế (Xem tại đây)

Kỳ 3: Công đồn Mộc Châu - Trận đánh để đời

Đặng Văn Việt nói, cuộc đời binh nghiệp 15 năm của ông đánh trên trăm trận, khiến kẻ thù khiếp sợ gọi tên "Hùm xám đường số 4", bá chủ tuyến biên giới từ Bình Liêu (Quảng Ninh) đến Lạng Sơn. Nhưng trận công đồn Mộc Châu, mở đường vào Tây Bắc là một trận đánh đẹp để đời… và cũng là lần cuối ông ra trận.

Con nhím trên cao nguyên

Tháng 11-2018 là kỷ niệm 66 năm ngày quân đội ta đánh thắng trận Mộc Châu (Sơn La), mở đường lên chiến trường Điện Biên Phủ và vùng thượng Lào.

Đặng Văn Việt - Trung đoàn trưởng của Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) năm xưa được giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị đánh trận Mộc Châu giờ đã sắp sang tuổi 100. Tôi vào thăm ông trong bệnh viện, ông vẫn run run mở chiếc cặp cũ lôi đống ảnh, tư liệu chiến tranh ra để… khoe.

… Khi đó phân khu Mộc Châu có một vị trí rất đặc biệt, nằm giữa Quân khu Tây Bắc, dưới Sơn La, trên Hòa Bình, án ngữ trục quốc lộ 6 và ngã ba Pa Háng để sang Lào.

Trận cuối để đời: Hùm xám đường số 4 khiến quân thù khiếp vía - Ảnh 1.

Di tích Đồn Mộc Ly (Mộc Châu).

Ông Việt nhấn mạnh, đồn Mộc Châu là hệ thống phòng thủ của Pháp với bố cục đặc biệt khi nằm trên một núi đá tai mèo, có chiều dài gần 500 mét, vách đứng thành vại và được bố trí tới gần 100 hỏa điểm cố định thay cho lô cốt, 2 vạn quả mìn, 2.000 tấn dây thép gai các tầng lớp…Ban ngày leo lên được núi còn khó, chưa nói gì tới ban đêm.

Đồn Mộc Châu khi đó như một con nhím khổng lồ, húc vào là nguy cơ chỉ có chết. Đồn có 1 tiểu đoàn lính Thái, 1 đại đội biệt kích, quân số chừng 450 tên, được trang bị 2 đại bác 94ly, 2 cối 81, trọng liên 20, 2 đại liên, 27 trung liên.

Trong số gần 100 hỏa điểm, mỗi hỏa điểm bố trí 2-3 người, có dự trữ đủ đạn dược, lương thực để chiến đấu kéo dài. Ngoài ra, địch chất dây thép gai thành 4 lớp bùng nhùng để không thể phá bằng bộc phá, mìn được gài khắp nơi, trên các nẻo đường, trong vườn rau và cả trên lớp dây thép gai…

Trên đỉnh núi, địa hình được san phẳng để làm đài quan sát, đặt trung tâm hỏa lực, thông tin và chỉ huy. Ngoài đồn chính, địch còn bố trí hai trạm tiền tiêu, mỗi trạm 1 tiểu đội là Pom Lót và Pom Thơm.

Lương thực được chúng tập trung thành 4 nhà kho lớn và phát thóc, gạo cho dân 2 đến 3 ngày 1 lần để dân không có lương thực dự trữ tiếp tế cho Việt Minh. Đồng thời địch tập trung dân các bản lân cận thành một bản lớn cạnh đồn để chúng dễ bề kiểm soát, không người nào có thể đi xa khi chưa được sự cho phép.

Trận cuối để đời: Hùm xám đường số 4 khiến quân thù khiếp vía - Ảnh 2.

Tác giả bài viết cùng Trung tá Đặng Văn Việt - Người được mệnh danh là "Hùm xám đường số 4".

Khi Bộ Tổng tư lệnh chủ trương mở chiến dịch Tây Bắc với mục đích tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phòng vùng Tây Bắc rộng lớn thì trận Mộc Châu được coi là một trận then chốt. Nếu Mộc Châu không bị tiêu diệt thì coi như chiến dịch bế tắc, đường số 6 không thể bị khống chế.

Thế trận của địch vẫn vững chắc và chưa biết khi nào chúng ta mới giải phóng được Tây Bắc. Nếu ta không làm chủ được Mộc Châu thì hàng trăm xe vận tải chở đầy gạo đang chờ ở Hòa Bình để lên tiếp tế cho hàng vạn quân dân sẽ bị chặn lại. Và 15 ngày lương trên vai từng cán bộ, chiến sĩ, dân công sẽ cạn kiệt…

Đánh từ nóc nhà đánh xuống

Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt nhớ lại, tư tưởng quân sự được xác định khi đó là "cưỡi lên đầu hổ - đánh từ nóc nhà đánh xuống". Trung đoàn 174 (E174) là một cánh quân chủ lực mạnh, nằm trong đội hình của Sư đoàn 316, được giao nhiệm vụ làm một mũi tiến công vào Tây Bắc từ hướng Yên Bái, đặc biệt là công đồn Mộc Châu…

Phía Việt Minh lúc đó lực lượng gồm Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) được phối thuộc thêm Tiểu đoàn 215, 439 của Trung đoàn 98 và Tiểu đoàn 888 của Trung đoàn 176. Ngoài ra có thêm một đại đội pháo 75, một đại đội cối 120…Tất cả nằm dưới sự chỉ huy chung của Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt. Quyết tâm đặt ra là phải nhổ kỳ được Mộc Châu.

Trận cuối để đời: Hùm xám đường số 4 khiến quân thù khiếp vía - Ảnh 3.

Đặng Văn Việt ngày còn là Hùm xám vẫy vùng đường số 4

23 giờ ngày 19-11-1952, từ trung tâm chỉ huy, Trung đoàn trưởng Việt hạ lệnh nổ súng bắt đầu trận đánh. Một đại đội của D215 nhận nhiệm vụ sơ tán bà con dân bản ở khu tập trung ra xa đồn để tránh tên bay, đạn lạc và đề phòng địch sử dụng máy bay oanh tạc sau đó…

Tất cả hỏa lực của trung đoàn dồn dập bắn theo hướng chính lên đỉnh đồi, hàng rào dây thép gai và mìn nổ tung trời… Các bộc phá viên tranh thủ thời cơ xông lên mở đường cho bộ binh xung phong. Ngay từ những phút đầu D215 đã tiêu diệt được 2 trạm Pom Lót và Pom Thơm, lợi dụng vị trí cao, bố trí hỏa lực bắn vào đồn lớn.

Ngay sau đó, đại đội 1 của D249 xông thẳng lên chiếm đỉnh núi, đại đội trưởng cầm đèn pin quay mấy vòng báo hiệu cho sở chỉ huy. Đoàn trưởng Việt ra lệnh xung phong tiếp đại đội 2, 3 lên thẳng vị trí đồn, bao vây trọng điểm này. Quan ba đồn trưởng Vincent bị bắt sống, địch chống cự quyết liệt.

Từ các hỏa điểm đạn bắn ra như mưa, con nhím đồn Mộc Châu đang xù lông tua tủa với hàng trăm ngàn mũi gai nhọn… Vào thời điểm này, D249 đã cưỡi lên lưng hổ, không thể nào xuống nên lần theo các khe núi, tuột xuống từng lô cốt gọi hàng…

Một số tên địch hoảng sợ, định vượt rào thoát ra khỏi đồn thì dính vào chính bẫy mìn của bọn chúng để lại, 12 tên đã phơi xác trên hàng rào thép gai. Về phía ta cũng có những đồng chí đã ngã xuống, Tiểu đoàn phó D249 Khái Tâm đang nấp dưới bờ ruộng chỉ nhô đầu lên quan sát có mấy giây cũng đã hứng trọn một băng liên thanh và hy sinh…

Đến khoảng 2 giờ 30 phút sáng ngày 20-11-1952, trận đánh kết thúc, quân ta đã toàn thắng, 450 tên địch bị chết và bắt sống không sót một tên. Ta thu toàn bộ trang bị, vũ khí của địch.

Nhưng đúng như dự đoán, 9 giờ sáng, 3 chiếc máy bay B26 của địch từ Hà Nội lượn lên dội bom, kho thóc và nhà cửa cháy ngùn ngụt.

Rất may, do lường trước tình huống nên bộ đội ta đã sơ tán đến địa điểm trú ẩn an toàn. Trong trận này, chúng ta thương vong 53 đồng chí.

Ngay sau trận đánh, hàng trăm xe vận tải chở đầy ắp gạo từ rừng Hòa Bình đã đổ lên Tây Bắc, tiếp tế kịp thời cho hàng vạn dân công và bộ đội đang áp sát đường số 6 bị cạn dần lương thực. Mộc Châu, một vị trí kiên cố bậc nhất vùng Tây Bắc thất thủ, các đồn bốt khác nghe tin hốt hoảng, run sợ, một số bỏ chạy như Yên Châu, Hát Lót, Cò Nòi….

Lợi dụng tình thế, các đơn vị chủ lực của ta thừa thắng xông lên giải phóng Sơn La, Thuận Châu, Chiềng Đông…và sau này là Điện Biên Phủ. Thời gian trôi qua bằng cả đời người, Trung đoàn trưởng năm ấy giờ đã 99 tuổi nhưng ông vẫn nhớ lắm.

Ông nhớ trận đánh hào hùng, nhớ trung đoàn của mình, nhớ nhiều đồng đội đã hy sinh và cả những người nay còn hay mất… Ngước đôi mắt nhìn ra ô cửa nhỏ đầy ánh nắng mùa thu, người lính già Đặng Văn Việt bất chợt mỉm cười…

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại