"CÔNG VIỆC CỦA MÌNH NÓ VẬY, PHẢI CỐ MÀ KHẮC PHỤC THÔI"
Chỉ 2 tuần sau chức vô địch SEA Games 30, đội tuyển nữ Việt Nam đã hội quân trở lại để chuẩn bị cho chiến dịch tiếp theo là vòng loại cuối Olympic Tokyo 2020. Với thầy trò HLV Mai Đức Chung, không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và ngủ vùi trong chiến thắng bởi trước mắt họ là giải đấu ở cấp độ cao hơn sẽ khởi tranh ngay đầu tháng 2. Cũng vì thế mà đội liên tục duy trì chế độ rèn quân nghiêm ngặt trong gần 1 tháng và chỉ có ít ngày được về nghỉ ăn Tết nguyên đán.
Là người đã kinh qua quãng thời gian dài với bóng đá, từ khi còn làm cầu thủ đến sau này trở thành HLV, ông Mai Đức Chung rất hiểu tâm tư của các nữ tuyển thủ trong dịp đặc biệt như thế này.
Tập luyện, thi đấu xa nhà cả năm, ai cũng mong được về nghỉ Tết nhiều hơn một chút để ở bên gia đình. Nhưng vì nhiệm vụ chung của cả tập thể, HLV Mai Đức Chung luôn cố gắng động viên các học trò của mình.
"Tuyển nữ Việt Nam tập luyện đến sáng 27 tháng Chạp mới được nghỉ, rồi sau đó đến mùng 3 Tết lại phải lên tập trung rồi. Nhưng cũng do thời gian quá gấp rút rồi nên đội phải tập sát ngày như vậy", HLV Mai Đức Chung trải lòng với Trí Thức Trẻ.
Ông nói tiếp: "Cũng lâu rồi tuyển nữ Việt Nam không phải tập xuyên Tết mà chỉ đến sát ngày thôi. Ngày trước đã từng có thời điểm mà Tết cũng phải thi đấu cơ. Nhưng mà công việc của mình nó là như vậy, phải cố gắng khắc phục thôi. Tất cả phải lao vào để hoàn thành nhiệm vụ, làm sao để đạt được thành tích tốt.
Tôi cũng luôn nhắc nhở các cầu thủ về phải ăn uống, giữ gìn, sinh hoạt ăn ngủ điều độ. Đặc biệt là phải duy trì tập thể dục, vì cầu thủ nữ thì thể lực lên rất lâu chứ không như cầu thủ nam. Bởi thế mà tôi luôn dặn các cháu như vậy để tập trung và chú ý, khi toàn đội vẫn còn nhiệm vụ phía trước rất nặng nề là vòng loại Olympic".
"ĐƯỢC VỀ ĂN TẾT CHỈ 1 NGÀY THÔI CŨNG LÀ SUNG SƯỚNG LẮM RỒI"
Trên thực tế, không chỉ các cầu thủ mà các thành viên ban huấn luyện cũng là những người phải chịu cảnh đón Tết xa nhà hoặc chỉ có số ngày nghỉ Tết ít ỏi. Cầu thủ thì còn có ban huấn luyện động viên, còn với những người như HLV Mai Đức Chung, chính bản thân ông phải tự động viên mình và cùng với đó là sự cảm thông từ gia đình bởi đặc thù của nghề nghiệp.
HLV Mai Đức Chung trải lòng về câu chuyện của mình: "Ngoài việc làm công tác tinh thần cho các học trò chuyện ăn tập đến cận Tết, bản thân tôi cũng luôn tự nhủ lòng phải cố gắng.
Được một cái là gia đình tôi cũng quen với chuyện Tết tôi vắng nhà rồi. Có những năm, tối mùng 1 Tết tôi đã phải lên đường tập trung để mùng 2 Tết bay vào Đà Nẵng thi đấu. Và rồi chính năm đó lại là thời điểm tôi giành chức vô địch toàn quốc đầu tiên (năm 1980 - PV). Vợ con ở nhà dần cũng quen với chuyện đó và chỉ mong làm sao tôi đi luôn được khỏe mạnh và gặt hái được thành công cùng các đội bóng".
"Tôi vẫn luôn nhắc các cầu thủ rằng chúng ta có thời gian để về thăm nhà, thăm bố mẹ và ăn Tết dù có thể chỉ 1 ngày thôi cũng là sung sướng lắm rồi. Đó là vì nhiệm vụ chung của tất cả và chúng ta không thể quên điều đó được.
Toàn đội phải làm sao để luôn duy trì, giữ vững được hình ảnh của bóng đá nữ Việt Nam. Vừa qua chúng ta đã có những thành tích tốt như vậy, được người hâm mộ tin yêu, không có lý gì mà không nỗ lực tập luyện, phấn đấu để tiếp tục mang đến niềm vui, sự tự hào cho mọi người bằng kết quả thi đấu của mình".
KỶ NIỆM VỀ NHỮNG TRẬN BÓNG ĐẶC BIỆT NGÀY TẾT
Tiếp tục câu chuyện về bóng đá và những ngày Tết, HLV Mai Đức Chung hồi tưởng lại ký ức về những ngày tháng gian khổ, nhưng cũng đầy tự hào với nhiệm vụ ngoại giao quan trọng ông từng gánh vác mỗi dịp Tết khi còn là cầu thủ.
"Tất nhiên cái Tết của bây giờ nó rất khác với đời cầu thủ ngày xưa. Chỉ nhìn vào chế độ sinh hoạt tập luyện trong những ngày thường cũng đủ hiểu rồi chứ chưa nói đến ngày Tết.
Ngày xưa quần áo là đồ dệt kim Đồng Xuân, lúc đầu mặc thì vừa nhưng đá xong giặt một lần có khi vải co lên qua cả rốn. Tập luyện cũng chưa có khoa học. Chế độ dinh dưỡng rõ ràng cũng kém, ăn không đủ chất, sân bãi thì cứng còn giầy cũng không có đôi nào tử tế mà đá, phải tự "gia công" thêm bằng đinh da.
Có những trận do sân quá cứng, chuyện đá xong trận đinh trẹo đi, rơi mất 1, 2 cái là bình thường. Thậm chí có khi đang đá đinh giầy đâm ngược lên, thủng cả chân, máu chảy túa ra.
Hay như năm 1980 Tổng cục Đường sắt vô địch giải toàn quốc, người ta cứ nghĩ chúng tôi vô địch thì được thưởng xe này xe kìa, nhưng thực ra lương cũng chỉ được lên bậc thêm 10 đồng và mỗi người được thưởng 3 mét vải bảo hộ lao động cho công nhân. Chỉ có thế thôi, không có gì thêm cả", HLV Mai Đức Chung hồi tưởng lại.
Nhưng như ông Chung vẫn nói, dù phải thi đấu trong điều kiện khó khăn như vậy thì "cái máu nghề nghiệp của chúng tôi vẫn hăng lắm". Cũng bởi thế mà với ông và các đồng đội, có một trận đấu thường diễn ra vào ngày mùng 2 Tết luôn mang một ý nghĩa cống hiến lớn lao.
"Tết ngày xưa thì chúng tôi có nhiều kỷ niệm lắm. Nhưng nhớ nhất là những trận bóng đặc biệt trong dịp Tết. Khi đó thường có lãnh đạo cấp cao nước bạn sang Việt Nam ăn Tết vào mùng 2 và chúng tôi thi đấu để phục vụ.
Mọi người luôn luôn sẵn sàng ra sân vì ý nghĩa đặc biệt của nó. Tất nhiên đá xong trận đó thì cầu thủ cũng được về nghỉ bù. Thời kỳ đó cũng như bất cứ lúc nào, chúng tôi luôn đặt tổ quốc là trên hết để cống hiến. Trước kia cha anh chiến đấu trên chiến trường thì giờ chúng ta chiến đấu ở mặt trận thể thao này để đem vinh quang về cho tổ quốc, góp phần làm rạng danh hai tiếng Việt Nam.
Những thứ như thế gắn liền với tôi trong suốt những ngày tháng của nghiệp cầu thủ và sau này làm HLV cũng đều luôn sẵn sàng xách balo lên đường khi giải đấu diễn ra đúng dịp Tết".