Ghi nhận của phóng viên, từ 16h30 hôm nay, đã diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực qua trạm thu phí Cai Lậy.
Lúc đầu, xe ùn ứ theo chiều từ hướng Vĩnh Long đi TP.HCM. Khi mua vé, các tài xế dùng tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng… nhằm kéo dài thời gian kiểm đếm của các nhân viên thu phí.
Trước tình trạng ùn ứ, nhân viên trạm thu phí phải cho xe chạy sang cả phần đường ngược lại nhằm giảm áp lực.
Khoảng 20 phút sau, tình trạng trên diễn ra từ hướng ngược lại (TP.HCM – Vĩnh Long) khiến giao thông ách tắc, phức tạp. Lực lượng CSGT và TTGT tại hiện trường hết sức vất vả để điều tiết giao thông.
Ùn tắc kinh hoàng ở khu vực qua trạm thu phí Cai Lậy vào chiều tối hôm nay.
Đến khoảng 17h cùng ngày, trạm thu phí buộc phải “xả cửa” cho các xe từ hướng Vĩnh Long – TP.HCM để giảm bớt tình trạng ùn ứ. Sau khoảng 30 phút được giải tỏa, tình trạng ách tắc lại tái diễn. Đoàn dài xe nhích từng tí một.
Nhiều tài xế lái xe qua trạm với tốc độ "rùa bò" và liên tục phản ứng với lực lượng thanh tra giao thông ra do tái diễn tình trạng các tài xế dùng tiền lẻ. Phải đến gần 19h, giao thông qua khu vực mới thông thoáng.
“Hàng năm tôi đã nộp phí bảo trì đường bộ, vậy tại sao phải nộp phí BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy, trong khi tôi không sử dụng tuyến tránh này?” - tài xế ô tô Nguyễn Quốc V. (ngụ TP.HCM) đặt câu hỏi với nhân viên trạm thu phí.
Ông V. cho rằng, chủ đầu tư xây dựng tuyến tránh nhưng đặt trạm thu phí trên QL1 là điều bất hợp lý. “Tôi đề nghị chủ đầu tư, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang phải giải quyết thỏa đáng việc này” - ông V. nói.
Về mức thu, theo ông V., phí dao động từ 35.000 - 180.000 đồng là rất cao.
Trong khi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thu có 40.000 đồng, có mấy làn xe và chạy được vận tốc 120km, thì tuyến tránh Cai Lậy chỉ có 2 làn xe mà đường cũng xấu hơn, lấy gì thu mức phí như vậy được?
Ông Nguyễn Việt Thắng (tài xế ngụ TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) bức xúc: “Phí qua trạm rất cao so với quãng đường làm, một tuần tôi đi qua tuyến đường này 3 – 4 lần, chủ yếu chở nông sản lên TP.HCM tiêu thụ.
Tôi yêu cầu nên giảm giá xuống chứ giá này thì buộc lòng các doanh nghiệp phải tăng thêm phí vận chuyển thì người dân phải chịu thiệt thòi còn nếu không thì nên dời trạm này sang tuyến đường tránh TX.Cai Lậy.
” Theo ông, trường hợp đau ốm bệnh tật, di chuyển qua trạm này gặp tình trạng kẹt xe cả giờ đồng hồ thì vất vả lắm…
Không thể “xả trạm” liên tục
Theo ông Nguyễn Phú Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH BOT Đầu tư QL1 Tiền Giang, nếu xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài thì buộc lòng cho “xả trạm” (xe qua trạm không cần mua vé).
Việc xả trạm này được áp dụng thời điểm kẹt xe kéo dài, sau khi không còn tình trạng kẹt xe nữa thì nhân viên vẫn thu phí trở lại bình thường chứ không thể nào xả liên tục được.
Đại diện của chủ đầu tư chũng cho rằng, đây là dự án chủ đầu tư đã bỏ tiền ra để làm và việc này và đã được sự đồng ý của Bộ GTVT.
“Dự án bao gồm xây dựng tuyến tránh và tăng cường mặt đường QL1, gồm hai thành phần chứ không phải làm mỗi tuyến tránh. Nếu như chúng tôi làm mỗi tuyến tránh thì đã đặt trạm thu phí ở tuyến tránh rồi”.
Trước đó, ông Trần Văn Bon – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cũng thông tin: “Dự án xây dựng tuyến tránh Cai Lậy có hai phần, một là xây dựng 12,5km đường tuyến tránh, thứ hai là nhà đầu tư tăng cường mặt đường 26,5km trên QL1 và thêm một số hệ thống thoát nước, sửa chữa 14 cây cầu trên đoạn đường này.
Việc chọn vị trí đặt trạm cũng được UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT thống nhất…”. Theo ông Bon, về mức giá thu thí BOT Cai Lậy so với cao tốc Trung Lương – TP.HCM về góc độ Sở GTVT thì hơi cao.
Qua thông tin báo chí, vừa qua Sở cũng đã kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét có một mức giá phù hợp để góp phần giảm đi các chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp vận tải, chi phí hàng hóa cho các tỉnh ĐBSCL.
Theo kế hoạch, sáng 14/8, Cục trưởng Cục đường bộ sẽ làm việc với chính quyền tỉnh Tiền Giang để tìm giải pháp khắc phục, không để tình trạng kể trên tái diễn.