Mắc căn bệnh xương thủy tinh từ năm 9 tuổi và không thể đi lại suốt đời, thế nhưng cô gái sinh năm 1996 Ngọ Thị Lý (Bắc Giang) đã chinh phục hầu hết các địa danh nổi tiếng của Việt Nam, từ cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Mã Pì Lèng hay huyện đảo Lý Sơn xa xôi bằng chiếc xe lăn mà Lý gọi là "đôi chân sắt". Mặc dù bệnh tật tiếp tục thử thách, nhưng 9X vẫn luôn lạc quan, yêu đời và trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều người khuyết tật. Câu chuyện về Ngọ Thị Lý sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương , chủ đề "Cô gái có đôi chân sắt" lúc 10h ngày 12/11/2022 trên kênh VTV1.
Xuất hiện trên sân khấu Trạm yêu thương với chiếc xe lăn, Ngọ Thị Lý tự hào rằng đó là người bạn đã gắn bó với em 19 năm qua, đưa em đi khắp Việt Nam. Lý say sưa kể về hành trình chinh phục những địa danh nổi tiếng, dù việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, khi thì bị thủng lốp xe, khi thì bị ốm. Những chuyến đi khiến Lý luôn tự hào vì "em đã tự làm được mọi thứ".
Do mắc bệnh xương thủy tinh từ nhỏ, sau nhiều lần gãy xương, Lý không thể tự đi học được mà phải nhờ mẹ cõng. Sau 6 năm, thấy mẹ quá vất vả, Lý đã xin mẹ không đi học nữa. Cô gái 9X chưa bao giờ thôi cố gắng để bản thân thoát ra khỏi bốn bức tường: "Có những khi chân trái chưa lành, chân phải đã gãy. Đỉnh điểm là khi em cố nhoài người từ giường ra xe lăn, bị ngã và gãy cả 2 chân. Em nhận thức được rằng mình đau thì bố mẹ cũng sẽ vất vả. Chính vì vậy mà em càng quyết tâm hơn trong việc phải tự làm chủ được bước đi của mình".
Năm 2015 là bước ngoặt của cuộc đời Lý khi em quyết định đến trung tâm Nghị lực sống để học nghề. Lý nghẹn ngào nhớ lại: "Sau 19 năm sống trong sự bao bọc, em được đi ra ngoài đúng nghĩa. Em mất 2 tháng mới thuyết phục được bố mẹ để sống tự lập. Em muốn chứng minh mình đang được sống, được làm công việc mình yêu thích, mang lại giá trị cho bản thân và những người xung quanh".
Chia sẻ về hành trình chinh phục các tỉnh thành, Lý hào hứng: "Ước mơ xê dịch luôn nhen nhóm trong em từ khi còn rất nhỏ. Nhưng do căn bệnh xương thủy tinh, em không nghĩ được rằng có thể đến một tỉnh thành khác chứ không nói gì là đi khắp cả nước". Động lực khiến Lý quyết tâm chinh phục các điểm đến là cuối năm 2021, khi điều trị song song 2 căn bệnh xương thủy tinh và ung thư tuyến giáp giai đoạn 2, bác sĩ cho biết tình trạng bệnh của Lý tiến triển nặng thêm. "Khi đó em đã nghĩ - Ồ nếu đã như vậy rồi, mình phải làm những việc mà có thể sẽ không có cơ hội làm nữa . Đối với em, thời gian và sức khỏe là hữu hạn, mình phải sử dụng nó chất lượng một chút", ý tưởng với những chuyến đi của Lý bắt đầu.
Tháng 9/20221, Lý bắt đầu lên kế hoạch cho những chuyến đi và tháng 3/2022, em đặt chân hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam. "Những chuyến đi không làm em bớt đau về mặt thể chất nhưng lại xoa dịu tâm hồn. Khi em được làm những điều mình mong muốn, nó trở thành liều thuốc phù hợp với bản thân hơn bao giờ hết. Đi ra ngoài mới hiểu được giá trị của sự tự do, chính vì vậy mà em muốn gửi gắm đến cộng đồng những người khuyết tật, đừng tự giới hạn mình, hãy đi ra ngoài và tận hưởng cuộc sống.
Trong suốt thời gian ghi hình Trạm yêu thương , cô gái 9X không một chút kêu ca về bệnh tật, thay vào đó Lý luôn tự hào và cảm thấy tự tin, xen lẫn hạnh phúc rằng mình may mắn khi luôn được gia đình yêu thương, có ước mơ để theo đuổi, có những người bạn để sẻ chia.
Hiện tại, Lý là thành viên của Mạng lưới Bệnh Hiếm Việt Nam. Em mong muốn được làm nhiều điều ý nghĩa cho những bệnh nhân mắc phải căn bệnh hiếm giống như mình. Lý có một mong muốn bình dị là ngày nào đó được tập đàn violon – nhạc cụ mà em yêu thích nhưng sau một lần tai nạn khiến Lý không thể cầm đàn trở lại được nữa. Không chỉ tặng cho Lý một món quà tinh thần với sự xuất hiện bất ngờ của nhạc sĩ violin Trần Quang Duy, món quà bí mật của Trạm yêu thương còn giúp Lý mạnh mẽ hơn và vững bước trên hành trình mang yêu thương đến cho những người khuyết tật.