Trăm tỷ cho giấc mơ World Cup, trăm triệu bản quyền "phủi" và nỗi buồn V-League

Kim Thiền |

Với chiến thắng lịch sử của đội tuyển futsal ở VCK World Cup, năm 2016 chính thức ghi nhận sự huy hoàng của thể thao Việt Nam. Nhưng vẫn còn đó những góc tối...

1. Thành công của futsal Việt Nam không chỉ đơn thuần ở việc lần đầu tiên góp mặt ở VCK World Cup, mà nó là một thành công lịch sử, mang tính đột phá. Đó là thành công của bầu Tú, của Thái Sơn Nam, của sự đầu tư tập trung, nghiêm túc và được định hướng lâu dài.

Nó chẳng phải là thành công đến bởi sự đầu tư ngày một, ngày hai. Gần chục năm trời, hàng trăm tỷ đồng đổ ra, rất nhiều tâm huyết, trí tuệ và cả sự may mắn mới tạo nên được một đội tuyển, một nền tảng không chỉ cho ngày hôm nay, mà còn cho cả tương lai.

Những ngày này, giải U19 Đông Nam Á lại được tổ chức tại Việt Nam. Thay vì đá trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình như 2 năm về trước, giải lần này chỉ được diễn ra ở sân Hàng Đẫy, vốn đang xuống cấp trầm trọng, phải giới hạn số lượng khán giả đến sân vì... sợ sập. Và điều quan trọng là, có đá ở Mỹ Đình, cũng chẳng mấy ai thèm đi xem.

Trăm tỷ cho giấc mơ World Cup, trăm triệu bản quyền phủi và nỗi buồn V-League - Ảnh 1.

Sân Mỹ Đình đã từng có lúc không còn lấy một chỗ trống khi lứa U19 đá giải Đông Nam Á 2 năm về trước.

Còn nhớ 2 năm trước, lứa U19 của những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường... cũng đá U19 Đông Nam Á. Người người, nhà nhà tranh nhau, đánh nhau để có vé đi xem. Bốn vạn vé ở Mỹ Đình được mua sạch, cả nước hào hứng theo dõi những bước chân trẻ thêu hoa dệt gấm trên sân.

2. Khoan hẵng bàn đến chuyện lứa U19 bây giờ, hay U19 "ngày xưa" đá hay hơn, có điều, có thể khiến cả nước phải say mê theo dõi, trầm trồ tán thưởng và tự hào, ấy là thành công. Nói gì thì nói, khán giả mới là yếu tố chuẩn xác nhất để đánh giá thành công của một đội tuyển, một môn thể thao...

Có lạ không, khi tuyển futsal là của... bầu Tú, theo cái cách rằng sự đầu tư chính đến từ ông bầu này. Tương tự như thế là U19 "của bầu Đức". Còn U19 đang thi đấu ở Hàng Đẫy là... của chung.

Trăm tỷ cho giấc mơ World Cup, trăm triệu bản quyền phủi và nỗi buồn V-League - Ảnh 2.

Cũng là giải U19 Đông Nam Á, mà năm nay Hàng Đẫy hắt hiu đến tội nghiệp.

Olympic Rio 2016 hồi tháng trước chứng kiến sự thống trị của thể thao Mỹ với ngôi số 1 tuyệt đối. Hẳn lắm người ngạc nhiên khi biết rằng chính phủ Mỹ chẳng phải chi bất cứ xu nào cho đoàn thể thao tham dự Thế vận hội lần này, cũng như những lần trước. Tất cả đều đến từ xã hội hóa thể thao.

Nói nôm na, thể thao ở Mỹ phải thu hút được sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp thì mới có tiền để phát triển, lấy thành tích để làm hiệu ứng truyền thông ngược lại cho các doanh nghiệp, như cách bầu Đức làm bóng đá, bầu Tú làm futsal. Thành công hay thất bại đều được đo đếm, định lượng tỉ mỉ, chứ không chỉ là những báo cáo hào nhoáng chung chung.

Ngay như Hoàng Xuân Vinh, chiến tích chói lọi "vô tiền khoáng hậu" của xạ thủ này tại đấu trường Olympic nhận về nhiều tỷ tiền thưởng, và phần nhiều trong số đó đến từ các doanh nghiệp, chứ chẳng phải từ cơ chế thưởng của Nhà nước.

Trăm tỷ cho giấc mơ World Cup, trăm triệu bản quyền phủi và nỗi buồn V-League - Ảnh 3.

Khán đài đông chật khán giả trong ngày khai mạc HPL-S3.

Ngày 18/9 tới đây, HPL - Giải bóng đá phong trào ngoại hạng, tiền thân là Giải bóng đá ngoại hạng Hà Nội đã bước sang mùa thứ tư. Những thành công của các mùa giải trước là bước đà cho mùa này có thêm giải Hạng Nhất, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình và bán được bản quyền truyền hình với giá lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi mùa.

"Chơi để cống hiến, chơi để tận hưởng" - với tinh thần này, các chân sút "phủi" cứ yên tâm cống hiến, vài nghìn khán giả đến chật sân mỗi chiều cuối tuần, cùng hàng trăm nghìn khán giả xem trực tiếp tha hồ tận hưởng một thứ bóng đá đẹp, sòng phẳng, cống hiến, thậm chí còn chuyên nghiệp... hơn cả bóng đá chuyên nghiệp.

3. Trong khi đó, đau xót thay, ở thượng tầng bóng đá Việt Nam, với đại diện tiêu biểu nhất là V-League đang tụt dốc một cách thảm hại. Nói cho gọn lại, trong khi bóng đá phong trào ngày càng được chuyên nghiệp hóa, thì với bóng đá chuyên nghiệp, người ta đang ngày càng... nghiệp dư hóa nó.

Vấn đề của bóng đá chuyên nghiệp, có nói cả ngày cũng không hết chuyện, có mắng mỏ, bức xúc hay làm đơn lên cả Bộ trưởng, thì cũng chẳng giấy mực hay mạng xã hội nào cho đủ.

Niềm tin với V-League, với bóng đá chuyên nghiệp, mà cụ thể là những người điều hành giải đấu giảm sút thê thảm đến mức, cái án phạt cho Quế Ngọc Hải khi đá gãy chân Anh Khoa của SHB Đà Nẵng, thay vì nhận được sự đồng tình của dư luận, lại đi theo chiều ngược lại. Người ta ghét vì thái độ, cách làm, hơn là vì bản chất sự việc.

Trăm tỷ cho giấc mơ World Cup, trăm triệu bản quyền phủi và nỗi buồn V-League - Ảnh 4.

Ở V-League, những pha vào bóng như thế này ngày càng trở nên phổ biến.

Để rồi từ đó, bạo lực lan tràn khắp V-League mùa giải 2016, mùa giải chỉ còn 1 lượt đấu nữa là kết thúc. Trọng tài trở thành vấn nạn, đến mức chẳng ai còn thèm tin vào đội ngũ cầm cân nảy mực nữa, thà mời "người ngoài" về bắt, còn hơn phập phù lo sợ mỗi khi ra sân. Rồi râm ran những trận "đá cuội", chẳng ai còn tin vào những giọt nước mắt trên sân cỏ...

Cái công ty được thành lập ra để điều hành giải đấu, đem lại một cuộc chơi sòng phẳng, trung thực cho các đội bóng tham dự, giờ đây trong mắt các đội bóng đầy rẫy sự độc tài, thiếu công tâm, chỉ chăm chăm áp đặt quyền lực của mình lên các "ông chủ", những đội bóng tham dự giải đấu.

Có lẽ đến lúc nên "xóa bài làm lại"?

Trong lịch sử, ở Đông Nam Á không thiếu những trường hợp các quốc gia "xóa sổ" giải VĐQG để làm lại từ đầu, để rồi tốt hơn lên. Bởi xét cho cùng, thà đau một lần cho xong, còn tốt hơn cứ để niềm tin của người hâm mộ cứ mãi bị xói mòn đến mức chai lỳ.

Trăm tỷ cho giấc mơ World Cup, trăm triệu bản quyền phủi và nỗi buồn V-League - Ảnh 5.

Đội bóng Viettel đang đứng trước cơ hội 50/50 giành quyền tham dự V-League 2017. Ở trung tâm huấn luyện của mình tại Xuân Mai, lứa cầu thủ trẻ vẫn mỗi ngày tập luyện buổi sáng, đi học buổi chiều. Xa nhà, đen sạm vì cháy nắng, nhưng các em vẫn giữ nguyên nét hồn nhiên, trong sáng và cực kỳ lễ phép mỗi khi gặp người lạ.

Ngắn lại tấm ảnh chụp các em gần một năm trước, không khỏi xót xa khi nghĩ đến việc một ngày nào đó, không ít em sẽ được ném vào "chảo lửa" V-League. Rồi các em sẽ ra sao, khi phải sống trong một môi trường bóng đá đang ngày càng xuống cấp như hiện tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại